Nhức nhối vấn nạn suy giảm đạo đức học sinh

Loay hoay tìm lời giải bài toán giáo dục đạo đức học sinh

Trong khi vấn đề suy giảm đạo đức học sinh vẫn đang ngày càng nhức nhối thì các nhà quản lý, nhà giáo dục và các chuyên gia vẫn mải loay hoay với những giải pháp chung chung.

Những thông tin về việc đạo đức học sinh có biểu hiện suy giảm như đánh bạn, quay clip phát tán lên mạng, đánh giáo viên, trốn học, nghiện game, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật... đang là vấn đề gây nhức nhối trong dư luận xã hội.

Đâu là nguyên nhân và những giải pháp nào cho thực trạng này là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 11/4/2014, tại Hà Nội.

Khi giáo dục công dân là môn... "hạng 2"

Trong khi vấn đề đạo đức, lối sống của học sinh sinh viên với những biểu hiện xấu ngày càng khiến dư luận xã hội lo lắng thì trong các trường học, giáo dục công dân vẫn là môn “hạng 2”.

Khảo sát của Văn phòng Chủ tịch nước tại 43 trường ở 22 tỉnh, thành năm 2013 cho thấy, dù được xếp là môn học chính nhưng môn đạo đức, giáo dục công dân thực tế không được coi trọng đúng mức, chỉ được coi là môn phụ.

Sự phân hạng này thể hiện rõ trong suy nghĩ, cách bố trí giảng dạy của cả nhà trường, giáo viên và học sinh.

Kết quả khảo sát cho thấy có 39% giáo viên coi giáo viên coi đây là môn phụ. Phần lớn các trường trung học cơ sở, giáo viên dạy môn này chưa được đào tạo đúng chuyên môn. Cá biệt có trường ở Hà Tĩnh không có giáo viên đúng chuyên môn nên bố trí cả giáo viên toán, lý, hóa, ngoại ngữ... dạy giáo dục công dân, coi đây như một nghĩa vụ "quay vòng" đối với tất cả giáo viên trong trường.

Thời lượng dạy đạo đức, giáo dục công dân chỉ là một tiết mỗi tuần (ở cả 3 cấp học), chiếm khoảng 4% thời lượng toàn chương trình (tỷ lệ thấp nhất trong tất cả các môn học). Thời lượng này là quá ít, không đủ truyền tải kiến thức trong sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, theo quy định, việc đánh giá kết quả môn học này cần có sự kết hợp giữa cho điểm và theo dõi sự tiến bộ của học sinh. Tuy nhiên, cũng theo chuẩn quy định thì một giáo viên  thường phải dạy đủ 17 tiết/tuần, đồng nghĩa với việc dạy 17 lớp và theo dõi sự thay đổi về thái độ, hành vi của khoảng 700 học sinh.

Với vị thế "hạng 2", đời sống của giáo viên dạy giáo dục công dân còn nhiều khó khăn. Kết quả khảo sát cho thấy, có 73% giáo viên cho rằng mức lương hiện tại không đủ sống, 100% giáo viên không có thu nhập thêm.

Giáo viên thiếu, thời lượng ít, chương trình lại quá lạc hậu. Từ năm 2002 đến nay, nội dung chương trình không có gì thay đổi, không cập nhật thực tiễn, nặng lý thuyết.

Loay hoay tìm lời giải bài toán giáo dục đạo đức học sinh ảnh 1Học sinh bị thầy phạt đứng ngoài cửa lớp vẫn cố trêu đùa với bạn bên trong. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
 

Người lớn chưa thực sự làm gương

Theo ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và đào tạo, dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương, việc đạo đức học sinh suy giảm nếu đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường là chưa công bằng.

“Đứa trẻ trước hết lớn lên trong gia đình, sau đó đi học ở nhà trường và có tiếp xúc với xã hội. Vì thế, để đạo đức học sinh tốt thì ông bà cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn phải làm gương,” ông Hưng nói.

Cũng theo ông Hưng, chính số liệu điều tra của Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã cho thấy đạo đức giới trẻ không "quá tệ," nhưng họ thiếu mục tiêu để phấn đấu, thiếu niềm tin để kiên định với sự đúng đắn.

Cụ thể, kết quả điều tra cho thấy có đến 91,38% học sinh sinh viên cho rằng họ thấy hối hận, khổ tâm khi buộc phải nói dối hoặc làm việc không trung thực. Chỉ có khoảng 3% học sinh đồng tình với gian lận trong thi cử nhưng có đến 35,9% phân vân. Có trên 74% phản đối quan điểm gặp chuyện bất bình, tốt nhất là coi như không biết để tránh rắc rối cho bản thân, nhưng có đến trên 22% phân vân.

“Ở nhà bố mẹ dạy không gian lận thi cử nhưng đến trường, bạn quay bài vẫn được điểm cao thì đương nhiên trẻ sẽ phân vân. Ở trường cô giáo dạy bỏ rác vào thùng nhưng ra đường người lớn xả rác bừa bãi thì trẻ khó mà nhặt rác bỏ vào thùng... Trẻ con học từ gia đình, nhà trường, soi trong xã hội. Nếu người lớn làm gương tốt thì trẻ sẽ có niềm tin, xã hội sẽ tốt hơn lên,” ông Hưng phân tích.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho rằng, để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đạt hiệu quả thì việc thực hiện mô hình tam giác giáo dục gia đình-nhà trường-xã hội là rất quan trọng.

Tuy nhiên, trên thực tế, ở cả ba góc của tam giác này đều đang xung yếu. Ngành giáo dục chưa coi trọng đúng mức vai trò của giáo dục đạo đức mà quá tập trung vào truyền thụ kiến thức với những kỳ thi cử liên miên trong khi một số gia đình có tư tưởng “khoán trắng” việc dạy dỗ con cái cho nhà trường, còn xã hội lại có nhiều tác động tiêu cực.

Kết quả điều tra của Vụ Công tác học sinh, sinh viên cũng cho thấy, 50% học sinh, sinh viên được hỏi cho rằng sự kết hợp giáo dục giữa nhà trường và cộng đồng còn lỏng lẻo, không kịp thời; 30,27% cho rằng cha mẹ chưa quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho con em.

Bên cạnh các vấn đề trên, các đại biểu tại hội thảo cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân cũng như các giải pháp khác liên quan cho vấn đề nâng cao đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên như tăng cường kết hợp giáo dục đạo đức giữa gia đình và nhà trường, tăng cường công tác tuyên truyền hay nâng cao hơn nữa hiệu quả của các hoạt động đoàn, đội...

Tuy nhiên, có thể thấy, những giải pháp mang tính tổng thể  này còn quá chung chungvà không hề mới, thiếu tính áp dụng thực tiễn.

Và trong khi các nhà quản lý, các nhà giáo dục, các chuyên gia cứ loay hoay với những giải pháp chung chung đó thì vấn đề suy giảm đạo đức học sinh vẫn đang ngày càng nhức nhối, nhất là khi học sinh sinh viên, đặc biệt là từ lứa tuổi trung học cơ sở, đã bắt đầu có những thay đổi về tâm sinh lý, muốn khẳng định mình nhưng lại chưa đủ chín chắn để nhận biết hành vi của mình là đúng hay sai, dễ bị tác động bởi tâm lý đám đông, dễ “thần tượng” những hiện tượng bề nổi, ít chiều sâu văn hóa.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục