Nhóm Tiếp xúc ký Giải pháp tổng thể thực hiện Thỏa thuận Minsk

Song song với cuộc đàm phán thượng đỉnh, ngày 12/2, Nhóm Tiếp xúc ba bên về Ukraine cũng ký kết Giải pháp tổng thể gồm 13 điểm nhằm thực hiện thỏa thuận Minsk.
Nhóm Tiếp xúc ký Giải pháp tổng thể thực hiện Thỏa thuận Minsk ảnh 1Cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma (trái) và Đại sứ Nga tại Ukraine Mikhail Zurabov (giữa) sau cuộc họp ngày 10/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Song song với cuộc đàm phán thượng đỉnh theo thể thức Normandie, ngày 12/2, tại Minsk (Belarus), Nhóm Tiếp xúc ba bên về Ukraine cũng ký kết Giải pháp tổng thể gồm 13 điểm nhằm thực hiện thỏa thuận Minsk.

Ký văn kiện có đại diện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Heidi Tagliavini, cựu Tổng thống Ukraine Leonhid Kuchma, Đại sứ Liên bang Nga tại Ukraine Mikhail Zurabov, lãnh đạo hai Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk.

Nội dung của Giải pháp tổng thể bao gồm:

1. Ngừng bắn ngay lập tức và toàn diện tại Donetsk và Lugansk bắt đầu từ 0:00 ngày 15/2/2015 (4:00 ngày 16/2 giờ Hà Nội).

2. Cả hai bên rút toàn bộ vũ khí hạng nặng ở khoảng cách đều nhau tối thiểu là 50km từ đường giới tuyến (quân đội Ukraine rút theo đường giới tuyến hiện nay, lực lượng đòi độc lập theo đường giới tuyến cũ hẹp hơn từ ngày 19/9/2014), bắt đầu từ ngày 16/2.

3. OSCE tổ chức giám sát hiệu quả và kiểm tra chế độ ngừng bắn và rút vũ khí

4. Vào ngày đầu rút vũ khí, tiến hành đối thoại về phương thức bầu cử địa phương theo luật Ukraine bao gồm luật về quy chế đặc biệt cho hai tỉnh Donetsk và Lugansk, cũng như về thể chế tương lai cho các vùng này.

5. Ân xá và tha bổng bằng cách ra luật cấm truy đuổi và trừng phạt những người liên quan đến các sự kiện tại hai tỉnh trên.

6.Trao đổi và trả tự do cho tất cả con tin trong vòng 5 ngày kể từ ngày rút vũ khí.

7. Đảm bảo vận chuyển, bảo quản và phân chia hàng cứu trợ nhân đạo trên cơ sở cơ chế quốc tế.

8. Xác định phương thức khôi phục lại toàn bộ quan hệ kinh tế-xã hội (giữa Kiev và hai tỉnh đòi độc lập trên)

9, Khôi phục lại kiểm soát đầy đủ của Chính phủ Ukraine đối với biên giới đất nước kể từ ngày đầu sau bầu cử địa phương và kết thúc sau khi đạt giải pháp chính trị.

10. Dưới sự giám sát của OSCE, rút tất cả các đơn vị vũ trang nước ngoài, khí tài, cũng như lính đánh thuê khỏi lãnh thổ Ukraine. Giải giáp tất cả các nhóm bất hợp pháp.

11. Tiến hành cải cách hiến pháp Ukraine, từ nay đến cuối năm 2015 đưa vào hiệu lực bản hiến pháp mới với trọng tâm là phi tập trung hóa quyền lực.

12. Các vấn đề bầu cử địa phương sẽ được thảo luận và nhất trí với đại diện hai tỉnh trên trong khuôn khổ Nhóm tiếp xúc. Tổ chức bầu cử theo tiêu chuẩn của OSCE.

13. Thúc đẩy hoạt động của Nhóm Tiếp xúc, trong đó có thành lập các nhóm làm việc, nhằm thực hiện thỏa thuận Minsk.

Chỉ vài giờ sau đàm phán giữa lãnh đạo 4 nước Nga, Ukraine, Pháp và Đức tại Minsk kết thúc với việc ký kết được một thỏa thuận ngừng bắn kể từ ngày 15/2, Ngoại trưởng Đan Mạch Martin Lidegaard đã hoan nghênh thông tin này và đánh giá thỏa thuận đạt được có thể làm tất cả các bên hài lòng.

Trong lúc đó, Bộ Ngoại giao Đức đánh giá kết quả đàm phán là bước tiến tuy không phải là bước tiến đột phá. Theo tuyên bố, thỏa thuận ngày 12/2 tại Minsk chưa phải là giải pháp toàn diện hay bước tiến đột phá. Tuy nhiên "Minsk-2" có thể được xem là bước tiến đưa tất cả các bên thoát khỏi vòng xoáy bạo lực về phía giải pháp chính trị.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjorn Jagland đánh giá, "Bộ tứ Normandie" đã làm tất cả để đạt được lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine.

Còn tại Quốc hội Ukraine, đảng "Khối đối lập" hoan nghênh thỏa thuận đạt được Minsk bao gồm lệnh ngừng bắn, trao đổi tù binh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục