Những cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng doanh nghiệp

Bài 3: Những cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng doanh nghiệp

Đến nay, các ngân hàng đều đã đưa ra các giải pháp, phương án và cả các kịch bản để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bài 3: Những cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng doanh nghiệp ảnh 1Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank. (Ảnh: Vietnam+)

Ngay khi đại dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam, ngành ngân hàng dã nhanh chóng lên phương án hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn. Đến nay, đã có nhiều giải pháp, phương án được đưa ra để gỡ khó cho các doanh nghiệp.

Dưới đây là những chia sẻ của lãnh đạo các ngân hàng được phóng viên VietnamPlus ghi lại.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) Lê Đức Thọ:

VietinBank tiếp tục gia tăng quy mô gói tín dụng với lãi suất thấp nhất thị trường khoảng 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm thêm 1,5%/năm VND và 0,5-0,7%/năm USD so với các chương trình trước đây để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, VietinBank tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng không giới hạn quy mô đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp, ưu đãi lãi suất cho vay cố định, vay ưu đãi lãi tri ân... với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,25% - 3%/năm so với thông thường.

Trên cơ sở đó, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với khách hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước và thực hiện cải cách thủ tục cho vay, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp, người dân thuận tiện trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý.

[Bài 2: Không để dịch COVID-19 “ăn mòn” ngân hàng và doanh nghiệp]

Bên cạnh đó, chúng tôi đã chủ động tiết giảm chi phí và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, tinh gọn quy trình thủ tục hồ sơ để nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay doanh nghiệp và người dân ở mức thấp.

VietinBank cũng đồng thời miễn giảm phí thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại tối đa tới 100% đối với khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế hoặc các khách hàng có giao dịch thương mại với thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, thị trường được xác định có vùng dịch và/hoặc phải hạn chế hoạt động giao thương đi lại…

Đặc biệt, VietinBank dã chủ động xây dựng các kịch bản (kể cả kịch bản khó nhất) để phòng chống dịch COVID-19 trong toàn hệ thống, đảm bảo luôn duy trì hoạt động thông suốt phục vụ khách hàng. Quán triệt đến toàn bộ cán bộ, nhân viên toàn hệ thống trong việc cập nhật kịp thời các thông tin chính thức về diễn biến của dịch và các biện pháp phòng chống để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, nhân viên và cho khách hàng đến giao dịch.

Bài 3: Những cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng doanh nghiệp ảnh 2Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):

Vietcombank đã triển khai gói tín dụng hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kể từ ngày 11/2, ngay khi dịch bệnh có xu hướng lan rộng trên toàn cầu. Theo tính toán, quy mô dư nợ ban đầu Vietcombank dự kiến hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng khoảng 78.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng, chúng tôi đang xem xét mở rộng thêm đối tượng khách hàng được áp dụng đồng thời xem xét mở rộng quy mô dư nợ được hỗ trợ có thể lên tới 120.000 tỷ đồng.

Gói tín dụng ưu đãi được triển khai với biện pháp hỗ trợ như giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu là 1%/năm đối với dư nợ vay VND ngắn hạn; giảm 1,5%/năm đối với dư nợ vay VND trung dài hạn; giảm 0,5%/năm đối với dư nợ vay USD ngắn hạn; giảm 0,75%/năm đối với dư nợ vay USD trung dài hạn.

Ngân hàng cũng áp dụng cho vay mới với lãi suất ưu đãi giảm tối đa tới 1%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với USD cho các khách hàng thuộc các lĩnh vực trên đáp ứng điều kiện vay vốn của VCB.

Trong quá trình triển khai, Vietcombank đã giao thẩm quyền giảm lãi suất cho chi nhánh để chủ động linh hoạt hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn ban hành các chương trình cho vay với lãi suất thấp (lãi suất thấp nhất có thể xuống tới 5%) để ưu đãi cho các khách hàng tốt, trong đó có nhiều khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Không những thế, các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nếu không tham gia vào các chương trình ưu đãi sẵn có của Vietcombank đều được hưởng chính sách lãi suất ưu đãi, mà đối tượng được áp dụng là các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn, thực phẩm xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc…

Theo tính toán, dư nợ của các khoản vay hiện hữu với các khách hàng nói trên hiện khoảng 120.000 tỷ đồng, dự kiến ngân hàng sẽ giảm mức thu nhập khoảng lãi khoảng 300 tỷ đồng.

Thời điểm này, lợi nhuận ngân hàng chỉ là mục tiêu thứ yếu. Ưu tiên hàng đầu của ngân hàng hiện nay là rà soát khó khăn của khách hàng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, đồng hành và phát triển bền vững. Bởi khi khách hàng khó khăn, chất lượng tín dụng bị ảnh hưởng, nợ xấu vì thế có thể tăng lên, chi phí trích lập dự phòng tăng theo.

Bài 3: Những cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng doanh nghiệp ảnh 3Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB):

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, OCB đã chủ động và nhanh chóng triển khai các sản phẩm, chương trình ưu đãi để hỗ trợ khách hàng.

Đối với các khách hàng doanh nghiệp, OCB triển khai gói tín dụng ưu đãi 500 tỷ đồng dành cho các công ty xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng thuộc những ngành ưu tiên phát triển của khối khách hàng siêu nhỏ (MSME)… thể hiện sự nỗ lực của OCB trong việc cung cấp nguồn vốn giá rẻ nhằm đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn khi tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Bên cạnh đó, kênh vay vốn trực tuyến https://msme.ocb.com.vn/ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được triển khai, giúp khách hàng cân đối và chủ động tài chính thông qua công cụ dự tính vốn gốc và lãi dự kiến phải trả hàng kỳ mà không cần phải tới quầy giao dịch trực tiếp.

Song song với việc xây dựng và triển khai những ưu đãi, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, OCB đã chuẩn bị phương án ứng phó, bảo vệ sức khỏe của khách hàng và đảm bảo giao dịch của khách hàng luôn an toàn, thông suốt.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hàng Thông tư 01, OCB căn cứ vào hướng dẫn của nhà điều hành để cơ cấu lại nợ, cho phép doanh nghiệp trả nợ theo dòng tiền, giãn nợ, một cách đồng bộ.

Tuy nhiên, không phải tất cả các khách hàng đều được áp dụng các chính sách, giải pháp nêu trên. Ngân hàng sẽ đánh giá rất kỹ tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp từ dịch bệnh rồi sẽ đưa ra giải pháp phù hợp trên cơ sở quy định của Thông tư.

Ngoài ra, OCB cũng khuyến khích người dùng chuyển sang các giao dịch điện tử, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với các vật thể ẩn chứa virus như tiền mặt với các chính sách ưu đãi.

Bài 3: Những cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng doanh nghiệp ảnh 4Ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc Khối SME VPBank. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc Khối SME Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank):

Là ngân hàng gần gũi và có nhiều giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhất trên thị trường hiện nay, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm có khả năng bị tổn thương cao nhất trong các nhóm doanh nghiệp bởi nguồn vốn của họ có hạn, dòng tiền cũng không đủ dồi dào để trù bị cho một quãng thời gian ngắt quãng kinh doanh lâu.

Vì thế, ngay từ những ngày đầu tiên đi làm trở lại sau Tết Nguyên đán, chúng tôi đã chủ động tìm hiểu, rà soát các khách hàng có thể bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dịch bệnh COVID 19. Tiếp đó, chúng tôi đã phối hợp với các bộ phận chuyên môn đánh giá tình hình của từng doanh nghiệp, từ đó thiết kế các phương án tái cấu trúc nợ: giãn thời gian trả nợ để đảm bảo dòng tiền của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhỏ nhất có thể. Đối với một số trường hợp đặc biệt, ngân hàng có đưa ra cơ chế giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp không phải chịu ảnh hưởng kép do dịch bệnh lần này

Dù đã rất chủ động và vào cuộc từ rất sớm nhưng VPBank nhận thấy việc rà soát các doanh nghiệp bị ảnh hưởng quả thực không hề dễ dàng. Với những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch, lưu trú, vận tải hoặc những doanh nghiệp sản xuất mà cần nhập khẩu nguyên vật liệu từ các nước đang chịu ảnh hưởng lớn của dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu thì việc xác định có những tiêu chí và căn cứ nhất định thông qua lịch sử kinh doanh của doanh nghiệp.

Chúng tôi nhận thấy trong thời gian qua các cơ quan quản lý đã có những hành động rất kịp thời trong việc định hướng, đưa giải pháp và hướng dẫn các ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp.

Mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh trong giai đoạn ngắn, nhưng không thể là rào cản khiến VPBank chùn bước trong việc “chiến đấu” cùng với cả nền kinh tế nói chung. Chúng tôi tin rằng, giai đoạn khó khăn này chỉ là nhất thời và với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị chúng ta sẽ sớm vượt qua và sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong nay mai.

Bài 3: Những cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng doanh nghiệp ảnh 5Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp Techcombank. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank):

Chủ động đồng hành cùng các chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, chúng tôi đã lập tức lên kế hoạch ứng phó, tiến hành phân tích kỹ mức độ tác động và ảnh hưởng đến tất cả các nhóm khách hàng khác nhau của Techcombank.  Chúng tôi tiếp xúc trực tiếp các khách hàng để hiểu được nhu cầu và khó khăn của khách hàng, hoàn toàn nhất quán thực hiện chủ trương của ngân hàng nhà nước hỗ trợ các khách hàng khó khăn trong giai đoạn này.

Trong bối cảnh cần ngân hàng sát cánh với các doanh nghiệp như hiện nay, chúng tôi hoàn toàn nhất quán và chủ động song hành cùng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước để đưa ra các giải pháp hiệu quả, hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp gặp khó.

Nhóm giải pháp đầu tiên liên quan đến khó khăn về thanh khoản: Đối với những khách hàng đang giao dịch với Techcombank, chúng tôi cùng làm việc với khách hàng doanh nghiệp để hiểu được khó khăn, nhu cầu của khách hàng. Từ đó, đưa ra các giải pháp về giãn nợ, tái cấu trúc và các giải pháp khác giúp khách hàng đảm bảo được quá trình thanh khoản trong giai đoạn khó khăn này.

Thứ hai, chúng tôi cũng biết được rằng các hoạt động của doanh nghiệp trong thời điểm bị ảnh hưởng khá nhiều như doanh thu có thể bị sụt giảm, trong khi đó chi phí vẫn giữ nguyên hoặc tăng lên dẫn đến hiệu quả hoạt động bị giảm sút. Chúng tôi sẽ căn cứ vào các nhóm khách hàng, các hoạt động của khách hàng để đưa ra các gói tín dụng và gói lãi suất phù hợp và đảm bảo thực sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Trong 2 năm vừa qua, Tecombank đã miễn phí toàn bộ các giao dịch chuyển khoản điện tử đối với khách hàng doanh nghiệp trong nội địa. Đổng thời, chúng tôi cũng đã hoàn thiện việc triển khai diện rộng nhóm khách hàng chuyển tiền nước ngoài và mua bán ngoại tệ qua kênh điện tử, với mức giảm tối đa đến 50% so với cách thức chuyển tiền trực tiếp tại quầy. Ngoài ra, việc mua bán ngoại tệ trên kênh điện tử cũng giúp khách hàng tiết kiệm hơn so với giao dịch tại quầy.

Chúng tôi xác định đây là một trong những định hướng đã lựa chọn của Techcombank, đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng đến thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Điều lớn nhất mà chúng tôi “gặt hái” được khi “trao tặng” khách hàng khoản phí giao dịch chuyển khoản không hề nhỏ. Đó là, khách hàng sẽ gắn bó với chúng tôi lâu hơn, chúng tôi cũng am hiểu khách hàng hơn để từ đó có cơ hội tư vấn các giải pháp phù hợp cho khách hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục