Nhóm tiếp xúc quốc tế đòi đại tá Gaddafi từ chức

Nhóm tiếp xúc khẳng định nhà lãnh đạo Gaddafi phải từ bỏ quyền lực và để người dân Libya tự quyết định tương lai của chính mình.
Ngày 13/4, cuộc họp của Nhóm tiếp xúc quốc tế về tình hình Libya đã kết thúc tại Doha, Qatar sau một ngày tranh cãi căng thẳng.

Cuộc họp diễn ra dưới sự đồng chủ trì của đại diện nước chủ nhà và Anh, thu hút sự tham gia của đại diện từ ít nhất 20 nước và một số tổ chức quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc (LHQ), Liên đoàn Arập, Liên minh châu Phi (AU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU)...
 
Tuyên bố của Nhóm tiếp xúc công bố sau cuộc họp khẳng định nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi phải từ bỏ quyền lực và để người dân Libya tự quyết định tương lai của chính mình. Tuyên bố cũng thông báo quyết định thiết lập một "cơ chế tài chính tạm thời" nhằm hỗ trợ lực lượng chống đối đại tá Gaddafi.
 
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngay sau cuộc họp, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho biết phương Tây đang xem xét một lệnh ngừng bắn có điều kiện tại Libya. Lệnh ngừng bắn đó phải tuân thủ các nghị quyết của LHQ và buộc các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi phải rút khỏi các thành phố đã chiếm giữ.
 
Nhóm tiếp xúc nhất trí họp lại tại Italy vào tuần đầu tiên của tháng 5 tới.
 
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cảnh báo tình hình nhân đạo ở Libya tiếp tục xấu đi, với khoảng một nửa dân số nước này cần được viện trợ nhân đạo, trong khi một nửa triệu người khác phải rời bỏ quê hương từ khi nổ ra khủng hoảng. Ông kêu gọi các nước tham gia đi đến tiếng nói chung về vấn đề Libya.
 
Trong khi đó, NATO bị chia rẽ không chỉ về vấn đề vũ trang cho lực lượng chống chính phủ Libya và việc tăng cường các cuộc không kích, mà cả vấn đề thành lập quỹ để giúp lực lượng chống chính phủ lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
 
Ngoại trưởng Bỉ Steven Vanackere cho rằng nghị quyết mới đây của LHQ về Libya nhằm mục đích bảo vệ dân thường và không đề cập việc vũ trang cho lực lượng chống chính phủ. Ông cũng phản đối việc tăng cường lực lượng đến Libya.
 
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle phản đối bất kỳ giải pháp quân sự nào đối với vấn đề Libya. Mặc dù bảo lưu đề xuất của Italy về lập quỹ lấy từ các tài sản bị phong tỏa của một số quan chức Libya để hỗ trợ lực lượng chống chính phủ Libya, nhưng ông Westerwelle hoài nghi tính hợp pháp của đề xuất này.
 
Ngoại trưởng Anh William Hague thì kêu gọi thành lập cơ chế tài chính tạm thời để hỗ trợ lực lượng chống chính phủ đang chiếm giữ miền Đông Libya.
 
Tổng Thư ký NATO Fogh Rassmussen ủng hộ quan điểm của AU theo đuổi giải pháp hòa bình cho Libya, trong khi đại diện nước chủ nhà Qatar khẳng định người dân Libya cần được trang bị công cụ để tự vệ và quyết định tương lai của mình.
 
Phía lực lượng chống chính phủ Libya chỉ trích NATO sử dụng sức mạnh tối thiểu ở Libya, đồng thời khẳng định cần triệt tiêu các vũ khí hạng nặng của quân chính phủ.
 
Trong khi đó, người dân thủ đô Libya cho biết đã nghe thấy hai tiếng nổ lớn ở ngoại ô thành phố Ajdabiya của Libya và đây có thể là do các vụ không kích của NATO nhằm vào các căn cứ mà lực lượng ủng hộ nhà lãnh đạo Gaddafi kiểm soát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục