Những chuyện chưa kể

Những chuyện chưa kể về đội tìm kiếm ở La Pán Tẩn

8 ngày ròng, cứ mưa xuống, lại nắng lên. Đội cứu hộ cứu nạn tại La Pán Tẩn vẫn cứ lầm lũi, hết mình đến tận ngày được lệnh rút ra.
8 ngày ròng. Mưa xuống, nắng lên. Hơi thở lẫn vào sương rừng. Quần áo ngả sang màu đất đỏ. Giấc ngủ đêm phảng phất những giật mình ám ảnh về những thi thể xấu số vùi lấp dưới hàng trăm mét đất. Đội cứu hộ cứu nạn La Pán Tẩn vẫn cứ lầm lũi, hết mình đến tận ngày được lệnh rút ra. Những câu chuyện của họ, lặng lẽ nhưng cũng mặn chát nỗi buồn nơi cuối trời Tây Bắc. Cuốc bộ, chết hụt và những day dứt Phó trưởng Công an huyện Mù Cang Chải, chân đi ủng, mồ hôi đẫm người vẫn đứng ở đầu dốc đá trượt hôm nào. Gần anh, Phó Chủ tịch huyện Giàng A Vừ cũng đã xắn cao quần, lội hẳn xuống bùn sâu. Nắng lố nhố xiên qua đầu ngọn núi sớm hắt vệt nắng dẻ quạt đã gay gắt lắm xuống đầu hơn chục con người đang đánh vật với hàng chục khối đất đỏ lừ thi thoảng lại lở ra, ì oạp rơi xuống dưới. Cán bộ A Vừ, thấy có khách vào cười khổ bảo, mấy ngày rồi, anh em chẳng kịp tắm rửa gì đâu, chỉ có đào, đào và di chuyển khắp lòng khe để tìm kiếm. "Chúng tôi vào đây làm nhiệm vụ chưa có ngày ra! Ăn ở tại chỗ, hậu cần hết lại tiếp tế, cứ tìm kiếm đến khi nào thấy,”  một chiến sĩ quân đội nói. Điều đáng sợ là, đến tận thời điểm này, 8 ngày sau khi thảm họa La Pán Tẩn xảy ra, nguy hiểm vẫn cứ chực chờ trên đầu đoàn cứu hộ. Khả năng “biến mất” của con người dưới hàng vạn khối đất chỉ trong vài phút đá lở chỉ trong vài phút vẫn chẳng thể coi thường. Bởi nguyên nhân ban đầu theo các cán bộ hiện trường cho biết, núi vẫn còn nứt. Những vết nứt đó chính là nơi nước mưa đổ xuống, ngấm xuống tận chân núi và khi đã no nước, với địa chất yếu chỉ là núi đất cát pha và đá mồ côi trơn nhẵn không hề cố kết vững chắc, sự trượt lở sẽ vô cùng khủng khiếp. Chúng tôi nhìn lên núi. Bốn bề đều thấy những vệt trượt đất đá dài, thâm đỏ như máu. Cả trăm con người cứu hộ cũng đang phải gồng mình lên khi lọt thỏm làm nhiệm vụ trong một thung lũng mà bất cứ lúc nào cũng có thể bị vùi lấp. Không ai biết trong lòng núi đang diễn ra những gì. Mưa nắng vẫn thất thường, ăn ngủ vẫn thất thường.. Thế mới có chuyện, một đêm, Phó Trưởng Công an huyện Mù Cang Chải và anh em bắt đầu đi ngủ bỗng nghe thấy tiếng rầm rầm. Mọi người nghĩ là trời đêm Trống Páo Sang lại sấm. Bỗng từ đâu, đá lách tách lăn rồi rầm rập chạy về phía khe sâu. Đá lở không còn là chuyện hiếm nữa. Cũng chẳng phải nói đâu xa, ngay trong đoàn cứu hộ cứu nạn cũng không ít người đã phải đối mặt với cái chết vì núi mẹ thêm một lần tức giận.
Những chuyện chưa kể về đội tìm kiếm ở La Pán Tẩn ảnh 1
Sức người ném vào đá núi (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Thở phì phò để lại con dốc đứng dẫn xuống khe suối Tú Lệ đằng sau lưng, cán bộ Giàng A Vừ hổn hển. Ngay trước khi chúng tôi vào một ngày, đoàn cứu hộ gồm có anh em bộ đội, dân quân, công an và cả người của phía Thịnh Đạt còn đang loay hoay đào bới phía dưới lán 1. Lúc này trời vẫn mưa. Nước ngấm vào các kẽ nứt, từ từ đẩy cả một mảng đất cỡ mái nhà ầm ầm lao xuống dốc có hơn chục con người ở dưới… “Lúc này, thấy tiếng nứt lách tách, chỉ kịp ngó lên đã thấy đất trôi rầm rầm xuống. Anh em hò nhau chạy, đất phạt qua ngay lưng mình. Nghĩ lại cũng rợn người,” Giàng A Vừ toát mồ hôi nhớ lại. Ban chỉ đạo tìm kiếm được bố trí ăn, ở trong 2 lán trại của công ty Thịnh Đạt. Toàn bộ khu vực này, những ngày cao điểm khi vừa xảy ra thảm họa đã có gần 200 người là cán bộ, chiến sĩ, dân quân...đóng quân để cứu hộ và tìm kiếm. Hơn 100 người tập trung chỉ đạo, hậu cần, phục vụ và trực tiếp tìm kiếm 2 người mất tích ròng rã hơn 1 tuần trời vẫn chưa thấy tung tích. Cho đến tận chiều tối ngày hôm quan, 13/9, tại khu vực khe suối đầu xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, gần 30 cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện và dân quân địa phương do Trung tá Đỗ Xuân Trường, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự huyện Mù Cang Chải chỉ huy vẫn miệt mài men theo dọc hai bên bờ suối để kiếm tìm thi thể nạn nhân. Phạm vi tìm kiếm được mở rộng đến 7 km từ điểm sạt lở. "Bây giờ chỉ cần tìm thấy dù chỉ một người thôi, anh em sẽ cảm thấy thanh thản đôi chút với người đã khuất,” Thượng tá Lộc Tiến Tình, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Mù Cang Chải cho hay. Huy động tổng lực Trong suốt 8 ngày ròng rã dầm mưa, dãi nắng, không chỉ lực lượng quân đội, công an được huy động kiếm người mà ngay cả những đồng bào người Mông sinh sống xung quanh khu vực mỏ Trống Páo Sang cũng được vận động vào cuộc. Lý A Chù người bản Trống Tông là một trong các dân quân được huy động tìm kiếm những nạn nhân mất tích sau thảm họa kinh hoàng. Ngồi cheo leo trên đỉnh núi, hướng đôi mắt về khu vực sạt lở, A Chù ngẩn người thở dài khi vẫn chưa thể tìm thấy xác những người anh em xấu xố trong cùng dòng họ để thân xác được an tang, hồn ma trở về với tổ tiên. Chiếc cuốc bị đá ăn lẹm đi một phần, áo ướt đẫm mồ hôi, đôi bàn tay bọng nước phồng rộp lên nhem nhuốc màu đỏ của đất, A Chử thẫn thờ kể về hành trình nhọc nhằn “mò” xác trong những ngày qua. Được huy động từ những ngày đầu tìm xác khi sạt lở núi, A Chù tay cầm cuốc, lưng đeo dao rừng phăng phăng kiếm từng mảnh đất có dấu tích nạn nhân, lao vào hàng nghìn khối đá với nỗ lực tìm kiếm người xấu số. Khi chỉ huy đoàn tìm kiếm, cứu nạn phát hiện vị trí, A Chù cùng mọi người phải rà lần từng lớp đất, những nhát búa keng keng gõ đá với hi vọng tung tích nạn nhân hé lộ. Bởi thế, trong những ngày đầu và kế sau đó, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể 16 nạn nhân. Núi đá sạt lở nên những người mót quặng bị vùi lấp và lăn dài theo đất đá. Vì thế, có xác tìm được ngay chân dốc khu vực sạt lở nhưng cũng có người bị cuốn đi xa hàng cây số. Dẫu vậy, ngày ngày,  A Chù vẫn phải chạy dọc theo sườn chân núi với tâm niệm, người anh em sẽ sớm được tìm về trao trả cho thân nhân. Mỗi khi tìm thấy xác, A Chù và các gia đình như ngất lịm khi những người mà anh vốn thường ngày uống nước, rót rượu giờ người bị đá chèn dập nát, thi thể biến dạng, người thì chỉ còn chân tay…
Những chuyện chưa kể về đội tìm kiếm ở La Pán Tẩn ảnh 2
Cơ giới cũng được huy động (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Gã trai bản Mông bảo, chưa bao giờ bản gã lại có nhiều người chết đến thế, đau xót nhất vẫn là Lý A Lềnh và Lý A Sinh khi đến giờ xác vẫn nằm trên đỉnh mẹ núi. Kể đến đây, A Chù nghẹn ngào, đôi mắt rơm rớm. Gã bảo, những ngày qua, mò xác nơi đây luôn phải đối mặt với nguy cơ sạt lở kép có thể xảy đến do mưa nhiều, địa hình phức tạp nên núi đổ ập xuống là vẫn là điều dễ hiểu. “Chưa tìm được xác A Sinh, A Lềnh là chưa thể ngủ được. Mỗi đêm nghĩ về xác các nạn nhân tôi không thể nhắm nghiền mắt,” A Chù thành thật. Tính đến chiều ngày 14/9, thời điểm cuộc tìm kiếm chính thức bị đình lại vì nhiều lý do khác nhau, gần 200 con người đã có hơn 1 tuần trắng mặt cùng núi đá, rừng sâu. Họ đã nỗ lực hết mình để đưa A Sinh và A Lềnh trở về La Pán Tẩn. Nhưng trời chẳng chiều lòng người. Chừng ấy nỗ lực, chừng ấy mồ hôi của họ đổ xuống, hy vọng làm ấm lòng cho các anh, A Sinh và A Lềnh ạ!
Sơn Bách - Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục