Nhóm phi hành gia chỉ mất 6 tiếng để bay lên vũ trụ

Nhóm phi hành gia Nga-Mỹ đã lên đến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sau một chuyến bay siêu tốc từ trái đất mất không tới sáu giờ đồng hồ
Một nhóm phi hành gia Nga-Mỹ đã lên đến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) ngày 29/3 sau một chuyến bay siêu tốc từ trái đất mất không tới sáu giờ đồng hồ, hành trình có người lái nhanh nhất từ trước tới nay lên phòng thí nghiệm trên vệ tinh này. Một phi hành gia của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và hai đồng nghiệp người Nga đã mở cửa chiếc tàu không gian Soyuz-TMA của họ và vào ISS trong sự chào đón nồng nhiệt của ba phi hành gia khác đã ở sẵn đây. Hai phi hành gia người Nga Pavel Vinogradov và Alexander Misurkin cùng người Mỹ Chris Cassidy dự kiến sẽ trải qua năm tháng trên ISS. Chuyến đi nhanh kỷ lục của họ xuất phát từ trạm phóng tàu không gian Baikonur của Nga ở Kazakhstan chỉ mất không tơi sáu tiếng đồng hồ. Trước đó, các chuyến bay lên ISS thường mất hơn hai ngày khi các phi thuyền bay quanh quỹ đạo trái đất 30 lần trước khi có thể đáp. Tuy nhiên, công nghệ mới được cơ quan hàng không vũ trụ Nga sử dụng cho phép tàu Soyuz chỉ phải bay xung quanh trái đất bốn lần trước khi đáp xuống ISS. Sau khi cất cánh vào lúc 20g43 giờ GMT ngày thứ Năm, buồng lái Soyuz kết nối với ISS vào lúc 02g28 ngày hôm sau. Hành trình với thời gian rút gọn này có thể diễn ra nhờ phóng Soyuz ngay sau khi ISS đi qua phía trên tàu không gian này trong quỹ đạo. Vào quỹ đạo xong, tàu Soyuz chỉ phải bay hơn 1.600 km để bắt kịp ISS nhờ vào bộ phóng mới trên tàu. Chuyến bay tốc hành này diễn ra sau khi Nga đã phóng thành công ba tàu tiếp tế không người lái Progress lên ISS vào các tháng 8, 9 năm ngoái và tháng 2 năm nay cũng với thời gian không đầy sáu tiếng. Thành công này là sự khích lệ lớn cho chương trình vũ trụ của Nga, gặp nhiều khó khăn trong thời gian gần đây với các vụ phóng hỏng vệ tinh vào năm ngoái. Sau khi Mỹ ngưng phóng các tàu con thoi, Nga hiện là nước duy nhất có thể đưa người lên ISS. Trước vụ phóng, phi hành đoàn đã bày tỏ sự hài lòng với chương trình tốc hành, bao gồm Vinogradov, hiện 59 tuổi và là một trong những phi hành gia giàu kinh nghiệm nhất của Nga. Ông đã có 197 ngày trên trạm vũ trụ Mir của Nga, nay không còn hoạt động, trong giai đoạn 1997-1998 và bay lên ISS năm 2006.
Nhóm phi hành gia chỉ mất 6 tiếng để bay lên vũ trụ ảnh 1
Soyuz chỉ phải bay hơn 1.600 km để bắt kịp ISS (Nguồn: AFP)
Theo Vinogradov, rút ngắn thời gian bay mang lại nhiều lợi thế cho phi hành đoàn. Trước hết, các phi hành gia chỉ bắt đầu cảm nhận ảnh hưởng mạnh của tình trạng không trọng lực sau 4-5 giờ bay, họ sẽ có sức khỏe tốt hơn khi tới trạm vũ trụ nhờ khoảng thời gian rút ngắn. “Ngay khi đáp, các phi hành gia vẫn có cảm giác bình thường và có thể làm việc bình thường”, ông nói trong cuộc họp báo trước chuyến bay tại Baikonur. Ngoài ra, thời gian giảm bớt có nghĩa là tàu Soyuz có thể mang theo các nguyên liệu sinh học làm thí nghiệm lên ISS trước khi chúng bị hỏng, điều không thể với chuyến bay hai ngày trước đây. “Thời gian ngắn như thế, phi hành đoàn còn có thể mang theo kem, lên tới đó vẫn chưa chảy”, Vinogradov nói. Hiện trên ISS đã có ba phi hành gia là Chris Hadfield của Canada, Tom Marshburn của NASA và Roman Romanenko của Nga. Trong những tháng qua, Hadfield đã dày công lập một trang Twitter với rất nhiều bức ảnh ngoạn mục về trái đất được chụp từ ISS. “Họ đã đáp. Tôi đã vào tàu Soyuz, rất ngầu!” Hadfield viết trên Twitter.
Nhóm phi hành gia chỉ mất 6 tiếng để bay lên vũ trụ ảnh 2
Nhóm phi hành gia họp báo hôm 27/3 trước khi bay lên ISS (Nguồn: AFP)
Cassidy là một cựu chiến binh của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ từng đi lính ở Afghanistan và có 15 ngày làm nhiệm vụ ở ISS vào năm 2009. Còn với Misurkin, đây là chuyến bay đầu tiên của ông./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục