Mười năm qua, việc triển khai Luật công nghệ thông tin đã thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh lĩnh vực này đã có nhiều thay đổi lớn thì việc kịp thời đánh giá, tổng kết thi hành Luật để hoàn thiện khung pháp lý phù hợp là cần thiết.
Thông tin trên được đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thi hành Luật công nghệ thông tin diễn ra ngày 23/11 tại Hà Nội.
[Sửa luật công nghệ để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0]
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, các tồn tại, bất cập chính trong việc triển khai thi hành Luật công nghệ thông tin trong thời gian qua chính là cơ chế chính sách còn chưa rõ ràng, cụ thể. Chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa hệ thống pháp lý về công nghệ thông tin với các quy định pháp luật của các ngành khác, dẫn đến nhiều chính sách phát triển, ứng dụng công nghệ không khả thi, thiếu hiệu quả.
Bên cạnh đó, quy định pháp lý về công nghệ chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các xu thế, hình thái phát triển mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chúng ta cũng chưa có chính sách phù hợp để đón nhận, tạo điều kiện phát triển các mô hình kinh doanh mới có tính cạnh tranh cao trên nền tảng công nghệ thông tin.
Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác ứng dụng và phát triển công nghệ chưa thực sự rõ nét; thiếu nhân lực có trình độ kỹ thuật cao cũng như kỹ năng quản lý tốt về công nghệ ở cả cấp trung ương; nhận thức về an toàn thông tin tại các đơn vị chưa cao, bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin còn thiếu.
Cùng lúc, các bộ, ngành, địa phương chưa coi trọng việc cấp kinh phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ; mối liên kết giữa các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin chưa hiệu quả...
Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, để đáp ứng sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần xác định rõ tồn tại trong thực thi Luật công nghệ thông tin để có những đề xuất cụ thể với Chính phủ, Quốc hội trong điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, tạo dựng môi trường pháp lý phù hợp với yêu cầu tình hình mới.
Kết quả của Hội nghị sẽ giúp nhà chức trách hoàn thiện Đề án hiện đại hóa khung pháp lý về công nghệ thông tin-truyền thông với những nội dung chính như sửa đổi, bổ sung Luật công nghệ thông tin 2006 (tập trung vào lĩnh vực ứng dụng, công nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin); rà soát điểm chưa thống nhất giữa Luật này và các văn bản dưới luật để đảm bảo tính đồng bộ; nghiên cứu các khía cạnh xu hướng công nghệ, mô hình phát triển, đánh giá khả năng đáp ứng các văn bản luật có liên quan đối với thách thức của các xu hướng này…/.