Những bài học của châu Âu trong cuộc khủng hoảng tài chính

Nền kinh tế châu Âu dự kiến sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm 2018, các nước bị ảnh hưởng nặng nề đã ra khỏi đường hầm và một số nước, như Ireland và Tây Ban Nha, đã trở lại trạng thái khỏe mạnh.
Những bài học của châu Âu trong cuộc khủng hoảng tài chính ảnh 1Các đồng tiền giấy euro. (Nguồn: IRNA/TTXVN)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, hơn một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ vụ sụp đổ của Phố Wall năm 1929, giới chính trị gia và các nhà bình luận tỏ ra cực kỳ thận trọng trong việc đưa ra những dự báo về thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Đề cập đến những dự báo kinh tế giống như đùa với lửa. Không ai biết điều này rõ hơn cựu Thủ tướng, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Gordon Brown, người đã nhiều lần cam kết sẽ "không trở lại vòng tuần hoàn phát triển và suy thoái kinh tế."

Nhưng có những lý do để lo ngại. Việc từng bước chuẩn hóa chính sách tiền tệ của Mỹ có thể tạo ra những tác dụng phụ và phá vỡ sự ổn định tài chính toàn cầu. Đèn đỏ đã bật sáng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina.

Một sự điều chỉnh lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ có thể gây ra một cú sốc đáng kể cho phần còn lại của thế giới. Nợ công cao, nợ đáo hạn không thanh toán được và những hợp đồng giao hàng được cấp vốn từ vay nợ ngắn hạn có thể gây ảnh hưởng xấu đến các thị trường tài chính.

Ngoài ra, sự suy giảm các mối quan hệ kinh tế đa phương trong 18 tháng qua có thể khiến cho việc xử lý khủng hoảng trở nên khó khăn hơn so với năm 2008-2009.

[Ba lý do thế giới chưa sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng tài chính mới]

Trong hoàn cảnh hiện nay, ngay cả khi chúng ta không biết cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ xảy ra như thế nào, tâm chấn của nó ở đâu và quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng, chúng ta vẫn có thể dự đoán rằng nó sẽ tàn khốc hơn cuộc khủng hoảng trước.

Bài học của châu Âu và kinh nghiệm xử lý khủng hoảng tài chính toàn cầu?

Nền kinh tế châu Âu dự kiến sẽ tăng trưởng, trên thực tế là 2,5% trong năm 2018, giảm nhẹ so với mức 2,7% của năm 2017. Các nước bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng cuối cùng cũng đã ra khỏi đường hầm và một số nước, như Ireland và Tây Ban Nha, đã trở lại trạng thái khỏe mạnh. Trong bối cảnh nhìn chung là lạc quan này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang chuẩn bị dần việc chuẩn hóa chính sách tiền tệ.

Kinh tế từng là vấn đề chủ chốt của châu Âu trong một thời gian dài, nhưng giờ đây là chính trị. Tính toàn vẹn của Liên minh châu Âu (EU) và đồng tiền chung euro đang bị thách thức bởi nền chính trị dân túy, vốn tạo dựng sự đồng thuận dựa trên sự bất mãn của cử tri đối với tình trạng bất bình đẳng gia tăng và mức sống giảm sút.

Brexit, người tị nạn và những căng thẳng giữa Đức và Italy về sự chậm trễ ngân sách đang đe dọa toàn bộ dự án của EU. Thương hiệu chủ nghĩa dân túy của châu Âu là chống nhập cư và chống toàn cầu hóa tài chính, và không hài lòng với một cấu trúc siêu quốc gia như EU mà theo định nghĩa là mâu thuẫn với chủ nghĩa dân tộc kinh tế.

Italy là đất nước có thể gây ra một trận bão lớn. Một số thành viên trong nội các Italy đang "nuôi" ý tưởng cắt đứt quan hệ với liên minh tiền tệ châu Âu để giành lại quyền kiểm soát chính sách tiền tệ. Italy đã phải vật lộn trong nhiều năm với tăng trưởng sản lượng và tăng trưởng GDP thấp. Sau khi hồi phục đôi chút trong hai năm qua, tăng trưởng GDP của nước này đang chậm lại.

Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên là 35%, một trong những mức cao nhất trong EU. Lãi suất tăng, khiến Italy phải trả nhiều tiền hơn cho lãi suất nợ công, hiện đang ở mức 132% GDP. Và chính sách tài khóa mở rộng được hứa hẹn bởi 2 đảng dân túy hiện nay trong chính phủ đang làm giảm sút lòng tin của các nhà đầu tư.

Nhưng Italy không phải là trường hợp duy nhất. Chủ nghĩa hoài nghi châu Âu đang gia tăng, đặc biệt là ở các nước Đông và Trung Âu gia nhập EU năm 2004. Tại Anh, thái độ hoài nghi được thúc đẩy bởi ý tưởng rằng một chính sách thương mại độc lập sẽ phục vụ tốt hơn cho lợi ích của Vương quốc Anh. Sau khi đã thông báo cho EU hồi tháng 3/2017, Vương quốc Liên hiệp Anh sẽ rời khỏi Liên minh thuế quan và thị trường chung châu Âu vào tháng 3/2019.

Không rõ mối quan hệ mới giữa EU và Anh sẽ như thế nào. Các rạn nứt chính trị bên trong Chính phủ Anh và đảng Bảo thủ cầm quyền đã dẫn đến sự bế tắc. Trong khi đó, một số công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng và tài chính, đã thông báo rằng họ sẽ chuyển tới lục địa châu Âu để bảo vệ quyền tiếp cận thị trường EU.

Triển vọng về một Brexit "cứng" đã gây thiệt hại cho đồng bảng Anh. Đồng bảng đã mất giá gần 12% so với đồng USD trong khoảng thời gian từ giữa tháng Tư đến giữa tháng 8 năm nay. Kinh tế Anh dự kiến sẽ tăng trưởng, trên thực tế khoảng 1,6% trong năm nay. Nhưng việc tăng lãi suất do sức ép lạm phát và đồng bảng yếu có thể tạo ra những hạn chế hơn nữa đối với tăng trưởng kinh tế của nước này.

Vương quốc Anh là nền kinh tế thâm hụt, với tỷ lệ thâm hụt tài khoản vãng lai tương đương 5,2% GDP và mức nợ cá nhân cao. Một loạt công ty phá sản - gần đây nhất là công ty hạ tầng Carillion - có thể gây ra một số bất ổn tài chính.

Nếu có một bài học từ kinh nghiệm của châu Âu về khủng hoảng tài chính, đó là xem xét những ảnh hưởng lâu dài của cách giải quyết khủng hoảng. Trong năm 2011 và 2012, đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu bùng phát sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hiệu quả trong cách xử lý khủng hoảng được ưu tiên hơn là tính hợp pháp.

Các biện pháp hà khắc đã được áp đặt với Hy Lạp trong khi "thắt lưng buộc bụng" tài chính trở thành tiêu chuẩn trên toàn khu vực. Người dân, đặc biệt là ở khu vực Nam Âu, nơi có nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề do cuộc khủng hoảng, bị ảnh hưởng nhất và phẫn nộ với những biện pháp do các định chế tài chính mà họ không bầu ra như ECB, Ủy ban châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) áp đặt đối với họ. Nền chính trị bất thường hiện nay là một câu trả lời có ý nghĩa cho những sai lầm đó.

Năm 2008-2009, hợp tác quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong giải quyết khủng hoảng. Ngay cả khi G20 không đưa ra cải cách tổng thể đối với hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế, hệ thống quản trị bao gồm các thị trường mới nổi, đã tìm được cách để các quốc gia thành viên làm việc cùng nhau.

Ngày nay sẽ khó có được sự hợp tác này hơn. Trong khi nền chính trị năm 2008 khá trung lập, thì hiện nay lại cực kỳ chia rẽ. Mỹ đang rút lui và ngày càng không muốn giữ vai trò lãnh đạo. Trung Quốc chưa sẵn sàng để tiếp quản và cung cấp mạng lưới an toàn tài chính cần thiết trong trường hợp khủng hoảng. Châu Âu, đặc biệt là các nước hàng đầu như Đức, Pháp và Anh, chủ yếu tập trung vào đời sống chính trị trong nước.

Năm 2008, giải quyết khủng hoảng cũng có thể nhờ vào nỗ lực phối hợp của các ngân hàng trung ương chủ chốt. Ngày nay, sức mạnh của các định chế không được bầu đang bị đặt dấu hỏi và bị đưa ra xem xét.

Những bài học chính từ cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài ở châu Âu có thể không còn tồn tại nữa giữa bối cảnh chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Các chuyên gia thường là kho cất giữ các bài học như vậy, nhưng họ ít được tôn trọng trong đời sống chính trị hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục