Những biện pháp giúp kinh tế Pháp tăng trưởng trong thời gian tới

Chuyên gia Eric Heyer cho rằng chủ trương giành lại lợi thế về công nghiệp và y tế, cũng như bứt lên dẫn đầu quá trình chuyển đổi môi trường và kỹ thuật số của nền kinh tế Pháp là những mục tiêu lớn.
Những biện pháp giúp kinh tế Pháp tăng trưởng trong thời gian tới ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại ga tàu hỏa ở Lille, miền Bắc nước Pháp. (Nguồn: THX/TTXVN)

Chia sẻ với thời báo Les Echos về hướng phát triển sắp tới của nước Pháp, chuyên gia kinh tế hàng đầu Eric Heyer, Giám đốc Vụ phân tích và dự báo thuộc Cơ quan giám sát kinh tế của Pháp (OFCE), cho rằng nước này cần có các biện pháp cụ thể hơn nữa để giúp đỡ giới trẻ vượt qua cuộc khủng hoảng y tế xã hội hiện nay và xây dựng một kế hoạch đầu tư lớn nhằm tạo ra tăng trưởng kinh tế.

Ông cũng kêu gọi sự phối hợp hành động giữa các nước trong Liên minh châu Âu (EU) và không nên cố gắng giảm thâm hụt quá nhanh.

Kinh tế Pháp đã tăng tốc trong quý 2/2021, với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 0,9%. Theo Giám đốc Eric Heyer, đây là sự kỳ diệu bởi trước đây, nhiều chuyên gia và ngay cả OFCE đã dự đoán do dịch bệnh tiếp tục hoành hành, GDP trong quý 2/2021 của Pháp sẽ có thể giảm 1%. Điều này cho thấy các biện pháp hạn chế đã không tạo ra những tác động quá tiêu cực.

Diễn biến của cuộc khủng hoảng dịch bệnh cho thấy đợt giãn cách xã hội đầu tiên vào tháng 3/2020 đã khiến hoạt động thương mại của Pháp trong nửa đầu năm 2020 giảm 19%, kể cả trong lĩnh vực tiêu dùng và đầu tư.

Đợt giãn cách thứ hai vẫn khiến cho tiêu dùng tiếp tục giảm, nhưng đầu tư không giảm, dẫn đến kinh tế suy thoái nhẹ với GDP giảm 1%. Còn đến lần giãn cách thứ ba, mọi thứ đã bắt đầu tiến triển tốt hơn. Các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng đã thích ứng dần và bắt đầu biết cách "sống chung" với các biện pháp hạn chế.

Kinh tế Pháp vẫn đứng trước nhiều thách thức

Giám đốc Eric Heyer cũng cho rằng nhìn vào những biểu hiện phục hồi của kinh tế Pháp, thì dự báo tăng trưởng kinh tế 6% của chính phủ vào năm 2021 là khả thi.

Việc sử dụng chứng nhận sức khỏe và nguy cơ gia tăng dịch bệnh do biến thể Delta sẽ không cản trở sự phục hồi của nền kinh tế nước này, ngay cả trong một số lĩnh vực như giải trí, hoặc các hoạt động liên quan đến du lịch như khách sạn và nhà hàng.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng sự lây lan của biến thể Delta sẽ vẫn ảnh hưởng phần nào đến nền kinh tế, khiến một số người tiêu dùng hạn chế ra ngoài vì họ thận trọng và muốn tránh các hoạt động tụ tập đông người, hoặc là họ không có chứng nhận sức khỏe.

Mặc dù vậy, nước Pháp vẫn đứng trước nhiều thách thức. Những chỉ số tích cực cho thấy kinh tế đã có biểu hiện phục hồi, nhưng Pháp hiện vẫn đang ở trong tình trạng suy giảm. Hoạt động sản xuất vẫn thấp hơn 3,3% so với giai đoạn quý 4/2019 và dấu hiệu tăng trưởng còn yếu.

[Kinh tế Pháp: Nhìn lại một năm phục hồi để định hướng phát triển]

Tương tự như vậy, tiêu thụ vẫn ở mức rất thấp, giảm 5,9% so với trước khủng hoảng. Cuối cùng, ngoại thương cũng đang trượt dốc, với nhập khẩu giảm 6% và xuất khẩu giảm 9% kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng. Sự suy giảm của cán cân thương mại này là một điểm yếu rất lớn đối với Pháp.

Một vấn đề khác hiện cũng đang gây lo ngại đó là thiếu nguồn cung. Đây có thể là một nguy cơ ngắn hạn. Nguồn cung bị hạn chế và sự gia tăng tạm thời của giá nguyên vật liệu sẽ ảnh hưởng phần nào đến các hoạt động kinh tế và tăng trưởng đặc biệt trong ngành xây dựng.

Hiện tại các biện pháp khẩn cấp của Chính phủ Pháp đã giúp duy trì sức mua của các hộ gia đình, nhưng mối đe dọa về sức khỏe và việc làm vẫn là vấn đề hiện hữu. Việc làm vẫn chưa trở lại mức bình thường như thời kỳ trước khủng hoảng. Khoảng 250.000 vị trí công việc đã bị mất trong quý 2/2021 và 2 triệu nhân viên đã phải làm việc bán thời gian. Hai yếu tố này giải thích tại sao tiêu dùng hộ gia đình vẫn thấp hơn gần 6% so với mức cuối năm 2019.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tăng, nhưng Pháp vẫn thiếu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin hoặc trong các ngành nghề kỹ thuật. Đây cũng là một thách thức. Từ năm 1980 đến năm 2015, đã từng có thời điểm khi các công ty gặp khó khăn về tuyển dụng lao động, họ đã tìm cách cải thiện sức hấp dẫn của mình bằng việc tăng lương và năng suất. Nhưng từ năm 2017, điều này đã không còn xảy ra.

Mặc dù vậy, Giám đốc Eric Heyer vẫn cho rằng những khó khăn này chỉ là thời vụ. Việc tuyển nhân công bán thời gian và lương không tăng không thể kiềm hãm được sự phục hồi kinh tế.

Về lạm phát, Giám đốc Eric Heyer cho rằng giá cả tăng trong những tháng tới là một thực tế. Việc một số nước dần tăng trưởng trở lại và sự phục hồi toàn cầu đang tạo ra căng thẳng về nguyên liệu thô, khiến giá cả tăng cao, nhưng chỉ là thời vụ.

Những mục tiêu lớn

Về những ưu tiên của Chính phủ Pháp, theo ông Eric Heyer, trong ngắn hạn, các biện pháp cụ thể cần được hướng tới việc làm và giới trẻ, những đối tượng chịu thiệt hại lớn từ cuộc khủng hoảng.

Hiện Pháp đang có khoảng 250.000 thanh niên là sinh viên vào năm 2020 và đang làm việc để trang trải chi phí học tập. Chỉ sau một đêm, họ bị mất việc làm, mất thu nhập và phải bỏ dở việc học.

Ngay cả đội ngũ những người bắt đầu tham gia vào thị trường lao động vào thời điểm khủng hoảng sức khỏe cũng bị ảnh hưởng vì điều này do họ mất nhiều thời gian hơn để tìm việc làm, thường là với mức lương thấp hơn, hoặc thậm chí thất nghiệp dài hạn đối với những người trình độ kém hơn.

Về kế hoạch đầu tư mà Chính phủ Pháp dự kiến, chuyên gia Eric Heyer cho rằng chủ trương giành lại lợi thế về công nghiệp và y tế, cũng như bứt lên dẫn đầu quá trình chuyển đổi môi trường và kỹ thuật số của nền kinh tế Pháp là những mục tiêu lớn.

Nếu thực sự muốn chuyển đổi nền kinh tế, Pháp sẽ cần chi khoảng 170 tỷ euro, tương đương với khoản tiền nước này đã dành cho các kế hoạch cứu trợ khẩn cấp để bù đắp những thiệt hại kinh tế liên quan đến đại dịch.

Theo ông Eric Heyer, mặc dù nợ công của nước này vượt quá 118% GDP, Pháp sẽ vẫn phải đẩy mạnh đầu tư để tạo ra sự tăng trưởng. "Một quốc gia khó có thể thất bại vì nợ công nhưng lại có thể thất bại vì sự nóng lên toàn cầu.

Nếu nhân danh nợ công mà không làm gì trên bình diện sinh thái, những thảm họa tự nhiên và xã hội sẽ xảy đến. Do đó, sự tăng trưởng phải được tiến hành một cách bền vững và cân bằng."

Nợ công là điều nước nào cũng phải đối mặt, nhưng giảm nợ không phải là mục tiêu chính lúc này. Bài học kinh nghiệm của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) từ năm 2011 đến năm 2013 vẫn còn nguyên giá trị.

Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, tất cả Liên minh châu Âu đã cùng nhau đi quá nhanh với các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Hệ quả là đã gây ra một cuộc suy thoái mạnh mẽ trong khu vực, điều mà không một khu vực trên thế giới phải trải qua.

Do đó, xét theo logic trên, Paris không nên nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách khi nước này vẫn đang trong suy thoái. Ở cấp độ châu Âu, các hành động sẽ cần sự phối hợp giữa các quốc gia để cùng tránh những tác động tiêu cực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục