Những bản hùng ca vẫn nối dài nơi Trường Sa sóng gió

Có tới Trường Sa, chúng tôi mới biết, những nơi tưởng như thiếu hơi ấm con người nhất lại đong đầy tình cảm hơn bất cứ nơi đâu.

Có đến Trường Sa những ngày cuối năm, người ta mới thấy hết sự thiếu thốn mà những con người đang ngày ngày canh giữ biển trời Tổ quốc phải gánh lấy. Thế nhưng, có một điểm chung rất lạ ở những con người ấy. Họ hình như ít nghĩ cho bản thân và bất cứ ai cũng sẵn sàng hy sinh mình để giúp đỡ người khác.

Những câu chuyện về họ bởi lẽ đó dù giản dị đến đâu cũng đều xứng đáng là bản anh hùng ca của cuộc sống.

Con người chúng tôi muốn nói tới là Thượng úy Cấn Ngọc Sơn. Chàng thanh niên quê Phúc Thọ (Hà Nội) chính là một trong những người đã vật lộn với sóng dữ suốt 4 tiếng đồng hồ để cứu 10 ngư dân gặp nạn trên biển cách đây ít lâu.

Đó là những ngày mưa gió tháng 10 năm 2013. Những con sóng dữ chẳng hiểu từ đâu dồn dập đổ ụp xuống mặt biển đen thẫm khiến tầm nhìn từ phía đảo Đá Đông B trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Thượng uý Sơn bảo, đoàn thuyền của những ngư dân gặp nạn khi ấy cách đảo Đá Tây vài cây số. Con thuyền nhỏ bị gió quật tới mức kiệt sức, chỉ biết nằm im chịu trận.

Số phận của cả con thuyền đã trở nên mong manh khi anh Sơn và mấy chiến sỹ "lặn ngụp" tới nơi. Phía thân thuyền đã bị những cơn sóng hung hăng ngoạm một mảng lớn. Dòng nước trắng xóa cứ thế thế lạnh lùng nuốt dần những con người bị nạn.

Anh Sơn vẫn nhớ cảm giác tê dại cả người khi thấy những ngư dân bị sóng dữ dần nhấn chìm nhưng vẫn cố cứu những món đồ cuối cùng. Anh bảo, mấy anh em chiến sỹ không đành lòng ném bỏ những tài sản cuối cùng của ngư dân nên một mặt vừa đưa người xuống thuyền vừa cố gắng vớt vát những gì có thể cho những người gặp nạn.

Con thuyền cứu hộ của anh Sơn và anh em chiến sỹ ngày một lắc mạnh. Những ngọn sóng lừng lững hăm hở đánh văng đi hy vọng cuối cùng của những ngư dân xấu số. Anh em chiến sỹ đảo Đá Đông gần như ngạt thở vì nước biển mặn chát xộc thẳng vào mũi. Anh Sơn vẫn nhớ, mọi người khi ấy phải nắm chặt tay nhau để tránh bị sóng biển ném tung khỏi thuyền. Mấy anh em chỉ dám bò từng chút một với lấy tay những ngư dân đang dần lả đi vì mệt, vì lạnh.

Suốt 4 tiếng đồng hồ như thế, đoàn thuyền cứu hộ cũng giải cứu được đủ 10 ngư dân về đảo an toàn. Những người này sau đó được những chiến sỹ trên đảo liên lạc để đưa trở lại đất liền.

Câu chuyện về người chiến sỹ dũng cảm được nhiều người nhắc đi nhắc lại nhưng nhân vật chính Cấn Ngọc Sơn thì chỉ cười xoà nhưng chưa hề có những giây phút quên mình ấy.

Anh Sơn bảo, mọi việc đến rất bình thường. Trong thời khắc mong manh ấy, người thanh niên như anh hầu như chẳng hề nghĩ ngợi gì khi xông ra giữa biển khơi giành giật với sóng biển những con người anh chưa từng quen biết.

Đi cùng chúng tôi trên chuyến tàu về đất liền khi trời đã ngả về những ngày cuối cùng của năm cũ, người chiến sỹ dũng cảm hôm nào dường như chẳng thể giữ được bình tĩnh.

Anh Sơn chẳng giấu rằng, chỉ một chốc nữa, anh sẽ được gặp lại mọi người trong nhà. Niềm háo hức này người xa nhà như anh đã ấp ủ suốt những ngày làm bạn với sóng gió Trường Sa.

Trong số rất nhiều cán bộ, chiến sỹ chúng tôi đã có dịp gặp gỡ những ngày ở Trường Sa, có không ít những câu chuyện hùng tráng như chiến sỹ Sơn. Đó là trường hợp của bác sĩ Lê Minh Phong và những anh em ở bệnh xá Trường Sa.

Những người thầy thuốc ấy đã tiếp thêm sức sống cho một ngư dân bị đắm thuyền khi được cứu về đảo trong tình trạng kiệt sức với vết thương lớn ở đùi. Người đàn ông nọ chẳng có người thân hay bạn bè nào. Thứ duy nhất mà ngư dân này mang theo trên đảo chỉ là chiếc quần cộc đã nham nhở, bạc phếch.

"Tài sản duy nhất là chiếc thuyền đã mất. Người đàn ông này chỉ biết khóc, đã thế lại bị vết thương ở chân hành hạ nên tình hình cứ dần xấu đi" anh Phong kể.

Bác sĩ Phong và anh em trong bệnh xá bỗng trở thành chỗ nương tựa duy nhất của người đàn ông gặp nạn. Mọi người thay nhau trực suốt đêm, nấu cháo và thậm chí gom quần áo lại để có thêm đồ cho người đàn ông nọ.

Tình cảm chân thành ấy đã kéo người ngư dân ấy trở lại với cuộc sống. Những tiếng nức nở cứ loãng dần rồi biến mất hẳn.

"Mọi người trong bệnh xá mừng tới rơi nước mắt khi thấy những chén cơm đầu tiên hết sạch. Tới khi ấy, anh em mới thở phào," người bác sĩ có khuôn mặt cháy nắng bảo.

Chừng ấy chưa phải đoạn kết cho những câu chuyện ấm tình người nơi sóng gió Trường Sa. Những tấm lòng đẹp có khi lại đến bởi những hành động giản dị hơn thế.

Đó là khi mấy anh em cán bộ trạm hải đăng ở Trường Sa chẳng có chút quà Tết nào vì thuyền vận tải đến muộn. Chiến sỹ trên đảo và người dân biết chuyện chẳng ai bảo ai đều lẳng lặng chia phần của mình cho những người hàng xóm trên đảo.

Người cán bộ đã 20 năm gắn bó với bó với hải đăng Trường Sa như anh Nguyễn Văn Tấn cũng không thể kìm được xúc động những khi như thế.

"Mọi nguời mổ lợn, gói bánh chưng đều nhớ dành phần cho mấy cán bộ "nhà đèn". Biết anh em ở hải đăng chẳng có quà Tết, anh em chiến sỹ còn mang sang tận nơi ít mứt, kẹo," anh Tấn kể.

Những câu chuyện đậm tình người ấy đến tận bây giờ vẫn quanh quẩn trong lòng những vị khách đường xa như chúng tôi. Hóa ra, những nơi tưởng như thiếu hơi ấm con người nhất lại đong đầy tình cảm hơn bất cứ nơi đâu. Ở mảnh đất máu thịt Trường Sa ấy, những con người từ mọi miền quê vẫn đang xích lại gần nhau, để sẻ chia những nhiệm vụ, tình cảm thiêng liêng nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục