Những chuyện khó tin về "Vua nói khoác Italy" Debenedetti

Debenedetti đã sử dụng các trang mạng xã hội để đánh lừa báo chí và dư luận xã hội một cách thuần thục và có bài bản.
Những chuyện khó tin về "Vua nói khoác Italy" Debenedetti ảnh 1Tommaso Debenedetti nổi tiếng với những trò đùa của mình. (Nguồn: Business Insider)

Với mục tiêu được xác định rất rõ ràng "Tôi muốn trở thành Vua nói khoác của Italy," Tommasso Debenedetti, cựu nhà báo sống ở Rome này đã sử dụng các trang mạng xã hội để đánh lừa báo chí và dư luận xã hội một cách thuần thục và có bài bản.

Xuất thân ở một gia đình trí thức và danh tiếng trong nghề viết, ở độ tuổi trung niên, lại là một người cha trong gia đình và hơn hết, hiện là một giáo viên tiểu học, nhưng đam mê của Debenedetti lại là sử dụng mạng xã hội dưới danh tính giả để tung ra những thông tin hoàn toàn không có thực; thậm chí có thể làm khuynh đảo cả một nền kinh tế hay thay đổi quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia.

Chia sẻ với phóng viên của Business Insinder, Debenedetti cho biết những "trò lừa phỉnh" này bắt đầu vào năm 2000 khi ông còn làm việc trong ngành báo chí Italy. Người ta nghi ngờ có khoảng trên 60 cuộc phỏng vấn giả do Debenedetti dựng lên và đã được báo chí chính thống đăng tải; trong đó, có cả các "cuộc phỏng vấn tưởng tượng" với những nhân vật có ảnh hưởng như nhà văn John Grisham, Hồng y Desmond Tutu, Giáo hoàng Benedict, cựu Tổng thống Nga Mikhaïl Gorbatchev và cả Dalai-Lama. Sự dối trá này chỉ được phanh phui vào năm 2010 sau một bài báo của tờ The New Yorker.

Nói về những gì mình đã làm, Debenedetti cho rằng chẳng có gì nghiêm trọng bởi "Nước Ý vốn là cả một trò đùa."

Đã từng là một nhà báo được "trả tiền theo chữ" cho một số tờ báo thuộc phe bảo thủ tại Italy, Debenedetti dần phát hiện ra một điều rằng các tờ báo này thường rất chủ quan khi đăng bài mà bỏ qua giai đoạn thẩm tra thông tin.

Ngồi trong văn phòng, Debenedetti bắt đầu "sáng tác" các cuộc phỏng vấn không có thật với nội dung ngày càng trở nên "phong phú và thật hơn". Để làm được điều này, Debenedetti đã đầu tư thời gian để đọc sách của các nhân vật "sẽ được mời phỏng vấn" để bắt chước ngôn ngữ, văn phong của họ một cách thành thục.

Cũng từ đây, nhiều phát ngôn gây sốc dư luận được tung ra. Trong một cuộc "phỏng vấn giả" đã được đăng trên báo Libero, "khách mời tưởng tượng" là tác giả Philip Roth đã chỉ trích trực tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama là "độc ác, do dự và luẩn quẩn trong vòng xoáy quyền lực". Tất nhiên, những từ ngữ này đều do Debenedetti tự nghĩ ra.

Khi những trò dối trá bị phát hiện và bị báo giới tẩy chay, Debenedetti đã quyết định quay sang các trang thông tin điện tử, mạng xã hội tiếp tục "trò đùa thế kỷ" của mình. Và Debenedetti lại tiếp tục thành công khi những thông tin giả được lan truyền khắp thế giới chỉ sau vài cú nhấp chuột.

Sử dụng tài khoản Twitter với danh tính của những nhân vật có ảnh hưởng lớn như những chính trị gia, Debenedetti dễ dàng thuyết phục được các độc giả "lười nhác". Trong số các tài khoản giả nổi tiếng của Debenedetti, có thể kể tới tài khoản mang tên Sergueï Choïgou, Bộ trưởng Quốc phòng Nga; thậm chí mang tên Tổng thống Nga Vladimir Poutine hay nhân vật bị "săn đuổi" Edward Snowden; Thủ tướng Thụy Điển hay Thủ tướng Đan Mạch ...

Điều đáng ngạc nhiên là có tới không dưới 20 tờ báo uy tín và hãng thông tấn được cho là đã từng cử biên tập viên theo dõi "nhất cử, nhất động" thông tin có trên các tài khoản giả của Debenedetti; trong đó có cả các tên tuổi gạo cội như AFP, BBC, Bloomberg, Daily Telegraph, Wall Street Journal ... (như đối với tài khoản của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Shoigou).

Tháng 8/2012, với tài khoản Twitter mang danh tính của Bộ trưởng Nội vụ Nga Vladimir Kolokoltsev, Debenedetti đã tung một dòng tin ngắn nhưng làm chấn động thế giới về cái chết của Tổng thống Syria Bachar al-Assad và phu nhân. Chỉ vài phút sau đó, trang mạng Zero Hedge đã đăng lại tin này và hệ quả là giá dầu thô trên thị trường thế giới đã lập tức tăng mạnh trên các sàn giao dịch.

Nói về thực tế này, Debenedetti cho rằng đây là vấn đề mang tính hệ thống của guồng máy thông tin. Trong khi các báo hay hãng tin lớn như AP, Reuters, về lý thuyết có khả năng phối kiểm thông tin thì những blogers, các tờ báo nhỏ lại không có khả năng này và thường chấp nhận đưa lại những "tin đồn" hoặc "tin giả" không rõ nguồn một cách gần như tự động. Và đây chính là "chìa khóa thành công" của "Vua nói khoác" Debenedetti.

Tuy nhiên, về mặt khách quan thì quy trình thẩm tra của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Twitter không phải không có sai sót. Nếu người đọc có kinh nghiệm thường dựa vào số lượng người theo dõi trang hoặc chứng nhận của nhà cung cấp dịch vụ để đánh giá thông tin thì cũng nên biết rằng tài khoản giả của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergueï Choïgou do Debenedetti lập nên đã từng có trên 1000 người theo dõi; gồm những cá nhân, tổ chức rất có uy tín.

Cũng trong năm 2012, tài khoản Twitter giả mang tên Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã có được chứng nhận từ Twitter trong vòng 2 tiếng; đây cũng là điều Debenedetti đã từng có với trang Twitter giả mang tên Thủ tướng Italy Mario Monti hay Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Hơn nữa, Debenedetti lại rất khéo léo tung thông tin giả qua hệ thống hàng loạt các tài khoản mạo danh kết nối với nhau, được đan xen cả với những nội dung đã từng được đăng tải trước đây; điều này khiến cả những người có kinh nghiệm phối kiểm thông tin cũng sẽ dễ bị đánh lừa về độ tin cậy và tính chính xác của thông tin. Và đa số người đọc, không ai nghĩ rằng sau hệ thống lắt léo đó, chỉ có một mình Tommasso Debenedetti "giật dây."

Điểm sáng duy nhất trong "sự nghiệp" của Debenedetti là đã lập một tài khoản Twitter ở ngôi trường nơi mình làm việc để đăng những thông tin chính xác, rõ nguồn. Nếu bỏ qua những hệ quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, đạo đức nghề báo thì Debenedetti ít nhất cũng làm được một điều tích cực, đó là chỉ rõ những cái "bẫy thông tin" trong thời đại của số hóa và mạng xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục