Những đảng viên quên mình cứu người trong lũ dữ

Một đội “đặc nhiệm” gồm 15 cán bộ xã chia nhau trên 5 chiếc thuyền nhỏ, tỏa đi khắp các xóm làng để di dân chuyển và cứu đó.
Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, một đội “đặc nhiệm” làm nhiệm vụ cứu hộ đã được xã Lộc Yên thành lập khẩn cấp khi nước bắt đầu đe dọa xóm làng.

Cùng với 15 thành viên là các cán bộ xã, họ chia nhau trên 5 chiếc thuyền nhỏ, tỏa đi khắp các xóm làng để di dân chuyển và cứu đói được cho hơn 1.200 người và hỗ trợ cho hàng trăm gia đình trên khắp địa bàn xã.
   
Nòng cốt chính là 6 dảng viên liên tục di chuyển bằng thuyền nan trong 3 ngày bất kể mưa gió, sáng hay đêm.

Trong đợt lũ vừa qua, hàng ngàn hecta hoa màu và ruộng vườn của xã bị nước cuốn sạch, đời sống của bà con sau lũ rút trở nên cơ cực.

Hơn ai hết, những người trong đội cứu hộ của xã mới thấm thía được dòng nước chảy siết trong cơn lũ vừa qua như muốn nuốt chửng bất cứ thứ gì cản trở nó. Đối với họ, vượt qua được cơn lũ để cứu và sơ tán người dân là cả một sự thách thức với thủy thần, thậm chí có thể đánh đổi bằng cả mạng sống.

Nhắc tới đội cứu hộ, anh Nguyễn Văn Hưng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lộc Yên là đoàn trưởng của đội chỉ cười hiền và bảo: “Công trạng đó có gì lớn lao đâu, đó cũng chỉ là nghĩa vụ và trách nhiệm của người làm lãnh đạo phải cứu giúp dân khi có lũ.”

Anh Hưng nhớ về trường hợp mà anh và đội cứu hộ phải vất vả đi vào nhà bà Phạm Thị Lý, nằm sát sông Ngàn Sâu, đêm 15/10 nước đã dâng lên mép sân, chỉ sau 1 tiếng nước ào ào đổ về khiến cho bà Lý và người dân trong xã trở tay không kịp. Lúc đó, bà cùng với đứa cháu học lớp 3 cố gắng tìm được chiếc thang rồi leo lên trạn nhà.

Quãng đường từ trụ sở đội cứu hộ đặt tại Ủy ban đến nhà bà cũng chỉ 300m, nhưng nước chảy xiết, mấy anh em trong đội phải luồn lách qua các cành cây và dây điện để có thể bấu víu vào nhằm cho thuyền khỏi chòng chành khi có gió lớn.

Khi tiếp cận được nhà thì công việc khó khăn nữa là đưa hai bà cháu lên thuyền bởi bà già và yếu, cháu lại nhỏ. Dòng nước liên tục xô thuyền ra xa, mấy lần anh Hưng cho thuyền neo sát mái nhà nhưng vẫn bị đánh rạt khỏi.

Do ngâm mình lâu trong mưa nên người anh tím tái, mắt đỏ ngầu nhưng tiếng kêu cứu cứ thúc giục anh phải tiếp tục đứng lên và cứu hai bà cháu, anh và người chèo thuyền phải đưa mái chèo ngược chiều nhau để cho thuyền chỉ xoay vòng tròn rồi anh mới tiến gần mái nhà đưa bà và cháu xuống.

Đưa được bà Lý về nơi cao hơn, anh lại tiếp tục hành trình của mình đến các gia đình khác trong xã.

Chiếc thuyền gỗ của đội cứu hộ tiếp tục nhận được cuộc gọi từ tít tận cuối làng. Đến nơi cuộc gọi phát ra, đoàn cứu hộ xã Lộc Yên thấy trên nóc nhà cả người, cả hươu đang đứng co ro với nhau. Ở xã miền núi xa xôi này, con hươu là cả một gia tài lớn với người dân. Nghĩ thế, đoàn cứu hộ đưa cả người, cả vật nuôi xuống thuyền.

Đi được một quãng, người ướt sũng nước, bỗng con nước trở mình. Sóng dựng đứng, xoáy thẳng vào lòng thuyền. Không kịp trở tay, tất cả những người có mặt trên đó đều bị quăng ra xa vài mét, chiếc thuyền chìm nghỉm theo dòng nước

“Mấy anh em cố sống cố chết bám vào những cành cây vươn ra, đồ đạc, hươu nai lúc ấy đều bị cuốn hết,” Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Hưng nhớ lại.

Rất may, lúc đó, hai bố con Đảng viên Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Văn Thắng, thôn Phúc Thọ hay tin. Ông Hoàng vẫn nhớ như in lần ông và đứa con trai vác thuyền nan chèo ra giữa dòng chảy nước chảy siết. Dù đã được anh Hưng điện về đừng ra cứu mà hãy đợi cứu hộ, nhưng ông Hoàng vẫn quyết định đi mặc dù người vợ can ngăn.

“Có chết tôi cũng phải đi cứu anh Hưng,” ông Hoàng quả quyết.

Thấy vậy, đứa con trai lớn làm Bí thư chi đoàn thôn không thể để bố đi một mình nên lại vác chèo đi cùng trợ giúp.

Anh Thắng vẫn nhớ như in thời khắc khi gió táp vào mặt lạnh buốt, hai tay giữ thật chặt vào hai chiếc mái chèo, đẩy thuyền tiến về phía trước.

Sức người vừa đưa được con thuyền gỗ tròng trành nhô lên mấy mét thì đã bị sóng đánh dạt lại. Con thuyền gỗ nhỏ của  lắc lư dữ dội, như chỉ trực lập ụp xuống dòng nước tham lam đang ngầu bọt.

Chẳng kịp suy nghĩ, hai bố con, người chống xào neo thuyền, người cố vươn tay về phía trước rồi kéo từng người lên.

Khi về đến nhà cũng là lúc trời hửng sáng.

Ngày hôm sau, lũ bắt đầu không lên nữa, anh và các đồng chí trong đội cứu hộ lại mang hàng cứu trợ mì tôm và nước đến phân phát cho từng hộ dân./.

Bách Hùng Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục