Những dấu hiệu nhận biết trẻ có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng

Trẻ em bị suy dinh dưỡng có thể thấp bé so với tuổi, thể trạng yếu ớt, bơ phờ, miễn dịch suy giảm, tóc mỏng và yếu, khớp đau nhức, xương mềm, quáng gà, nhạy cảm với ánh sáng chói...
Những dấu hiệu nhận biết trẻ có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng ảnh 1Kiểm tra tư vấn dinh dưỡng trẻ em cho đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều tại huyện Lệ Thủy. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Việt Nam là một trong 20 quốc gia trên thế giới có số lượng trẻ thấp còi cao nhất, cứ 4 trẻ thì có một bé bị thấp còi do thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này. Trẻ từ 1 đến 5 tuổi có tình trạng dinh dưỡng được đánh giá ở ngưỡng -2SD trở lên (đơn vị đo tình trạng dinh dưỡng bình thường) nhưng gặp phải những trở ngại tăng trưởng vẫn có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng.

Bên lề hội nghị "Để trẻ tăng trưởng khỏe mạnh - Giải pháp khoa học cho những trở ngại về tăng trưởng ở trẻ nhỏ," do Hiệp hội Nhi khoa Việt Nam và Abbott phối hợp tổ chức mới đây, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, về vấn đề phát hiện trẻ có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng.


- PV: Thưa giáo sư, những nguyên nhân gì dẫn đến việc tăng trưởng không khỏe mạnh ở trẻ? Những dấu hiệu nào cho thấy sự tăng trưởng không khỏe mạnh?

Giáo sư Nguyễn Công Khanh: Các trở ngại tăng trưởng ở trẻ nhỏ bao gồm cân nặng và chiều cao tăng không ổn định hoặc dao động, khả năng miễn dịch thấp, số ngày bệnh hoặc nằm viện kéo dài. Các trở ngại tăng trưởng này tác động ngắn hạn và dài hạn đến sự phát triển khỏe mạnh của trẻ em, đòi hỏi bố mẹ phải có biện pháp can thiệp sớm một cách hiệu quả.

Có nhiều nguyên nhân gây thiếu hụt dinh dưỡng, trong đó có chế độ ăn uống không đầy đủ do cho trẻ ăn chưa đúng cách, tình trạng kinh tế xã hội thấp và môi trường gia đình không lành mạnh. Thiếu dinh dưỡng khiến sự phát triển não bộ của trẻ trong những năm đầu đời chịu ảnh hưởng.

Trẻ em thiếu dinh dưỡng không chỉ bị ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trẻ thấp bé khi trưởng thành, mà còn ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch, kết quả học tập, năng suất, khả năng ghi nhớ và dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường và bệnh tim.

- PV: Giáo sư có thể nêu cụ thể những đấu hiệu của sự tăng trưởng không khỏe mạnh:

Giáo sư Nguyễn Công Khanh: Thứ nhất, trẻ em bị suy dinh dưỡng có thể thấp bé so với tuổi, thể trạng yếu ớt, bơ phờ, miễn dịch suy giảm. Thứ hai là rối loạn dinh dưỡng còn có thể ảnh hưởng các hệ thống khác trong cơ thể và các giác quan như thị giác, vị giác, và khứu giác. Ba là bên cạnh đó, còn gây ra tâm trạng lo lắng, thay đổi tâm trạng liên tục, và các triệu chứng tâm thần khác. Cuối cùng là các bậc cha mẹ nên theo dõi sự thay đổi sắc da của con trẻ để phát hiện sự nhợt nhạt, dày, và khô, dễ bị bầm tím, phát ban, thay đổi sắc tố da, tóc mỏng và yếu, khớp đau nhức, xương mềm, nướu dễ chảy máu, lưỡi có thể sưng hoặc teo lại và nứt, quáng gà, nhạy cảm với ánh sáng chói.

- PV: Những yếu tố nào ảnh hưởng tăng trưởng khỏe mạnh ở trẻ?

Giáo sư Nguyễn Công Khanh: Có bốn yếu tố thiết yếu của sự tăng trưởng khỏe mạnh (chiều dài/chiều cao theo tuổi), dinh dưỡng cân đối và đầy đủ bao gồm các vi chất thiết yếu, hệ tiêu hóa khỏe mạnh, khả năng miễn dịch cao và kháng nhiễm trùng.

Thiếu và thừa dinh dưỡng đều có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, nhưng chất lượng bữa ăn là yếu tố quyết định tăng trưởng khỏe mạnh của trẻ. Thiếu dinh dưỡng và suy dinh dưỡng đều gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên sự phát triển não bộ, do đó đòi hỏi bố mẹ phải can thiệp sớm để khắc phục tình trạng thiếu dinh dưỡng trong những năm đầu đời của trẻ.

Xin chân thành cám ơn giáo sư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục