Những câu chuyện đặc biệt lý thú giữa thời đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã khiến chúng ta ít đi những nụ cười trong năm 2020. Mặc dù vậy, ngay cả trong dịch bệnh, cuộc sống vẫn tạo ra những điều thú vị rất riêng.
Những câu chuyện đặc biệt lý thú giữa thời đại dịch COVID-19 ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Khi cả thế giới đón chào bình minh của năm mới với những bữa tiệc pháo hoa rợp trời, ít ai mường tượng được rằng năm 2020 sẽ mang lại cho chúng ta điều gì.

Trong 12 tháng vừa qua, virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã làm tê liệt các nền kinh tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng, "giam lỏng" gần 4 tỷ người trong nhà, cướp đi sinh mạng của hơn 1,6 triệu người.

Đó là một năm cả thế giới phải thay đổi, lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Đại dịch COVID-19 đã khiến chúng ta ít đi những nụ cười trong năm 2020. Mặc dù vậy, ngay cả trong dịch bệnh, cuộc sống vẫn tạo ra những điều thú vị rất riêng.

Tại Ấn Độ, Ủy ban Chăn nuôi Bò quốc gia đã công bố một loại chip điện thoại thông minh do nước này tự sản xuất từ phân bò. Theo ủy ban trên, loại chip điện thoại đặc biệt này có thể bảo vệ người dùng tránh các bức xạ từ điện thoại di động - vốn được cảnh báo là gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người dùng.

Người đứng đầu ủy ban trên khẳng định "phát minh trên được được khoa học khẳng định." Tuy nhiên, hiện chưa rõ loại chip trên khi nào sẽ được bán ra thị trường thế giới.

Một trụ kim loại nguyên khối sáng bóng "mọc lên" ở vùng sa mạc thuộc bang Utah (Mỹ) đã làm dấy lên những hoang tin về việc người ngoài hành tinh đến thăm Trái Đất.

Khối kim loại sáng bóng cao 3m được phát hiện đứng sừng sững giữa những khối đá đỏ đã thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới cuối tháng 11 vừa qua. Vài ngày sau đó, những trụ kim loại nguyên khối "ma quái" tương tự cũng lần lượt xuất hiện ở vùng núi Carpathian của Romania, Vácsava (Ba Lan) và Isle of Wight (Anh).

Hiện những trụ kim loại này cũng đã biến mất một cách bí ẩn, hệt như khi chúng xuất hiện. Mặc dù vậy, các cơ quan chức năng cho rằng đây là những tài sản tư nhân, đồng thời khẳng định rằng: "Việc lắp đặt công trình kiến trúc hoặc tác phẩm nghệ thuật trên khu đất công mà không được cấp phép là bất hợp pháp, bất kể bạn đến từ hành tinh nào."

[Thế giới đã thay đổi thế nào sau một năm vật lộn với COVID-19]

Khi đại dịch COVID-19 lên đến đỉnh điểm và chính phủ các quốc gia phải ban bố lệnh phong tỏa, thứ mà nhiều người tranh giành để có được là... giấy vệ sinh. Hồi tháng 3 vừa qua, cảnh sát đã phải có mặt tại một siêu thị ở Sydney (Australia) để tách 3 phụ nữ đang đánh nhau để giành cuộn giấy vệ sinh cuối cùng tại siêu thị. Trước đó một tuần, một toán cướp đã khống chế một chiếc xe tải chở đầy giấy vệ sinh ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) để có thể chiếm được lô hàng quý giá trị giá 150 USD trong "thời bình."

Cũng tương tự, tình cảnh thiếu thứ gì đó để lau chùi được xem là trường hợp khẩn cấp thực sự đối với nhiều người ở Mỹ.

Cảnh sát bang Oregon thậm chí đã phải đăng trên Facebook rằng: "Đừng gọi 9-1-1 chỉ vì bạn hết giấy vệ sinh". Thay vào đó, họ đề xuất người dân có thể xoay xở những giải pháp khác để xử lý tình huống cấp bách này, ví dụ như "sử dụng một dây thừng cũ ngâm trong nước biển" hoặc sử dụng các cuốn lịch cũ. Trong khi đó, cảnh sát Newport cũng gợi ý rằng "người Maya xưa đã sử dụng lõi ngô."

Một nghệ sĩ vĩ cầm người Anh Dagmar Turner đã chơi đàn trong suốt quá trình thực hiện phẫu thuật loại bỏ một khối u trong não. Với hành động này, bác sĩ phẫu thuật có thể tránh gây tổn thương những khu vực có thể ảnh hưởng đến việc chơi đàn của cô sau này. Dagmar Turner bày tỏ hy vọng cô sẽ nhanh chóng trở lại với dàn nhạc của mình sau khi xuất viện.

Tại Hà Lan, một tác phẩm điêu khắc khổng lồ mô tả đuôi của hai con cá voi đã cứu một tàu điện thoát khỏi thảm họa, ngăn đường băng này trước nguy cơ rơi từ độ cao 10m xuống một con kênh gần thành phố Rotterdam.

"Cha đẻ" của tác phẩm này - kiến trúc sư Maarten Struijs cho biết hình ảnh đoàn tàu được chiếc đuôi cá voi neo lại, treo lơ lửng giữa không trung chính là một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt nhất mà ông từng gặp trong đời.

Nhật Bản - quốc gia nổi tiếng với phát minh ấn tượng - đã có một bước nhảy vọt trong công nghệ xây dựng nhà vệ sinh. "Đất nước Mặt Trời mọc" đã giới thiệu một mẫu nhà vệ sinh công cộng có thể nhìn xuyên thấu, đặt tại một công viên ở thủ đô Tokyo. Tấm kính trong suốt cho phép mọi người có thể kiểm tra độ sạch sẽ của nhà vệ sinh từ bên ngoài, để rồi quyết định có bước vào bên trong hay không. Khi có người sử dụng, tấm kính thông minh này sẽ tự khắc trở nên mờ đục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục