Những câu chuyện thời đại của gốm Việt với gã si tình “dở hơi”

Bỏ hội họa Hà Nội về quê Bắc Ninh sống với trăn trở có cách nào để tạo ra một làng nghề mới, một truyền thống mới hay không? Bùi Hoài Mai tìm mua gốm ta từ những người dân thì bị họ cười "dở hơi."
Những câu chuyện thời đại của gốm Việt với gã si tình “dở hơi” ảnh 1Gốm Quang Hải Dương đang được trưng bày tại Dophil Plaza. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Talk show “Hành trình gốm Việt” với những chia sẻ đầy tâm huyết của phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và họa sỹ Bùi Hoài Mai - nghệ sỹ, người sưu tầm gốm cổ diễn ra chiều qua (18/3), tại Hà Nội, đã giúp những người tham dự có cơ hội được nhìn lại chặng đường đầy thăng trầm của một trong những ngành kỹ nghệ ra đời sớm nhất trong lịch sử dân tộc.

Câu chuyện thời đại của gốm

Trong ngành kỹ nghệ Việt Nam, gốm ra đời sớm nhất, trước cả chế tác đồ đá. Cũng vì thế, đối với nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật, đồ gốm chính là minh chứng cho một chuỗi phát triển của dòng chảy mỹ thuật.

Ở mỗi thời kỳ, những hoa văn, chất liệu và tạo hình chính là đặc điểm để gốm Việt tự kể câu chuyện về thời đại của chúng. Thời Lý-Trần (thế kỷ XI-XIV) ghi dấu ấn với dòng gốm men trắng, men ngọc, men hoa nâu, men lục và đặc biệt cuối thế kỷ XIV xuất hiện dòng gốm hoa lam. Từ thế kỷ XVI kéo dài đến niên hiệu vua Gia Long đầu thế kỷ XVIII có dòng gốm men rạn Bát Tràng…

Và cùng với dòng lịch sử đó, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến đã dùng gốm là phương tiện khám phá quá khứ, coi đó là phương thức để tìm câu trả lời cho những vấn đề mang tính thời đại. Là một nhà khoa học, ông trân quý gốm như là thành tựu của quá khứ và với ông, gốm đã góp phần tạo nên quá khứ.

Trong lịch sử, gốm Chu Đậu Việt Nam đã từng bị hiểu lầm một cách đầy oan ức là gốm Trung Quốc. Cho đến khi được các nhà nghiên cứu chuyên sâu phát hiện và ra tay giải cứu, gốm Việt mới được minh oan, trong số đó có phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến.

Theo vị chuyên gia này, có hai đặc điểm để khẳng định gốm Chu Đậu là của Việt Nam: kỹ thuật làm gốm men của Việt Nam và Trung Quốc độc lập và khác biệt; mối quan hệ và sự ảnh hưởng về phong cách giữa gốm Chu Đậu và gốm hoa lam lò Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). Thậm chí, một số sản phẩm gốm tinh xảo trong nước bị nhiều người tưởng của Trung Quốc (thực chất lại là gốm Chu Đậu). Như vậy có thể thấy, ngay từ thế kỷ XVI, nghệ thuật gốm Chu Đậu đã đạt đến trình độ rất cao.

Muốn cho người dân trong nước và bạn bè quốc tế biết và hiểu về gốm Việt Nam, đặc biệt là gốm Chu Đậu đồng thời cũng tạo điều kiện để các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về gốm Chu Đậu, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến cho rằng, cần có một bảo tàng riêng, có thể quy mô nhỏ nhưng là rất cần thiết.

Những câu chuyện thời đại của gốm Việt với gã si tình “dở hơi” ảnh 2Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến (trái) và họa sỹ Bùi Hoài Mai trong buổi talk show. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kẻ si tình “dở hơi”

Xuất thân là họa sỹ nên con đường và cách tiếp cận với gốm của họa sỹ Bùi Hoài Mai cũng khá đặc biệt. Anh chuyển về quê ở Bắc Ninh sinh sống với trăn trở có cách nào để tạo ra một làng nghề mới, một truyền thống mới hay không? Và thế là anh đã bắt tay vào xây dựng một lò gốm, đi học làm gốm và dạy nông dân làm gốm.

“Ngày xưa, khi bắt đầu sưu tập gốm, tôi tìm mua gốm ta từ những người dân họ đào được thì bị họ cười và nói ‘dở hơi.’ Đau xót nhất là lần tôi chứng kiến cảnh khảo cổ ở vùng Phù Lãng, khi người dân đào mương lên thì quả thực đấy là một di chỉ gốm, nhưng họ không hiểu, mê tín cho rằng đó là đồ chôn và đồ không biết xuất xứ nên đã đập tanh bành hết cả…” họa sỹ Bùi Hoài Mai ngậm ngùi chia sẻ.

Theo họa sỹ Bùi Hoài Mai, người Việt Nam hầu như không hiểu biết gì về gốm, ngay cả truyền thông trong nước để mọi người hiểu được cái hay cái đẹp của gốm, hiểu đúng vị trí của gốm Việt Nam ra sao trên thế giới thì quả thực chúng ta đang làm rất kém và rất ít.

Họa sỹ kể, khi sang Nhật Bản anh mới hiểu gốm Nhật phát triển được như vậy là do họ kết nối được với “cái gốc.” Còn người Việt Nam phạm phải một lỗi lớn, chúng ta sẵn sàng quên đi ký ức rất nhanh.

“Tôi nhớ có lần đi khảo sát cùng anh Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương ở vùng Chu Đậu, gặp dân làng thì họ bảo không hiểu các ông đến đây bới cái gì chứ chúng tôi rất khổ vì đào đâu cũng thấy mảnh sành, trồng dây khoai còn khó. Ở vùng đất truyền thống như vậy mà dân làng cũng mất ký ức về gốm,” họa sỹ Bùi Hoài Mai nói.

Thực tế, trong sử sách Việt cũng rất hiếm những ghi chép về nghề gốm nên người làm nghiên cứu như phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến, họa sỹ Bùi Hoài Mai… gặp rất nhiều khó khăn vì không có văn bản để đối chiếu, so sánh.

Thế nhưng, ở đâu đó, người ta vẫn bắt gặp hình ảnh phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến lọ mọ lật tìm từng mảnh sành, tỉ mỉ khảo cứu từng dấu tích của chúng… Còn họa sỹ Bùi Hoài Mai, hàng ngày vẫn thấy anh miệt mài tạo tác nên những đồ gốm mang vẻ đẹp điển hình Việt Nam và truyền bá những hiểu biết cùng niềm say mê gốm bất tận của mình…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục