Những công nghệ tiên tiến trên xe hơi Nissan

Xe hơi trong thế kỷ mới không chỉ là “chiếc hộp sắt” di động mà đã trở thành “cỗ máy thông minh” với những công nghệ hiện đại.
Xe hơi trong thế kỷ mới không đơn thuần là “chiếc hộp sắt” di động mà đã trở thành “cỗ máy thông minh” đích thực.

Điều khẳng định này đã được chứng thực với sự hiện diện của các công nghệ hiện đại trên những chiếc ôtô. Những sản phẩm của Nissan là một ví dụ.

Công nghệ hỗ trợ kiểm soát khoảng cách (DCA)

DCA là chữ viết tắt từ cụm từ Distance Control Assist. Nissan đã phát triển công nghệ này nhằm tạo “sự chủ động” cho những chiếc xe hơi trong kiểm soát khoảng cách với những xe khác trên đường, đảm bảo sự an toàn cho xe và những người ngồi bên trong.

DCA hoạt động theo quy trình sau, bộ cảm biến rada lắp trước mũi xe xác định tốc độ cả những xe chạy xung quanh, phân tích và truyền thông tin đến bộ xử lý lắp trên xe. Những thông tin có được sau xử lý sẽ được chuyển đến màn hình trên bảng điều khiển để người lái xe dễ quan sát và đưa ra quyết định sẽ đi xe với tốc độ nào.

Nếu cảm biến rada xác định khoảng cách giữa xe này và xe phía trước không đảm bảo an toàn nếu người lái tăng tốc độ, bộ xử lý tự động của xe sẽ “phát lệnh điều khiển” kích hoạt hệ thống phanh cho đến lúc xe có khoảng cách an toàn với xe trước.

Thậm chí, ngay cả khi người lái cố tình nhấn ga trong trường hợp này, hệ thống sẽ điều khiển chân ga đẩy ngược trở lại, không cho xe tăng tốc và cảnh báo tài xế. Đồng thời, những mệnh lệnh và tín hiệu cảnh báo âm thanh cũng được phát ra, nhắc nhở người lái nhấn phanh.

Công nghệ cảnh báo tránh đi trệch làn đường (LDWS)

Lane Departure Warning System được Nissan lắp trên những chiếc xe hơi của mình nhằm giúp lái xe giảm bớt những tai nạn do chuyển động chệch hướng bất thường khi chạy xe.

Đây là sản phẩm của hãng Valeo (Pháp) cộng tác với công ty tin học Iteris Inc (Mỹ) mang tên AutoVue, chế tạo riêng cho Nissan.

AutoVue là một hệ thống bao gồm một camera trước xe, nối với bộ vi xử lý lắp trong xe. Camera có nhiệm vụ theo dõi các làn đường cách mũi xe 25m rồi chuyển thông tin đến bộ xử lý trung tâm (đã được lập trình để xác định sự khác biệt giữa vạch phân làn và mặt đường).

Tại đây, các dữ liệu được phân tích rồi so sánh với vận tốc xe. Bằng phần mềm nhận biết hình ảnh và thuật toán riêng, bộ xử lý trung tâm sẽ “đoán” được xe có ‘bất ngờ” đi chệch khỏi làn đường hay không. Nếu có, tín hiệu âm thanh cảnh báo sẽ được phát ra với cường độ và tín hiệu đảm bảo lái xe có thể nhận biết được.

Hệ thống kiểm soát hành trình thông minh

Trên những chiếc xe Nissan có trang bị hệ thống này, người lái có thể đặt trước tốc độ xe chạy mà không cần phải nhấn ga. Một cảm biến rada lắp ở mũi xe sẽ có nhiệm vụ quan sát và phan tích những “vật cản” trước xe.

Nếu có nguy hiểm, hệ thống sẽ “kiểm soát giới hạn” và chuyển sang chế độ xe tự động vận hành theo “mệnh lệnh” của hệ thống, đảm bảo tốc độ an toàn cho xe và người ngồi bên trong. Khi nguy hiểm qua đi, chiếc xe lại chạy với “tốc độ tự động” đã được cài đặt trước đó.

Hệ thống an toàn Chống va chạm bên hông và Chống va chạm từ phía sau

Cùng với DCA và LDP, công nghệ Chống va chạm bên hông (SCP-Side Collision Prevention) và Chống va chạm từ phía sau (BCP-Back up Collision Prevention) lập nên Lá chắn an toàn cho những chiếc Nissan, giúp bảo vệ xe và người ngồi trong khỏi những nguy hiểm có thể đến từ nhiều phía.

Hệ thống chống va chạm bên hông gồm những cảm biến gắn trước và hai bên thân xe nối với bộ điều khiển trung tâm.

Khi lái xe thay đổi làn đường hoặc hướng chuyển động của xe, bộ cảm biến sẽ đưa ra cảnh báo nếu có xe khác hoặc vật cản xuất hiện tại làn đường hoặc hướng định chuyển và kích hoạt hệ thống phanh độc lập trên các bánh xe, giúp người lái có những quyết định thay đổi kịp thời, tránh tai nạn.

Cơ chế hoạt động của hệ thống chống va chạm phía sau cũng hoạt động tương tự. Bộ cảm biến lắp phía sau và bên hông xe sẽ “phát hiện” ra những vật thể trong làn đường xe đang chạy. Hệ thống phanh độc lập sẽ được kích hoạt và tín hiệu cảnh báo đồng thời được đưa ra cho lái xe.

Nissan được coi là một trong những nhà sản xuất xe hơi luôn đi đầu trong việc áp dụng những công nghệ mới nhất vào việc sản xuất những sản phẩm của mình. Xe chạy hydrogen được Nissan đưa ra thực tế vào năm 1996. Hãng cũng đã nghiên cứu về công nghệ hybrid-xe chạy xăng/điện và có sản phẩm xe Altima hybrid đầu tiên vào năm 2004.

Tại Việt Nam, thương hiệu xe Nissan hiện đang dần trở nên phổ biến hơn với sự xuất hiện của những chiếc xe tải nhỏ, xe Tida hatchback và xe SUV X-Trail nhập khẩu.

Nissan đang nỗ lực cho mục tiêu xuất xưởng những chiếc xe đầu tiên được lắp ráp tại Việt Nam vào năm 2010, với tiêu chí “đủ sức hấp dẫn những doanh nhân thành đạt”./.

Tùng Lâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục