Theo báo cáo dự báo trung hạn mới nhất về lĩnh vực khí đốt của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc sẽ tăng gần gấp đôi trong năm năm tới nhưng nguồn cung trong nước sẽ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu khổng lồ này.
Báo cáo trên cho rằng nhu cầu về khí đốt ít gây ô nhiễm hơn năng lượng hóa thạch sẽ tăng mạnh ở Trung Quốc, do những quan ngại về tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động hiện nay buộc nước này phải thực hiện các biện pháp ứng phó. Vì thế, IEA dự báo về thời kỳ “hoàng kim” của khí đốt tự nhiên - đang diễn ra ở Bắc Mỹ, sẽ lan rộng sang Trung Quốc trong năm năm tới.
Công nghiệp, điện lực và giao thông vận tải sẽ là các ngành "góp sức" đẩy nhu cầu khí đốt của Trung Quốc tăng 90%, lên 315 tỷ m3 trong năm 2019. IEA cho biết Trung Quốc cũng sẽ thu được nhiều lợi ích nếu hoạt động sản xuất khí đốt tăng trưởng mạnh.
Trong khi Trung Quốc hiện vẫn phải nhập khẩu lượng khí đốt khổng lồ, quốc gia này cũng có sản lượng khí đốt tự nhiên rất lớn, ước tăng 65% từ 117 tỷ m3 năm ngoái lên 193 tỷ m3 năm 2019.
Tuy vậy, IEA cũng tỏ ra thận trọng về triển vọng của lĩnh vực sản xuất khí đốt tự nhiên do những nỗ lực chuyển sang năng lượng tái tạo, hay việc giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tương đối cao và sự cạnh tranh của các loại nhiên liệu khác như than đá.
IEA dự báo việc nguồn cung LNG ước tăng 450% lên 450 tỷ m3 trong năm 2019 sẽ đáp ứng phần lớn nhu cầu khí đốt của châu Á trong thời gian tới.
Cơ quan này cũng ước tính Australia và Bắc Mỹ sẽ cung cấp 50% lượng LNG xuất khẩu mới, chiếm 8% khối lượng LNG giao dịch trên thế giới vào năm 2019./.