Tôi nhớ như in ngày 26/7, chuyến xe ôtô đưa 10 người của Bệnh viện Bạch Mai vào Đà Nẵng để nắm bắt tình hình. Ai cũng hiểu rằng đây là giai đoạn “nước sôi lửa bỏng,” bởi sau 99 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, thì việc dịch bệnh bùng phát ở ngay thành phố du lịch miền Trung là một “cú sốc” khá mạnh.
Chúng tôi ngay lập tức xác định “trận chiến COVID-19” tại Đà Nẵng là một cuộc thần tốc về truy vết và một cuộc thử lửa về công tác hồi sức cho các bệnh nhân. Cơ sở vật chất tại những bệnh viện khi đó được lựa chọn làm cơ sở dã chiến điều trị bệnh COVID-19 tuềnh toàng, khan hiếm thiết bị hiện đại… Mệnh lệnh được đưa ra: Khẩn trương thiết lập bệnh viện dã chiến nhanh nhất có thể, thiết bị y tế từ Thành phố Hồ Chí Minh được vận chuyển khẩn cấp vào Đà Nẵng… Đó thực sự là một cuộc tổng huy động nhân viên ngành y tế ứng cứu cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Thạc sỹ - bác sỹ Phạm Thế Thạch (sinh năm 1982), Phó Trưởng Khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), một người đảng viên đã nhiều năm “chinh chiến” trong những tình huống khẩn cấp, nhớ lại những ngày anh cùng nhóm chuyên gia đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai đi biệt phái về Đà Nẵng chống dịch COVID-19.
Đội công tác tinh nhuệ chưa từng có
Theo lời kể của bác sỹ Thạch, trên chuyến xe ôtô đưa 10 chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai vào Đà Nẵng, tâm trạng ai cũng có chút lo âu, căng thẳng bởi biết đích đến phía trước là một vùng dịch không hề dễ dàng đối phó.
“Khi đó, thông tin chúng tôi nhận được là Đà Nẵng được xác định là một ổ dịch lớn, đã tiểm ẩn khá lâu và đầy rẫy nguy cơ lây lan,” vị bác sĩ đầy kinh nghiệm chia sẻ.
Tuy nhiên, với tinh thần của một người Đảng viên và bản lĩnh của một bác sỹ hồi sức tích cực đã hơn 10 năm đứng trong hàng ngũ những người thầy thuốc, nơi ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết luôn hiện hữu, những khó khăn đó dần được bác sỹ Thạch cùng những người đồng nghiệp gác lại một bên để đặt nhiệm vụ cứu chữa cho những người bệnh nơi tâm dịch COVID-19 tại miền Trung đang rất khốc liệt lên hàng đầu…
Từ thông tin ca bệnh 416 ở Bệnh viện C và ca bệnh trước đó ở Trung tâm tim mạch của Bệnh viện Đa khoa, dịch COVID-19 tại Đà Nẵng được Bộ Y tế nhận định có tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Để ứng phó một cách nhanh nhất, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế đã lên các kế hoạch khẩn cấp để phòng chống dịch, đặc biệt là việc thiết lập một lực lượng đội ngũ y bác sỹ chi viện cho “chiến trường” Đà Nẵng.
Có thể nói, Bộ Y tế đã huy động một lực lượng lớn y bác sỹ chưa từng có trong tiền lệ vào tiếp sức, chia lửa với Đà Nẵng.
Trước tình thế nguy nan tại Đà Nẵng, hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều “chiến sỹ áo trắng” đã không ngại hiểm nguy, gian khổ tình nguyện vào “tiếp sức” cho Đà Nẵng ứng phó tốt hơn với dịch COVID-19.
Bất chấp những hiểm nguy rình rập, những ngày sau đó, rất nhiều “chiến sĩ áo trắng” đến từ nhiều nơi như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Hải Phòng, Bình Định… tiếp tục được chi viện cho miền Trung trong cuộc chiến dài hơi chống lại bệnh dịch.
Trong trận chiến này, riêng Bệnh viện Bạch Mai có tổng cộng 52 nhân viên y tế đã vào ứng cứu cho Đà Nẵng.
Có thể nói, chính đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế là những người lính xung kích trên mặt trận phòng-chống dịch bệnh, góp phần quan trọng tạo nên những kết quả khả quan mà nhiều quốc gia phát triển có nền y tế hiện đại cũng chưa đạt được.
Các êkip y bác sỹ hồi sức tích cực giỏi từ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy được cấp uỷ chỉ đạo đến với Đà Nẵng ngay từ những ngày đầu để trợ giúp các đồng nghiệp cấp cứu các ca bệnh nặng. Và liên tiếp những ngày sau đó là các đội công tác tinh nhuệ của ngành y tế bao gồm hàng trăm y bác sỹ từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khác cũng lập tức lên đường vào chi viện cho “khúc ruột” miền Trung ruột thịt.
Theo bác sỹ Thạch, ngày 26/7, giáo sư Nguyễn Quang Tuấn-Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã ký quyết định cử đoàn cán bộ tham gia Phòng, chống dịch COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng gồm 11 người. Trưởng đoàn là Bí thư Đảng ủy Nguyễn Quang Tuấn và các thành viên là lãnh đạo các khoa, phòng ban, trong đó có bác sỹ Thạch. Đoàn công tác bắt đầu làm việc tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 27/7/2020 để kịp thời lên phác đồ điều trị ngay sau khi phát hiện những trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 ở thành phố Đà Nẵng.
“Chúng tôi cảm thấy có chút lo ngại vào những thời điểm đầu tiên. Tuy nhiên, ngay sau đó, ai cũng xác định tinh thần phải vững vàng để cùng đối phó với dịch bệnh, dù không biết con đường phía trước gian khổ tới mức nào,” bác sỹ Thạch bồi hồi nhớ lại.
Cùng với đó, nhiều tỉnh thành đã cử đội ngũ y bác sỹ đến tiếp sức cho Đà Nẵng như tỉnh Bình Định cử 30 cán bộ y, bác sỹ và Thừa Thiên-Huế đã cử 40 cán bộ. Đoàn cán bộ y tế của tỉnh Hải Phòng gồm 33 người,16 cán bộ y tế đoàn Nghệ An, 38 bác sỹ-điều dưỡng của Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã xung phong, tình nguyện vào Quảng Nam để chia lửa cùng đồng nghiệp.
Chiến dịch mùa Hè: Những điểm khốc liệt
Cho đến bây giờ, khi mọi chuyện đã qua êm ả, nhìn lại hầu hết mọi người đều rất tự hào là nhiều người ngay khi nhận được quyết định lên đường thì chưa chuẩn bị sẵn tư trang, nhưng ai ai cũng đều giữ trong mình một tâm thế “xung kích” của người đảng viên, hướng về mặt trận Đà Nẵng với một tinh thần quyết tâm chống dịch rất cao.
“Khi vào đến đây, chúng tôi tức tốc bắt tay ngay vào công việc, cùng với bệnh viện, Sở Y tế Đà Nẵng và Bộ Y tế lên các kế hoạch để thực hiện phong tỏa Bệnh viện Đà Nẵng, Viện C, Chấn thương Chỉnh hình và Phục hồi chức năng của Đà Nẵng. Cùng với đó là xây dựng những ‘căn cứ địa’ cho ngành y tế Đà Nẵng điều trị bệnh COVID-19 ở Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, đặc biệt là thiết lập những cơ sở điều trị phù hợp cho các bệnh nhân nặng,” bác sĩ Thạch cho hay.
Điểm khốc liệt khi dịch xảy ra tại Đà Nẵng là COVID-19 đã tấn công vào bệnh viện, với việc điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân nặng trong thời gian ngắn, nhiều nhân viên y tế cũng mắc bệnh. Các ca tử vong xuất hiện liên tiếp do hầu hết đều đang có bệnh nền nặng như suy thận, lọc máu, kèm thêm các nhiễm trùng bệnh viện…
Công tác giải tỏa được triển khai quyết liệt, ban đầu tại Bệnh viện Đà Nẵng ngày 27-28/7 có gần 4.000 người, sau giải tỏa dần bệnh nhân đến ngày 3/8 chỉ còn 1.900 người và 1 tuần tiếp sau đó giải phóng nốt gần 2.000 người còn lại.
Trong đợt dịch tại Đà Nẵng, một tổn thất lớn ngay khi bắt đầu trận chiến là có 1.200 nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng phải chuyển sang các bệnh viện khác để cách ly; trong đó nhiều người lính áo trắng thuộc diện F1 phải cách ly hoàn toàn.
Cũng theo bác sỹ Thạch, song song với việc khẩn trương thiết lập các cơ sở y tế dã chiến, đoàn đã đi khảo sát các bệnh viện ở Đà Nẵng từ công đến tư nhằm đánh giá mỗi cơ sở có thể chứa được bao nhiêu bệnh nhân để giải phóng từ Bệnh viện C Đà Nẵng ra.
Một thực tế đáng lo ngại là mặc dù Trung tâm Y tế Hòa Vang có thể kê giường điều trị cho 200 bệnh nhân, nhưng phòng hồi sức thì chỉ có thể điều trị được 20 bệnh nhân. Chưa kể, trang thiết bị vô cùng thiếu thốn, chỉ có phòng, tường nhưng không có vách ngăn, không có hệ thống oxy trung tâm để cho các bệnh nhân thở oxy hay thở máy, hệ thống camera theo dõi bệnh nhân tại các giường bệnh nặng… Thế nhưng, nhờ tinh thần bắt tay ngay vào việc mà chỉ trong vòng vài ngày, cùng với sự hỗ trợ của lực lượng tại chỗ, đoàn đã thiết lập được một hệ thống từ hồi sức đến chạy thận nhân tạo. Chỉ trong vòng 1 tuần, đến ngày 4/8, Trung tâm Y tế Hòa Vang đã cải tạo xong cơ sở vật chất để tiếp nhận ca bệnh dương tính sang điều trị.
Chuyến xe “bão táp” vượt đèo Hải Vân
Nhớ lại những đêm căng thẳng trên xe cấp cứu chở các bệnh nhân vượt đèo Hải Vân tới Huế, bác sỹ Thạch tâm sự: “Đó là những thời khắc dường như khó khăn lên đến đỉnh điểm khi tôi và những người đồng nghiệp phải vận chuyển bệnh nhân nặng.”
Những chuyến xe đêm bắt đầu từ 10 giờ đêm, qua 2,5 giờ vượt đèo, lao nhanh trong đêm, giữa rừng núi, vượt hầm trong khi các y bác sỹ căng mình để giữ an toàn cho các bệnh nhân COVID-19. Khi chuyển bệnh nhân tới Bệnh viện Trung ương Huế là đoàn y bác sỹ lại ngay tức khắc quay ra Đà Nẵng trong đêm.
“Lúc đó, trên những chuyến xe cấp cứu, tôi phụ trách việc chăm sóc cho các bệnh nhân vượt đèo Hải Vân đi tới Bệnh viện Trung ương Huế với rất nhiều áp lực. Gần một tuần, dường như đêm nào cũng phải di chuyển. Thế nhưng sự vất vả, quãng đường dài không làm nao lòng đội ngũ y bác sỹ. Điều đáng buồn nhất là có bệnh nhân COVID-19 vì có thêm bệnh nền rất nặng nên khi tới Huế đã tử vong sau đó, khiến ai cũng lặng người, trùng xuống, với nỗi đau buốt tận tim khi không thể nào giữ lại được sinh mạng cho họ,” bác sỹ Thạch trải lòng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - người trực tiếp chỉ huy chống dịch tại Đà Nẵng nhận định: “Nơi tâm dịch Đà Nẵng với các y bác sỹ có rất nhiều áp lực. Chúng tôi thường thực hiện buổi trao đổi giữa các tổ nhóm ở các bệnh viện vào buổi tối. Sáng hôm sau, bộ phận thường trực đặc biệt, đặc biệt là 2 nhóm: Điều trị và dịch tễ.”
Khó khăn càng tăng thêm gấp bội khi có những bệnh nhân trong tình trạng nặng tử vong ngay từ chỗ tiếp nhận của Bệnh viện Trung ương Huế. Lúc đó, những chuyến xe cấp cứu vượt đèo Hải Vân đi Bệnh viện Trung ương Huế chịu rất nhiều áp lực. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cũng như Bộ Y tế đưa ra quyết định chỉ có Bệnh viện Trung ương Huế là đủ các điều kiện để tiếp nhận những bệnh nhân của Đà Nẵng chuyển ra.
Sức mạnh tinh thần và ý chí chiến đấu vô hình
Gác lại mọi nỗi bộn bề phía sau, nhìn lại cuộc chiến tại Đà Nẵng khi ấy, bác sỹ Thạch cười, có những sức mạnh tinh thần và ý chí chiến đấu vô hình khiến đội ngũ y bác sỹ cứ thế gác lại hết khó khăn, lao vào cuộc chiến mà không do dự.
“Đặc biệt, những ngày hè oi bức, nhiệt độ ngoài trời lên tới 40 độ C, nhưng những nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 không được sử dụng điều hòa, mặc trên mình những bộ trang phục bảo hộ kín mít vài lớp từ đầu tới chân suốt nhiều giờ đồng hồ thăm khám, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Mồ hôi túa ra, người lúc nào cũng ướt ròng, trái ngược với thời tiết mùa Đông. Khi anh chị em ra ngoài, cởi những bộ đồ bảo hộ màu trắng ra, những chiếc áo xanh bên xong cũng đầm đìa như vừa mới từ phòng xông hơi ra,” bác sĩ Thạch cho biết.
Vị bác sỹ “đảng viên-áo trắng” tâm sự, vào vùng dịch Đà Nẵng không phải là lần duy nhất anh tham gia “trận chiến” khẩn cấp mà đã có nhiều kinh nghiệm khi trước đó từng tham gia cấp cứu thảm họa vụ sập cầu Chu Va kinh hoàng ở Lai Châu xảy ra vào năm 2014 khiến 8 người chết, 38 người bị thương nặng…
Những năm qua, bác sỹ Thạch đã tham gia cấp cứu, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân cúm A/H1N nặng có biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng, bệnh nhân sốc tim do viêm cơ tim virus biến chứng suy đa tạng, ngừng tuần hoàn, và nhiều bệnh nhân khác; tham gia hội chẩn cấp cứu, điều trị các bệnh nhân nặng của đơn vị khác như tham gia điều trị các chiến sỹ trong vụ rơi máy bay ở Hòa Lạc, Lào Cai.
Bác sỹ Thạch bảo rằng cuộc chiến chống COVID-19, quả thực như một cuộc “đi lính” giữa thời bình. Tuy nhiên, nhiều năm được tham gia đào tạo, cấp cứu trong các đợt cấp cứu thảm họa là những kinh nghiệm xương máu để không chỉ anh mà ngành y tế có thêm sức mạnh hơn. Cũng giống như một cuộc “chiến tranh,” trong dịch bệnh công tác điều phối rất quan trọng. Khâu điều phối tốt sẽ góp phần làm giảm tối đa sự lãng phí về nguồn lực sức người cũng như sức của để nhanh chóng dập tắt dịch.
“Thử hình dung, nếu cuộc chiến với dịch bệnh cứ kéo dài trong 6 tháng, anh em kiệt quệ sẽ không có người tiếp sức, khi đó cuộc chiến đấu sẽ thất bại và hậu quả sẽ rất khó lường,” bác sĩ Thạch chia sẻ.
Thực tế qua nhiều cuộc “chiến đấu” cả ở thời chiến lẫn thời bình đều cho thấy những người đảng viên như bác sỹ Thạch hay lớp lớp thế hệ trẻ nhân viên y tế đều phát huy tinh thần, trách nhiệm với nhiệt huyết vì cộng đồng. Họ không ngại khó, ngại khổ đến những vùng tâm dịch, cùng các cấp chính quyền từng bước đẩy lùi dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân./.