Những bất ngờ với hai bản dựng "Điều không thể mất"

Cùng một tác phẩm "Điều không thể mất" nhưng hai bản dựng: một từ trung ương, một từ địa phương đã tạo ra những bất ngờ cho người xem.
Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ có 2 bản dựng “Điều không thể mất.” Một của Nhà hát kịch Quân đội, một của Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế. Một kịch nói, một ca kịch Huế.

[Lưu Quang Vũ: Những tác phẩm sân khấu sống mãi]


Khoảng cách giữa hai vở khá xa nhau, nhưng sự so sánh không thể không xuất hiện. Một đơn vị đóng tại trung ương, mời đạo diễn trung ương từng tung hoành dựng vở cho nhiều đơn vị nghệ thuật. Một đơn vị đóng tại địa phương, đạo diễn là “người nhà.”

Liệu có điều gì bất ngờ không?

Có đấy, nhiều bất ngờ là khác!

Với nửa đầu vở mang bối cảnh Trường Sơn, bản ca kịch Huế đã “ăn đứt” bản kịch nói. Không rườm rà và đùa cợt, bản ca kịch Huế đã tập trung vào mô tả sự khốc liệt của bom đạn, tinh thần lạc quan và những hy sinh của người lính.

Trong khi đó, bản kịch nói là chủ yếu tập trung vào những trò đùa tếu táo, hoặc sa đà vào một cảnh trao tình dài và thiên về tả thực, nhưng lại phô và không hiệu quả. Nên nhớ, cảnh trao tình ấy, chỉ thoáng qua nhưng lại rất hợp lý trong bản ca kịch Huế. Đoạn các cô gái cùng tiểu đội đều hy sinh, Nhâm trở về và vô cùng đau đớn; mỗi bản cũng xử lý khác nhau. Nhâm của kịch nói gào thét, gào thét và kể lể không thôi; còn Nhâm của ca kịch Huế thì lặng đi, chùng xuống. Hai cách diễn tả nỗi đau, rõ ràng đã đồng thời thể hiện vấn đề của đạo diễn. Nên nhớ, biểu hiện cao nhất của nỗi đau là im lặng...

[Kịch bản sân khấu: Khoảng trống sau Lưu Quang Vũ]

Nửa sau của vở, bản kịch nói tỏ ra ổn hơn. Éo le, kịch tính được khai thác tốt hơn. Và điều quan trọng là: rành mạch hơn.Trong khi đó, bản ca kịch Huế là hơi rối. Vai Minh của thời hiện tại trở nên nhỏ bé. Vai Thế Anh không nổi được lên. Và vai Lệ thì bị tầm thường hóa. Đây là vấn đề cần bàn. “Điều không thể mất” là loại kịch bản mà hoàn toàn không có kẻ xấu. Nhân vật đều là tốt, chỉ có sự hiểu nhầm và trớ trêu của cuộc đời tạo ra kịch tính. (Những ai yêu sân khấu dân gian sẽ có thể nhớ đến một vở hình mẫu như thế: “Lưu Bình Dương Lễ”). Vì vậy, hình ảnh Lệ - người vợ thời bình của Minh - cư xử rất cao thượng trong bản kịch nói là hợp lý hơn.

Tuy vậy, cái kết của bản kịch nói lại không có được sức nặng của bản ca kịch Huế. Đạo diễn Ngọc Bình đã rất có ý thức nâng niu từng chi tiết trong vở. Từ mảnh vải dù cho đến những câu thoại đều được tận dụng. Phải nói rằng, trong các vở dự Liên hoan lần này, “Điều không thể mất” bản ca kịch Huế là có được sự nhất quán trong tận dụng chi tiết nhất.

Các bước chuyển cảnh của bản ca kịch Huế nhẹ nhàng bao nhiêu thì của bản kịch nói giật cục nhường ấy. Đạo diễn Lê Hùng tập trung “đăp” cho cảnh trên tàu, nhưng chính anh, như một người lái tàu, lại làm cho chuyến tàu – vở diễn liên tục bị hẫng, bị khựng.. và chậm chuyến. Có cảm giác các chuyển cảnh của bản kịch nói đều là tùy hứng, chuyển cảnh vì... đã hết cái để kể trong cảnh này. Đã thế, việc lạm dụng tiếng nói nội tâm tạo ra một cảm giác rất lạc hậu, hệt như kịch truyền thanh của thời đã xa nào đó. Toàn vở cho thấy sự mất cân đối tổng thể và bất ổn. Điều này không lạ. Trước giờ, các vở do Lê Hùng đạo diễn thường giấu được sự bất ổn tổng thể nhờ các mảng miếng, chiêu trò (vốn được tiếng là hay ho); nhưng lần này, vở lại thiếu những thứ như thế. Không rõ đạo diễn không đầu tư hay sức sáng tạo đã giảm.

Các diễn viên trong bản ca kịch Huế đều khá, nhất là cả 5 cô gái trong tiểu đội, và họ đã lấy được cảm xúc của khán giả nhất là trong nửa đầu vở. Còn các diễn viên trong bản kịch nói thì khác. Tôi thương họ. Họ diễn quăng quật, vật vã khóc, vật vã thể hiện... nhưng không tới. Vất vả nhất, phải kể tới những cố gắng của Ngọc Thư. Nhưng, nói thẳng ra, đạo diễn lạm dụng và lãng phí cống hiến nghệ thuật của diễn viên mà không đạt được mục tiêu. Nhìn họ diễn, tôi lại nhớ đến câu “nước sông, công lính”. Đọng lại chăng, là vai anh chàng “Thế Anh tỉnh lẻ chuyên đóng vai phụ” của Huệ Đàn. Chỉ thế thôi...

Như vậy đấy, trong khi tôi không yên lòng chấm điểm 8 cho bản kịch nói vì hơi non, thì lại muốn đẩy bản ca kịch Huế lên điểm 8.5 dù chưa chắc lắm. Nhưng thôi, có lẽ điểm số như thế là được. Vở diễn kết thúc Liên hoan có số điểm và ấn tượng vào loại nhất nhì, đó là một cái kết có hậu, một điều đáng mừng. Không mừng sao được, khi chúng ta vẫn còn nhận ra giá trị và nâng niu những “Điều không thể mất”.../.

Lưu Sơn Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục