Những chia rẽ trong quan hệ thương mại toàn cầu "lộ sáng"

Hội nghị bộ trưởng tài chính G20 ở Buenos Aires đã kết thúc mà không có giải pháp nào được đưa ra nhằm giải quyết căng thẳng của cuộc chiến tranh thương mại đang tác động đến kinh tế toàn cầu.
Những chia rẽ trong quan hệ thương mại toàn cầu "lộ sáng" ảnh 1Hàng hóa được xếp tại cảng ở Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)

Theo trang mạng wsws.org, Hội nghị bộ trưởng tài chính G20 ở Buenos Aires, Argentina cuối tuần qua đã kết thúc mà không có giải pháp nào được đưa ra nhằm giải quyết những căng thẳng của cuộc chiến tranh thương mại đang tác động đến kinh tế toàn cầu.

Mặc dù không tái diễn sự xung đột công khai như tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng trước, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ tuyên bố cuối cùng, nhưng "sự chia rẽ trong quan hệ thương mại toàn cầu đã bộc lộ rõ," theo mô tả của một bài viết đăng trên tờ Financial Times.

Tuyên bố kết thúc hội nghị ghi nhận rằng mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn "mạnh" nhưng nó đã trở nên "ít đồng bộ hơn trong thời gian gần đây" và các rủi ro ngắn hạn và trung hạn đã tăng lên.

"Những rủi ro này bao gồm các lỗ hổng tài chính ngày càng nhiều, những căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng, sự mất cân bằng toàn cầu, bất bình đẳng và tăng trưởng yếu về cấu trúc, nhất là ở một số nền kinh tế phát triển."

Đánh giá này phản ánh điều mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra trước thềm Hội nghị. IMF đã cảnh báo rằng khả năng "các động thái về thương mại tiếp tục được duy trì và leo thang" đe dọa sẽ "tác động nghiêm trọng và bất lợi đối với tăng trưởng toàn cầu trong khi không xử lý được những nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng mất cân bằng toàn cầu."

Thay vì đối mặt với bất cứ vấn đề nào trong số này, công việc chính của Hội nghị G20 là cố gắng đưa ra một tuyên bố né tránh các vấn đề đó.

Cam kết "chống chủ nghĩa bảo hộ", vốn là trọng tâm của các tuyên bố của G20 kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nhưng đã bị vứt bỏ hồi năm ngoái khi Mỹ đẩy mạnh các biện pháp chiến tranh thương mại, đã không xuất hiện trở lại.

Vấn đề phá giá đồng tiền cạnh tranh, trở thành trọng tâm chú ý sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trước thềm Hội nghị rằng các đồng tiền của Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc được định giá quá thấp so với đồng tiền của Mỹ, hầu như đã bị bỏ qua.


[Các bộ trưởng G20 kêu gọi tăng đối thoại về căng thẳng thương mại]

Tuyên bố chỉ nói rằng Nhóm G20 tái khẳng định "các cam kết về tỷ giá hối đoái đưa ra hồi tháng 3 năm nay," theo đó sẽ không tiến hành các bước phá giá đồng tiền để cạnh tranh.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đã bác bỏ cáo buộc của Trump cho rằng EU thao túng giá đồng euro. Ông tuyên bố EU đã thực hiện "các chính sách rất sáng suốt để không tạo ra những thành công về kinh tế một cách giả tạo thông qua tỷ giá đồng tiền." Trung Quốc cũng phủ nhận việc họ cố ý nâng giá đồng Nhân dân tệ, đã giảm 4% so với đồng USD trong tháng qua.

Thay vì đưa ra bất cứ biện pháp nào nhằm giải quyết cuộc chiến tranh thương mại, Hội nghị G20 được mô tả là sự tập hợp các thủ đoạn của nhiều nước tham gia, phản ánh các lợi ích chính trị và kinh tế khác nhau khi các nước này tìm cách giành được ưu thế tốt nhất có thể trong cuộc xung đột toàn cầu ngày càng sâu sắc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã "bắt bài" được EU. "Nếu châu Âu tin tưởng vào thương mại tự do, chúng tôi sẵn sàng ký một hiệp định thương mại tự do," ông nói.

Tuy nhiên, bất cứ hiệp định nào cũng sẽ phải loại bỏ thuế quan, cùng với các hàng rào phi thuế quan và trợ cấp bởi ông Mnuchin biết rõ, không có khả năng đạt được một thỏa thuận như vậy vì EU có một hệ thống trợ cấp phức tạp và các thỏa thuận khác, đặc biệt là các thỏa thuận về nông nghiệp.

Ông Mnuchin cũng nói rõ rằng các biện pháp trực tiếp nhằm vào Trung Quốc, như áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD và kế hoạch áp bổ sung mức thuế 10% đối với các phẩm của Trung Quốc có tổng trị giá 200 tỷ USD, sẽ được tăng cường.

Trong khi nhấn mạnh lời cảnh báo của Tổng thống Trump sẽ đánh thuế đối với tất cả các hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, ông Mnuchin cũng tuyên bố trước thềm Hội nghị rằng ông "sẽ không đánh giá thấp" khả năng các mức thuế có thể được áp đối với lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá 500 tỷ USD.

Ông Mnuchin không tiến hành thảo luận với các quan chức Trung Quốc tại Hội nghị G20, nhưng đã nhắc lại tuyên bố rằng Mỹ muốn Trung Quốc mua nhiều sản phẩm của Mỹ hơn nữa.

Trước đó, Bắc Kinh đã đề xuất tăng kim ngạch xuất khẩu của họ lên 100 tỷ USD, nhưng bị bác bỏ vì nó chưa thỏa đáng.

Điều đó cho thấy một thực tế là nỗ lực của Mỹ chống Trung Quốc không nhằm vào sự mất cân bằng cán cân thương mại, mà nhằm vào sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, coi đây là mối đe dọa lâu dài đối với sự thống trị của Mỹ.

Trong khi tìm cách mô tả Mỹ đang ở thế mạnh, ông Mnuchin tuyên bố rằng mặc dù một số lĩnh vực riêng lẻ của nền kinh tế, ví dụ như nông nghiệp, đã bị tổn thương, toàn bộ nền kinh tế Mỹ nói chung không bị ảnh hưởng bất lợi bởi các biện pháp thương mại của chính phủ.

Ông cũng nói thêm rằng Mỹ sẽ xem xét hành động cụ thể để hỗ trợ các lĩnh vực "bị cạnh tranh không công bằng" này, bao gồm các biện pháp trả đũa - ám chỉ việc EU và Trung Quốc đánh thuế lên các hàng hóa của Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tái khẳng định EU sẽ không thương lượng khi bị đe dọa. Ông tuyên bố Mỹ phải là nước đầu tiên có động thái xóa bỏ thuế quan vì họ là nước đầu tiên áp đặt chúng.

"Luật rừng sẽ chỉ gây ra sự hỗn loạn," ông nói. Tuy nhiên cũng có những bất đồng trong EU.

Họ tập trung vào cách thức đối phó với động thái đe dọa tiếp theo của chính quyền Trump - như áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ châu Âu theo các điều khoản an ninh quốc gia trong Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962.

Cho đến nay, Nhật Bản vẫn tìm cách né khỏi tầm ngắm và tránh xung đột trực tiếp với Mỹ, trong khi đang tìm cách thúc đẩy chương trình nghị sự của mình bằng cách hồi sinh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà không có Mỹ, và ký một hiệp định thương mại quan trọng với EU.

Bất chấp việc bị Mỹ từ chối miễn thuế đối với các sản phẩm nhôm và thép xuất vào Mỹ, Nhật Bản không theo gương Canada và EU có hành động trả đũa.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko tuần trước tuyên bố "vụ ôtô thì khác" và "cách phản ứng của chúng tôi sẽ khác"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục