Nhóm tháp G - trọng điểm bảo tồn tháp cổ Mỹ Sơn

Dự án bảo tồn di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Quảng Nam giai đoạn II đang được tiếp tục thực hiện với trọng tâm là nhóm tháp G.
Dự án bảo tồn di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Quảng Nam giai đoạn II đang được tiếp tục thực hiện. Nhóm tháp G, trọng điểm của dự án được bảo tồn với những "giá trị ngoại hạng" tiêu biểu cho mô hình sắp xếp của đền tháp trong quần thể di tích Mỹ Sơn nói riêng, tháp Chăm nói chung.

Giai đoạn I của dự án bảo tồn nhóm tháp G Mỹ Sơn được đầu tư 812.000 USD do Chính phủ Italy tài trợ. Nhóm tháp G gồm 5 tháp bị hư hỏng nặng, chỉ còn lại đền thờ G1 (thế kỷ 12-13). Đây là dự án trong chương trình hợp tác giữa 3 bên Việt Nam-UNESCO-Italy.

Bà Patrizia Zolese, cố vấn về văn hóa của UNESCO, giáo sư Đại học Milan cùng các sinh viên người Italy đã không quản thời tiết khắc nghiệt đã ở lại Mỹ Sơn hàng tháng trời mỗi năm với những công việc âm thầm. Bà Patrizia Zolese tâm sự, điều kiện làm việc nơi đây quá khó khăn, giao thông đi lại trở ngại, sinh hoạt thiếu thốn nhưng bà rất cảm động về sự chia sẻ của cán bộ địa phương trong việc hỗ trợ trong công việc.

Từ năm 2005 đến nay, các chuyên gia khảo cổ, trùng tu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Lerici Foundation (Trường đại học Milan, Italy) đã làm việc miệt mài để trùng tu, gia cố nhóm tháp G trong quần thể di tích khu đền tháp Mỹ Sơn. Điều quan trọng nhất mà các chuyên gia đang thực hiện là thận trọng trong việc sử dụng vật liệu trùng tu, tận dụng tối đa các viên gạch cũ.

Kiến trúc sư Landoni Federico tiết lộ: "Điều làm chúng tôi vui mừng hơn hết chính là việc đã tìm ra chất keo kết dính các viên gạch Chăm lại với nhau. Đó chính là dầu rái, nhựa của một loại cây mọc rất nhiều tại vùng rừng núi phía tây Quảng Nam và được cư dân địa phương sử dụng cho việc xâm thuyền, trét vách làm nhà. Phát hiện này đã giải mã những bí ẩn về kỹ thuật xây tháp của người Chăm cổ và giúp các chuyên gia thực hiện trùng tu các di tích Chăm dễ dàng, thuận lợi hơn".

Các chuyên gia Quỹ Lerici cũng đã tìm ra chất đất phù hợp cho việc sản xuất gạch mới (đáp ứng gần như đầy đủ các tiêu chuẩn của viên gạch cũ) phục vụ trùng tu di tích Chăm. Theo yêu cầu của các chuyên gia người Italy, ông Phùng Ngọc Linh (58 tuổi) và Võ Văn Năm (53 tuổi) - cư dân địa phương đã lấy đất ở khu vực Ao Vuông (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) mà theo truyền thuyết đây là nơi mà người Chăm cổ đã dùng đất để làm gạch xây tháp.

Kết quả nghiên cứu đã mang nhiều thông tin quý báu, các thành phần trong đất sét ở Ao Vuông phù hợp với chất đất trong các viên gạch cũ. Hàng ngàn viên gạch do Xí nghiệp gốm sứ La Tháp sản xuất đã được đưa vào phục vụ việc gia cường, gia cố bên trong chân móng ngôi tháp G3. Tuy nhiên cần phải so sánh các mẫu gạch đã sản xuất và trùng tu ở các di tích Chăm ở các tỉnh bạn để chọn mẫu gạch chất lượng cao.

Bà Vibeke Jensen, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội không giấu được niềm vui: " Thành công lớn nhất của việc thực hiện dự án bảo tồn di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn là tìm ra được chất kết dính giữa các viên gạch ở tháp Mỹ Sơn đồng thời đào tạo và trang bị kiến thức về bảo tồn di sản văn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế Di sản thế giới cho cán bộ khảo cổ học, kiến trúc sư, chuyên gia bảo tồn và cán bộ quản lý di sản".

Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết: Giai đoạn II của dự án bảo tồn di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn sẽ kế thừa những thành công đã đạt được trong giai đoạn I và tiếp tục hoàn chỉnh việc trùng tu khu tháp G1, tháp quan trọng nhất trong nhóm tháp G. Trong quá trình thực hiện dự án, các tài liệu nghiên cứu và những bài học tiêu biểu về công tác trùng tu sẽ được hệ thống hóa và lưu giữ lại.

Dự án sẽ tiếp tục đào tạo và trang bị kiến thức về bảo tồn di sản văn hóa theo chuẩn quốc tế Di sản thế giới cho cán bộ khảo cổ học, kiến trúc sư, chuyên gia bảo tồn và cán bộ quản lý di sản. Một mục tiêu nữa của dự án đó là lập danh mục tất cả các tháp Chăm ở khu tháp Mỹ Sơn để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác bảo tồn lâu dài cho khu di sản và xây dựng một kế hoạch thuyết minh chi tiết khu đền tháp Mỹ Sơn"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục