Những đại dịch cúm từng tàn phá thế giới

Ngày 11/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng cảnh báo về dịch cúm A/H1N1 từ mức độ 5 (cảnh báo đại dịch) lên mức độ 6 (đại dịch), mức cao nhất trong thang cảnh báo về sức khỏe cộng đồng. Qua đó lần đầu tiên kể từ 41 năm qua, thế giới lại chứng kiến có một đại dịch.

Ngày 11/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng cảnh báo về dịch cúm A/H1N1 từ mức độ 5 (cảnh báo đại dịch) lên mức độ 6 (đại dịch), mức cao nhất trong thang cảnh báo về sức khỏe cộng đồng. Qua đó lần đầu tiên kể từ 41 năm qua, thế giới lại chứng kiến có một đại dịch.

Đại dịch (pandemie) là một dịch (epidemie) có quy mô lớn, lây lan tới nhiều nước thuộc nhiều khu vực trên thế giới. Theo thống kê của WHO, kể từ thế kỷ 16 đến nay thế giới đã phải chịu 30 lần đại dịch cúm; trong thế kỷ 20 có 3 lần vào các năm 1918, 1957 và 1968. Như vậy trung bình cứ gần 30 năm lại xảy ra một đại dịch cúm. Giờ đây khoảng cách đó đã tăng lên thành 41 năm.

Cho dù tính tới ngày 12/6/2009, thế giới mới ghi nhận khoảng 30.000 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (trong đó Việt Nam có 23 trường hợp) và 144 người tử vong vì dịch, một con số chưa phải là cao, nhưng WHO vẫn phải tuyên bố đây là đại dịch vì mức độ lây lan rất nhanh chóng của nó.

Hiện cúm A/H1N1 đã xuất hiện ở 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này đòi hỏi phải nâng mức cảnh báo lên mức cao nhất để cộng đồng quốc tế cũng như tất cả các nước phải kịp thời có những biện pháp cương quyết nhằm ngăn chặn sự lây lan này.

Tuy nhiên đại dịch cúm A/H1N1 vẫn được đánh giá là "khá hiền lành" chứ không kinh khủng như các đại dịch cúm trong quá khứ, chẳng hạn như 3 lần đại dịch cúm trong thế kỷ 20:

Đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918


Dịch cúm diễn ra năm 1918-1919, còn được biết tới với tên cúm Tây Ban Nha, là đại dịch cúm lan rộng gần như ra toàn cầu. Nó được gây ra bởi một chủng cúm A/H1N1 ác tính. Các dữ liệu lịch sử và y học không thể xác định nguồn gốc địa lý của virus.

Đại dịch này hoành hành ở châu Âu, châu Mỹ và lan nhanh sang châu Phi, tới tận Bắc cực và các đảo Thái Bình Dương. Khoảng 500 triệu người, tức 1/3 dân số thế giới khi đó nhiễm bệnh với số người chết ước tính ít nhất 50 triệu người, trong đó riêng ở Tây Ban Nha là 8 triệu người.

Năm 2005, các nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ đã khai quật thi thể của một người chết vì virus cúm Tây Ban Nha và qua nghiên cứu, họ phát hiện ra virus này hầu như chắc chắn có nguồn gốc từ gia cầm và có chung các đột biến gen với dòng virus cúm gia cầm H5N1 hoành hành tại các nước châu Á hồi đó.

Cúm Tây Ban Nha cho tới nay vẫn được coi là đại dịch nghiêm trọng nhất lịch sử loài người, thậm chí còn được cho là đại dịch kinh hoàng nhất trong các loại bệnh dịch.

Đại dịch cúm châu Á 1957


Sau đại dịch 1918, dịch cúm trở lại “hiền lành” cho tới tận đầu những năm 1950. Năm 1957, thế giới bắt đầu tiến hành theo dõi hoạt động của căn bệnh cúm. Dù các phương tiện phục vụ cho việc này chưa được hiện đại như ngày nay, người ta sớm phát hiện thấy một dấu hiệu bùng dịch xuất hiện ở khu vực châu Á.

Virus được nhanh chóng xác nhận là chủng cúm A, tuy nhiên là mẫu bệnh mà người ta chưa từng thấy ở con người. Virus này được gọi là cúm A/H2N2. Phần lớn bệnh nhân mắc virus này đều bị viêm phổi và tim nặng. Dịch cúm châu Á kéo dài cho tới tận năm 1958. Sau này người ta đã xác định được thể virus này là một sự biến đổi của virus cúm vịt kết hợp với một loại virus người.

Virus được xác định đã bắt nguồn từ Quý Châu, Trung Quốc, lan sang Singapore vào tháng 2/1957, chạm tới Hongkong vào tháng 4 và Mỹ vào tháng 6. Có 69.800 người Mỹ thiệt mạng trong khi con số người chết toàn cầu dao động từ 1 triệu – 4 triệu người. Người ta đã chế tạo thành công một loại vaccine để kiềm chế căn bệnh này.

Dịch cúm châu Á lần đầu tiên cung cấp cơ hội cho giới khoa học nghiên cứu hoạt động lây nhiễm tiền dịch bệnh chuyển thành dịch ra sao. Cúm châu Á biến mất sau 11 năm xuất hiện và biến đổi thành cúm Hongkong vào năm 1968.

Đại dịch cúm Hongkong 1968


Dịch cúm Hongkong được xác nhận là dịch cấp độ 2, gây ra bởi mẫu virus cúm A/H3N2, chính là hậu duệ của cúm châu Á H2N2.

Thông tin đầu tiên về trận dịch là một vụ bùng dịch nhỏ ở Hongkong xuất hiện vào ngày 13/7/1968, trong một khu vực có khoảng 500 người sống rất gần nhau. Hai tuần sau, dịch bệnh bùng nổ mạnh và kéo dài khoảng 6 tuần. Tháng 7/1968, dịch xuất hiện ở Việt Nam và Singapore. Tới tháng 9/1968, nó đã lan tới Ấn Độ, Philippines, bắc Australia và châu Âu.

Cùng tháng đó, virus đã vươn tới California từ những người lính trở về sau chiến tranh Việt Nam. Virus vươn tới Nhật Bản, châu Phi và Nam Mỹ vào năm 1969. Tổng cộng trong hai năm 1968–1969, trận dịch đã giết hại khoảng 1 triệu người trên toàn cầu trước khi nó biến mất./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục