Những bất cập trong cải cách thủ tục hành chính ngành tài chính

Các bất cập về chính sách trong các lĩnh vực thuế, hải quan đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển chung của nền kinh tế.
Những bất cập trong cải cách thủ tục hành chính ngành tài chính ảnh 1Cán bộ thuế hướng dẫn kê khai nộp thuế. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp ngành tài chính tăng nguồn thu ngân sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện nghĩa vụ.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn khá nhiều bất cập về chính sách trong các lĩnh vực này nên đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển chung của nền kinh tế.

Thời gian kê khai thuế quá lớn

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có 24% doanh nghiệp cho rằng cán bộ thuế còn yêu cầu các văn bản không cần thiết và đánh giá thủ tục thuế xếp thứ hai về chậm cải cách thủ tục hành chính.

Còn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy thời gian doanh nghiệp và người dân thực hiện kê khai thuế ở Việt Nam còn quá lớn. Một doanh nghiệp mỗi năm cần đến 872 giờ, gấp 4-5 lần các nước trong khu vực cho thủ tục này.

Tuy nhiên theo Tổng cục Thuế, báo cáo chưa phản ánh kịp thời về thời gian nộp thuế cũng như tiến trình cải cách thuế ở Việt Nam.

Phó vụ trưởng, Phó ban cải cách và hiện đại hóa Tổng cục Thuế, bà Hoàng Thị Lan Anh cho biết báo cáo của WB cho thấy, chỉ số nộp thuế là tất cả các khoản đóng góp bắt buộc theo quy định của pháp luật mà chủ doanh nghiệp phải nộp, bao gồm cả thuế và các khoản đóng góp bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, tổng số thời gian thực hiện của doanh nghiệp mới mất là 872 giờ.

Còn theo tính toán của ngành thuế, riêng thời gian liên quan đến bảo hiểm xã hội chiếm tới 335 giờ. Thời gian làm thủ tục thuế đơn thuần là 537 giờ.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cũng chỉ ra rằng hệ thống chính sách và quy trình quản lý thuế vẫn gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp, đó là việc ban hành chính sách còn thiếu sự thống nhất, rõ ràng dẫn đến có cách hiểu khác nhau giữa cơ quan thuế và người nộp thuế. Một số văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật thuế ban hành chậm, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Tại buổi làm việc với Tổng cục Thuế mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đặt câu hỏi: Liệu Bộ Tài chính và ngành thuế từ nay tới cuối năm có thể giảm được 200 giờ nộp thuế ? Đến năm 2015 số giờ nộp thuế có đạt 171 giờ, bằng mức bình quân trong khu vực ASEAN hay không?

Bà Hoàng Thị Lan Anh cho rằng với những chương trình cải cách về chính sách và quản lý mà ngành thuế đã triển khai nếu không có sự vào cuộc, sự phối hợp của ngành bảo hiểm thì mục tiêu hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm các nước ASEAN như Chính phủ đề ra là một thách thức lớn.

Chính vì vậy, bên cạnh những cải cách của ngành, Tổng cục Thuế đã đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ có văn bản chỉ đạo Bộ Lao động thương binh và Xã hội và cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thiện thể chế chính sách và đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm thời gian nộp bảo hiểm xã hội đạt mức trung bình của các nước ASEAN (49,5 giờ), góp phần nâng cao xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế của Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Tại Thông báo 288/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành thuế tập trung cải cách thủ tục hành chính thuế với các chỉ tiêu cụ thể để đến cuối năm 2014 giảm thời gian thực hiện thủ tục khai thuế, nộp thuế xuống còn không quá 300 giờ/năm và đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm các nước ASEAN-6 (171 giờ/năm); giảm số lần nộp thuế xuống tối thiểu bằng với mức trung bình của các nước trong khu vực.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết với Chính phủ quyết tâm cải cách thủ tục hành chính thuế.

Từ nay đến cuối năm 2014, sẽ rà soát và tiến tới giảm khoảng 200 giờ trong giải quyết thủ tục hành chính về thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, ngay sau buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 1553/QĐ-BTC đặt mục tiêu, trong giai đoạn 2014-2015 sẽ thực hiện đơn giản hóa, cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục hành chính thuế, đồng thời rút ngắn thời gian các doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế, tiến tới đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6.

Thủ tục Hải quan vẫn "vướng"

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc, thời gian qua, thủ tục hải quan từng bước được hoàn thiện theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và đáp ứng với yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay đã có 34/34 Cục Hải quan và 170/170 chi cục Hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

Điều này được ngành Hải quan kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như có thể khai báo mọi lúc, mọi nơi (với điều kiện kết nối được Internet), hạn chế giấy tờ, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giúp doanh nghiệp vừa tiết kiệm được chi phí hành chính vừa tiết kiệm thời gian nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và tham gia cơ chế một cửa ASEAN.

Tuy nhiên, hải quan điện tử hiện nay chỉ dừng lại ở mức khai báo hải quan thông qua công nghệ thông tin vì tất cả các khâu của thủ tục vẫn còn tác động của nhân viên hải quan, chưa giảm thiểu được hoàn toàn tương tác giữa nhân viên hải quan với các doanh nghiệp, thời gian phân luồng có thể chỉ mất 2 phút đối với luồng xanh nhưng tổng thời gian khai báo cho một lô hàng xanh tính từ lúc khai báo điện tử đến lúc được thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu hầu như không thay đổi đáng kể...

Ngoài ra sự đồng bộ của các bộ, ngành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thông quan cũng còn nhiều bất cập. Hệ thống hạ tầng viễn thông, đầu tư cơ sở vật chất ở nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu đã làm hạn chế việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính về Hải quan.

Đánh giá việc thực hiện các thủ tục hải quan của doanh nghiệp, ông Phan Vinh Quang, chuyên gia dự án Quản trị nhằm tăng cường toàn diện của Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID GIG) cho biết Việt Nam đang xếp thứ 65 trong 180 nước, tuy nhiên để hoàn thành thủ tục xuất khẩu cũng cần tới năm loại giấy tờ và thời gian để hoàn thành cũng mất tới 21 ngày.

Về nhập khẩu, cũng có tới 8 loại giấy tờ; thời gian hoàn thành 21 ngày và chi phí là 600 USD/container. Trong khi, để làm thủ tục ở Malaysia chỉ mất có 11 ngày và chi phí là 450 USD/container.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, kết quả khảo sát của VCCI cho thấy 36% doanh nghiệp cho biết phải đi lại nhiều lần, 16% doanh nghiệp nói phải cung cấp giấy tờ không cần thiết, chồng chéo, 9% doanh nghiệp nói cán bộ hải quan không nhất quán khi thực hiện các văn bản.

Trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 289/TB-VPCP về quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan đã chỉ rõ ngành hải quan cần phấn đấu đến cuối năm 2014 giảm 50% thời gian thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu so với hiện nay và giảm số lượng giấy tờ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; công khai các chỉ số thông quan. Năm 2015, sẽ giảm thời gian làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ngang bằng với mức bình quân của các nước ASEAN-6.

Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc cho biết ngành Hải quan đang chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hải quan theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan, đồng thời, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và đẩy mạnh công tác hiện đại hóa hải quan...

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính như đề nghị Thủ tướng cho xây dựng đề án tổ chức mô hình làm việc tập trung tại khu vực cửa khẩu dành cho các bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh việc thông quan hàng hóa, cho phép tăng cường đầu tư trang bị các hệ thống máy soi container, camera giám sát để phục vụ hiệu quả công tác kiểm soát, giám sát hải quan và thúc đẩy nhanh việc kiểm tra hàng hóa, thông quan cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với ngành Hải quan trong việc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để giảm thời gian thông quan hàng hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục