Những địa điểm lý tưởng cho bé chơi Trung thu

Ở Hà Nội, các sân khấu ca nhạc, công viên văn hóa… đang rộn ràng chuẩn bị các hoạt động vui chơi để trẻ em có đêm Trung thu ý nghĩa.
Vào dịp Trung thu 2010 này, nhiều phụ huynh đang bối rối không biết "làm gì" để con có đêm Trung thu ấn tượng. Phóng viên Vietnam+ xin đưa ra một số không gian và chương trình khác nhau để các bậc cha mẹ ở Hà Nội có thể có quyết định phù hợp.

Một sân khấu rực rỡ cho dịp Trung thu


Đó là sân khấu thú vị, quen thuộc với tuổi thơ qua chương trình vui Trung thu có tên "Ông trăng ơi xuống đây chơi." Đây là chương trình ca múa nhạc tạp kỹ dành cho các em thiếu nhi nhân dịp Tết Trung Thu của Nhà hát Tuổi Trẻ. Vui trong chương trình các bé sẽ được xem các hoạt cảnh vui nhộn, nghe hát liên khúc rộn ràng cùng các nghệ sĩ  trong Nhà hát.

Chương trình biểu diễn sẽ diễn ra tại Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) suốt dịp Trung thu 2010. Giá vé suất diễn ban ngày là 40.000 đồng/vé và suất diễn tối là 50.000 đồng/vé

Chương trình có tiết mục mở màn rộn ràng với “Múa lân rước đèn”  do nghệ sĩ toàn đoàn cùng múa hát. Sau đó là những hoạt cảnh ca hát rộn ràng, sôi động như "Vầng trăng cổ tích," "Gọi trăng là gì," "Những ước mơ".... Đặc biệt, các bé sẽ được tham gia biểu diễn với các nghệ sỹ và thỏa thích vui cười trong các tiết mục ngộ nghĩnh như gà trống, hai chú sóc con, chim vành khuyên, chú Cuội.

Công viên Hồ Tây với không gian mở trông trăng

Tại Công viên Hồ Tây, Hà Nội, chương trình "Cùng bé bày cỗ trông trăng" sẽ diễn ra từ ngày 19/9 đến 22/9 với nhiều nội dung vui chơi hấp dẫn. Cuộc thi "Cùng bé bày cỗ trông trăng" có sự tham gia của 100 trường tiểu học tại Hà Nội. Mỗi trường sẽ có 10-15 bạn nhỏ cùng hai giáo viên tham gia bày cỗ.

Sau khi các mâm cỗ được ban giám khảo chấm điểm và trao giải, Công ty HeartLink cùng sinh viên tình nguyện khoa Mỹ thuật, trường Đại học Kiến trúc sẽ sắp đặt và tạo hình thành một con rồng khổng lồ. Đây chính là mâm cỗ lớn của các em thiếu nhi tự làm để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Chương trình còn có sự tham gia của nghệ nhân các làng nghề làm đồ chơi dân gian như làng tò he, làng đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân, làng rối cạn, làng diều, làng chuồn chuồn tre...

Đêm hội Trung thu sẽ được truyền hình trực tiếp vào tối 22/9 (tức 15/8 âm lịch) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam với các tiểu phẩm hài, câu chuyện kể, các màn diễn ca nhạc thiếu nhi, các màn múa lân, rước đèn ông sao… cùng sự tham gia của danh hài Xuân Bắc và các nghệ sỹ thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Đặc biệt, trong chương trình Trung thu “Cùng bé bày cỗ trông trăng,” Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng phát động phong trào “Trung thu kết nối yêu thương 2010” để vận động, học sinh Hà Nội quyên góp đồ chơi, sách vở cho các bạn vùng khó khăn.

Trung thu tại Bảo tàng Dân tộc để nhớ...

Theo thông tin từ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, “Sắc màu Việt-Trung” là chủ đề của chương trình hoạt động nhân dịp Tết Trung thu năm 2010 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, diễn ra trong ba ngày từ 17 đến 19/9.

Ngoài ra, chương trình "Thưởng trăng vườn Bảo tàng" buổi tối ngày 20/9 dành riêng cho du khách đặt trước và mua vé trước. Chương trình Trung thu năm nay được tổ chức với sự phối hợp của Bảo tàng các dân tộc Vân Nam, Viện Kinh kịch Vân Nam (Trung Quốc) và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Trong dịp này, lần đầu tiên kinh kịch Trung Quốc xuất hiện ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với việc biểu diễn những trích đoạn "Tây du ký" hấp dẫn cả trẻ em và người lớn. Đây cũng là lần đầu tiên Bảo tàng tổ chức trình diễn hát bội, một hình thức sinh hoạt văn nghệ cổ truyền đặc sắc của người Việt trong miền Nam. Ngoài ra, về trình diễn còn có những màn múa lân - rồng sôi động và những ca diễn rối nước của phường rối Chàng Sơn (Hà Nội).

Trong chương trình Trung thu năm nay, có hàng chục trò chơi dân gian của Việt Nam (kéo co, đánh quay, rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê…) và các trò chơi Trung Quốc, tạo ra sân chơi đa dạng, phong phú cho trẻ em những lứa tuổi khác nhau và có sở thích khác nhau. Các em cùng với gia đình mình cũng có điều kiện để trải nghiệm làm một số loại đồ chơi của Trung Quốc như đèn Trung thu, diều, vẽ mặt nạ kinh kịch Trung Quốc…

Ba ngày hoạt động Trung thu tại Bảo tàng là cơ hội để du khách thưởng thức nghệ thuật ẩm trà của người Trung Hoa, đồng thời tận mắt xem và tham gia thử làm bánh dẻo, bánh nướng, làm cốm, làm ô giấy…

Bên cạnh đó, còn có những hoạt động bổ ích khác, như thử mặc y phục Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác, kể sự tích về tết Trung thu, xem phim về văn hoá Việt Nam, Trung Quốc, xem sinh viên hai nước múa hát hữu nghị…/.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục