Những báu vật của nghệ nhân dân gian xứ Huế Lê Văn Kinh

Nghệ nhân Lê Văn Kinh năm nay gần 90 tuổi, là người duy nhất của nghề thêu ở Huế được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian.
Những báu vật của nghệ nhân dân gian xứ Huế Lê Văn Kinh ảnh 1Nghệ sỹ Lê Văn Kinh với các bức tranh thêu của mình. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Nghệ nhân Lê Văn Kinh năm nay gần 90 tuổi, là người duy nhất của nghề thêu ở Huế được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian.

Ông cũng là người được xem như "báu vật nhân văn sống" của Huế hiện nay. Nối tiếp qua nhiều thế hệ, nghệ nhân Lê Văn Kinh đã kế thừa và phát huy truyền thống gia đình, trở thành bậc thầy của nghề thêu xứ Huế.

Dù tuổi cao, nhưng trông ông còn linh hoạt, nhất là khi nhìn ông giới thiệu về nghề thêu của mình một cách say sưa.

Sinh ra trong một gia đình có ông nội và cụ thân sinh làm nghề thêu, từ bé, đường kim, mũi chỉ đã thấm đẫm vào trong ông, để trót mang lấy nghiệp cho đến bây giờ.

Cụ thân sinh ông là Lê Văn Hỡi từng thêu áo Hoàng bào cho vua Khải Định mặc trong lễ "Tứ tuần đại khánh" (lễ lúc vua 40 tuổi), và thêu "Thất sư khí cầu"(tức 7 con sư tử đùa với quả cầu) dâng vua, thêu khăn phủ trên đôn để lư đồng trước ngai vua.

Riêng bức "Thất sư khí cầu" hiện ông còn lưu lại được một bức, như vật gia bảo của gia đình.

Cụ Hỡi, thân sinh ông được vua ban cho hàm và tước vị "Hàn lâm viện," có thể được ra vào cung vua khi cần thiết, hiện gia đình còn lưu giữ được thẻ bài bằng ngà...

Thừa hưởng truyền thống gia đình, năm lên 10 tuổi ông Lê Văn Kinh đã thêu được bức tranh "Tùng, hạc" với đường nét sắc sảo, lưu giữ cho đến bây giờ gần 70 năm.

Ông còn tỏ rõ khí phách của người dân nước Việt, ngay từ năm 1958 đã thêu bức tranh "Bất khuất" về Trần Bình Trọng, khổ 1,8​x1m, trong 9 tháng miệt mài kim chỉ để gửi đi triển lãm ở Mỹ.

Cũng thời đó, ông biết thêu tranh, liễn, khăn bán cho khách trong nước, nước ngoài, và mang đi triển lãm ở Sài Gòn để gây thanh thế.

Sau giải phóng miền Nam, từ năm 1975, ông đã đứng ra thành lập Hợp tác xã thêu Cẩm Tú, thu hút 150 lao động vào làm nghề thêu.

Những năm sau đó, do yêu cầu của địa phương, ông vào làm ở ngành ngoại thương, lại dạy nghề, mở các cơ sở thêu ở Phú Lộc, Hương Phú, Quảng Điền, Hương Điền, Triệu Hải.

Sản phẩm thêu từ đó đi các nước Đông Âu, Liên Xô, với các loại sản phẩm khăn trải giường, áo gối, và sau này là áo Kim​on​o xuất sang Nhật Bản.

Suốt thời gian ấy, ông đã dạy và truyền nghề cho hơn 100.000 người. Nhiều người trong số đó, bây giờ trở thành thợ lành nghề, tài hoa của thành phố Huế và nhiều địa phương khác trong vùng.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh hiện là chủ cửa hiệu thêu Đức Thành ở 82 - Phan Đăng Lưu, thành phố Huế.

Ông tâm niệm, sống ở đời cần một chữ "Đức" vì vậy mới có tên cửa hiệu như bây giờ.

Cửa hiệu của ông hiện có hàng ngàn mẫu bức tranh thêu, về hình ảnh quê hương, đất nước, cảnh sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ, Đại Nội, hay hình ảnh một con đò, bến nước, đêm trăng Vĩ Dạ, hoặc hình ảnh về bà mẹ, con người Việt Nam, để được sở hữu một bức tranh như vậy, người đi xa luôn vời vợi nhớ trông quê.

Ở cửa hiệu thêu Đức Thành, ta có thể bắt gặp qua bức tranh thêu "Bình thản," cảnh chú mục đồng miệng ngậm cọng rơm, ngồi tựa lưng con bò mộng nghỉ ngơi thanh thản giữa cánh đồng.

Hoặc ở đó một "Mùa trăng Vĩ Dạ" với cảnh bến nước sông trăng, khắc họa câu thơ của thi sỹ tài danh Hàn Mặc Tử: Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ có chở trăng về kịp tối nay.

Ông tâm sự, nhiều đêm, lắng đọng với những suy tư, chợt bắt gặp ý tưởng mới lạ, ông lại ngồi dậy chong đèn cho phác thảo mới.

Ông chỉ cho tôi xem bức tranh "Mẹ," chỉ một vài đường nét về hình dáng, nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ, ngồi vá áo cho con, với những đường chỉ vàng nổi bật trên nền đen sâu thẳm.

Tác phẩm theo đơn đặt hàng của người bạn, khi đến nhận, hai người bạn già đã ôm lấy nhau mà khóc, vì bức tranh đã nói hộ được tất cả, khắc họa đúng tính cách người mẹ, đã tảo tần nuôi con sớm hôm.

Sau này, phiên bản của bức tranh này đã có nhiều người đến đặt mua. Hoặc bức tranh thêu chữ của Mãn Giác Thiền Sư do Tản Đà dịch, khách thập phương từ Đức, Hà Lan, Pháp đặt mua với số lượng rất nhiều.

Câu chuyện giữa tôi với ông nhiều khi bị đứt quãng, vì khách vào mua tranh liên tục, nhiều nhất là khách đến từ Pháp, Đức, Mỹ.

Ngoài hiệu thêu Đức Thành, ông hiện còn có cửa hiệu mang tên Khánh Hà, mang tên người con gái của ông, ở đường Lê Lợi, Huế.

[Nghệ nhân thêu truyền thống Huế làm áo Kimono xuất sang Nhật]

Biết tôi phân vân tại sao không lấy tên ông đặt tiếp cho cửa hiệu, ông nói vui, xưa nay người ta thường nói "Trai thì đọc sách ngâm thơ/Gái thì kim chỉ thêu thùa vá may," nên ông lấy tên cô con gái làm tên cửa hiệu.

Vậy là đến nay, gia đình ông đã có đến 4 đời cha truyền con nối làm nghề thêu tranh, thời nào cũng rạng danh. Sổ vàng gia đình ông đầy ắp những dòng lưu bút, có người ví ông như báu vật nhân văn sống, người có bàn tay vàng, người vẽ bằng đường chỉ, mũi kim, nét Huế trong tranh thêu...

Trong sâu thẳm, ông còn có niềm tự hào đưa được thơ Bác Hồ trong tranh thêu xứ Huế.

Ông khoe, hai bức tranh thêu tác phẩm "Tẩu lộ" (Đi đường) - trong tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khổ 59​x94 cm được treo trang trọng trong cửa hiệu thêu Đức Thành ở 82, đường Phan Đăng Lưu, Huế.

Là người nổi tiếng trong các bức tranh thêu về phong cảnh và cung đình Huế, nhưng đối với nghệ nhân Lê Văn Kinh đây là những báu vật của cuộc đời mình, bởi đó còn là cả tấm lòng của người thợ thủ công Huế đối với Bác Hồ kính yêu.

Đi đường mới biết gian lao/Núi cao rồi lại núi cao trập trùng/Núi cao lên đến tận cùng/Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non. Ông cho biết các bức tranh thêu này dựa vào bản dịch của Nam Trân.

Một bức được thực hiện theo lối chữ viết quốc ngữ và phần phiên âm. Bức thứ hai được thực hiện bằng lối viết thư pháp chữ Hán. Cả hai bức thêu này được thể hiện trên nền gấm màu trắng ngà, dệt bằng bảy màu chỉ khác nhau hay còn gọi là gấm thất thể, tất cả đều được gửi mua từ Thượng Hải (Trung Quốc).

Hiện, nghệ nhân Lê Văn Kinh vẫn miệt mài với nghề thêu tranh dù tuổi ngày càng cao.

Ông kể, một lần nhân tiếp một vị khách người Đức tên Jeff Bo Bollinger, chính người này đưa ra lời đề nghị "ông hãy dành cho tôi một đặc ân mang tính văn hoá thuần Việt Nam trước khi tôi về nước."

Vậy là bức "Cáo tật thị chúng" với nội dung: Xuân đi, trăm hoa rụng/ Xuân đến, trăm hoa cười/ Trước mắt, việc đi mãi/ Trên đầu, già đến rồi/ Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai (theo bản dịch của Tản Đà) được ông đặc biệt chú ý.

Vậy mà từ đó đến nay, sau mười mấy năm, ông mới hoàn chỉnh bộ thêu bằng tay trên nền lụa tơ tằm với phiên bản dịch 14 thứ tiếng khác nhau gồm​ Việt Nam, Anh, Pháp, Đức, Nga, ​Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan và các quốc gia Phật giáo khác trên thế giới.

Những báu vật của nghệ nhân dân gian xứ Huế Lê Văn Kinh ảnh 2Nghệ sỹ Lê Văn Kinh với các bức tranh thêu của mình. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Nhiều bức thêu trong số này được du khách đến từ Đức, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch, Nhật Bản... đặt mua với số lượng lớn.

Năm 2011, ông được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietking) trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho bộ tranh thêu bài thơ "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác thiền sư, bằng nhiều thứ tiếng nhất (14 thứ tiếng), mỗi bức được ông thêu một nét chữ, màu chỉ khác nhau.

Để làm nên nghiệp lớn, đối với nghệ nhân Lê Văn Kinh không gì khác ngoài hai chữ "tâm" và "mẫn."

Tâm sáng, lòng trong mới nắm được cái hồn trong từng bức tranh thêu. Sự cần mẫn của đôi tay, sáng tạo sẽ tạo nên những bức tranh thêu hoàn mỹ nhất.

Cũng vì lẽ đó, tất cả những tác phẩm thêu của ông luôn có những nét riêng, độc đáo, khác lạ, và chứa đựng cả tấm lòng của ông gửi gắm vào đó. Chính vì lẽ đó mà từ năm 1958-1975, ông vừa làm thợ vừa quản lý hiệu thêu Đức Thành.

Sau năm 1975, ông tham gia vào ngành công thương nghiệp của tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) và được cử làm tổ trưởng tổ thêu xuất khẩu, sau đó làm Chủ nhiệm hợp tác xã thêu gia công xuất khẩu Phú Hòa, thành phố Huế, chính ông cũng là người góp công đào tạo hơn 10 vạn thợ cho nghề thêu lúc bấy giờ.

Nhiều người trong số đó, bây giờ trở thành thợ lành nghề, tài hoa của thành phố Huế và nhiều địa phương khác trong vùng.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh hiện còn là chủ sở hữu của những bảo vật gia truyền "Cành vàng lá ngọc" (Kim chi ngọc diệp), và bộ ấm trà vài trăm năm tuổi. Ông cho biết những cổ vật này vẫn còn nguyên vẹn đến gần 100% với đầy đủ các chi tiết của một cổ vật xưa trong cung cấm.

Tác phẩm "Kim chi ngọc diệp" có thân cây bằng vàng mạ đặc tả theo dáng cây mai, chiều cao hơn 40cm, gồm hơn 20 cành vàng; hơn 10 lá ngọc... được kết nối xuyên qua thân cây, hoặc treo lên cành bằng những sợi chỉ vàng.

Cùng với cành vàng lá ngọc, tác phẩm còn có hàng chục "hạt" mai bằng hồng ngọc, huyền ngọc, thanh ngọc, bích ngọc và những "trái cây" cách điệu tạo thành những khối ngọc hoàn chỉnh móc dọc theo thân cây.

Toàn bộ tác phẩm "cành vàng lá ngọc" này được đặt trong chiếc chậu lung cao hơn 50cm dưới dạng bon sai.

Theo các nhà chuyên môn, tác phẩm "cành vàng lá ngọc" này là tác phẩm thứ ba đang có ở Huế, sau hai cổ vật khác đang được trưng bày tại Đại nội Huế (do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý).

Cổ vật này có tuổi đời hơn 100 năm, do ông ngoại của ông là Tham tri bộ lễ Nguyễn Văn Giáo (hiệu Chí Thành, một vị quan triều Nguyễn) - tặng ông từ lúc ông còn nhỏ. Đây là món quà do chính vua Khải Định ban tặng cho vị quan này khi ông còn tại vị trên ngai vàng.

Riêng chiếc ấm trà chất liệu bằng đất nung, hình dạng trông giống như lá gan của gà, nên còn có tên gọi nôm na là ấm gan gà. Dưới đáy có khắc 4 chữ: Tuyên Đức tinh chế.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh cho biết, đây là một trong 12 chiếc ấm được sản xuất dưới triều vua Tuyên Đức, một vị vua đời Đường ở Trung Quốc, được đưa đến Việt Nam cách đây trên 500 năm.

Tồn tại với khoảng thời gian dài như vậy, và đã qua bao đời sử dụng, nhưng chiếc ấm không hề bị sứt mẻ, hoặc có vết xước nào.

Đây cũng chính là những báu vật được vua Khải Định ban tặng cho ông ngoại, mà ông là người cháu được tin tưởng và trao gửi lại.

Điều ước của nghệ nhân Lê Văn Kinh bây giờ là làm sao nhà nước có sự hỗ trợ cho việc truyền nghề, nhất là các cháu có hoàn cảnh khó khăn để ông được đóng góp phần công sức còn lại cho mai sau, gìn giữ, phát triển nghề tranh thêu truyền thống Huế; và nên chăng cần có hiệp hội ngành nghề, có tiếng nói chung, tạo cơ sở cạnh tranh để phát triển ngành thêu hơn nữa.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục