Những điểm nhấn không thể bỏ qua tại Vòng chung kết EURO 2016

Chỉ 4 ngày sau khi EURO 2016 bế mạc, nhân dân thế giới lại rơi lệ đau thương sau khi chứng kiến vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại Nice, miền Nam nước Pháp.
Những điểm nhấn không thể bỏ qua tại Vòng chung kết EURO 2016 ảnh 1Hậu vệ Patrice Evra (trái) và tiền đạo Dimitri Payet (trái) của Pháp truy cản quyết liệt tiền đạo Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Vòng chung kết Giải bóng đá vô địch châu Âu (EURO) 2016 đã khép lại với chức vô địch thuộc về Bồ Đào Nha. Cùng nhìn lại những điểm nhấn không thể bỏ qua của lễ hội bóng đá hấp dẫn nhất "Lục địa già."

1. Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngay trước khi trái bóng EURO chính thức lăn trên các sân cỏ nước Pháp, thủ đô Paris và các khu vực lân cận đã phải chứng kiến tình trạng lũ lụt nghiêm trọng nhất trong lịch sử kể từ năm 1982, khiến nhiều người thương vong và mức độ thiệt hại kinh tế lên tới hơn 2 tỷ euro. Đình công và biểu tình xảy ra khắp nơi buộc cảnh sát chống bạo động phải dùng hơi cay để giải tán. Mối đe dọa khủng bố luôn hiện hữu.

Và ngay tại thời điểm này, chỉ 4 ngày sau khi EURO 2016 bế mạc, người dân trên thế giới lại rơi lệ đau thương sau khi chứng kiến vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại Nice, miền Nam nước Pháp.

Thật may mắn là những sự kiện tương tự đã không xảy ra khi lễ hội bóng đá đang diễn ra tưng bừng trên đất Pháp nhưng chúng nhắc nhở chúng ta rằng thể thao diễn ra trong đời thực và đời thực thì luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

2. Chất lượng không phụ thuộc số lượng đội tuyển

Giải đấu năm nay gia tăng về số lượng đội tuyển tham dự (24 đội), theo đó thể thức thi đấu cũng thay đổi. Điều này khiến một số người theo chủ nghĩa thuần khiết không hài lòng. Họ cho rằng sự thay đổi này khiến các đội chú trọng phòng ngự nhiều hơn và EURO mất đi tính giải trí.

Cũng có những người phàn nàn rằng chất lượng giải đấu giảm sút do EURO mở rộng quá mức. Nhưng thực ra đội nào cũng phải học cách phòng ngự và dù là giải có 24, 16 hay chỉ 4 đội tham gia thì điều đó vẫn không thay đổi.

3. An ninh lẽ ra có thể tốt hơn

Các cổ động viên đốt pháo sáng, tấn công, tranh cãi lẫn nhau là những điều không thể chấp nhận được tại EURO lần này. Xung đột giữa các nhóm cổ động viên quá khích lẽ ra đã có thể tránh được nếu công tác an ninh được đảm bảo tốt hơn.

Có quá nhiều vụ việc trên các khán đài, trong khi sân vận động là một không gian được giới hạn chứ không phải dàn trải rộng khắp để có thể viện cớ khó duy trì kiểm soát. Lẽ ra cần phải có sự phối hợp đồng bộ, thông minh và hành động cứng rắn, duy trì sự thượng tôn của pháp luật và chúng ta sẽ không phải chứng kiến những vụ xung đột trên đất Pháp.

4. Dấu ấn huấn luyện viên

Fernando Santos đã tạo nên một đội tuyển Bồ Đào Nha gắn kết bậc nhất so với nhiều phiên bản trước đó. Dù chơi tốt hơn hay không, dù tạo nhiều cơ hội mà không thể ghi bàn, dù mất cầu thủ số 1 ở chung kết, đội bóng đến từ bán đảo Iberia này vẫn là một khối thống nhất.

Antonio Conte mang đến Pháp một đội Italy có lẽ là thiếu vắng tài năng nhất trong 50 năm qua nhưng họ lại ra về khi chỉ còn cách vòng bán kết một quả penalty chính xác. Thật tiếc nhưng cũng rất đáng nể phục!

Bỉ là một trong những đội bóng giàu "hảo thủ" nhất tại EURO 2016. Huấn luyện viên Marc Wilmots đã có tới 7 năm dẫn dắt đội bóng này. Thế nhưng, những gì người hâm mộ thấy được chỉ là một sự tập hợp rời rạc của 11 cầu thủ ngôi sao chứ không phải một tập thể gồm 11 ngôi sao.

Roy Hodgson có quá nhiều quyết định khó hiểu ở kỳ EURO này. Một trong số đó là việc ông xếp Dele Alli và Rooney đá cùng nhau trong hàng tiền vệ 3 người. Việc bố trí nhân sự của ông là nguyên nhân cơ bản khiến Anh "muối mặt" rời giải đấu.

Với Martin O’Neill, chúng ta đã thấy một Bắc Ireland khan hiếm tài năng nhưng chơi cực kỳ có tổ chức và có tính chiến thuật cao. Đó là điều không phải huấn luyện viên nào cũng làm được.

Gianni De Biasi đã đưa Albania góp mặt ở giải đấu lớn đầu tiên trong lịch sử. Họ chiến đấu kiên cường với nước chủ nhà Pháp cho tới phút 90. Họ đánh bại Romania dù cho còn 10 người.

5. Câu chuyện cầu thủ

Chúng ta đã thấy một Cristiano Ronaldo rất khác ở giải này. Vấn đề không nằm ở tài năng mà ở cách anh thể hiện mình trong tương quan với đồng đội. Cầu thủ vẫn thường coi mình là trung tâm vũ trụ đã biết khích lệ, cổ vũ đồng đội vượt qua khó khăn để chiến đấu khi không có anh. Và Bồ Đào Nha đã thắng khi không có Ronaldo trên sân nhưng nguồn sức mạnh tinh thần và động lực chiến đấu thì đã được anh truyền cho họ từ ngoài sân.

Antoine Griezmann rời EURO với hai danh hiệu cá nhân: "Cầu thủ xuất sắc nhất giải" và "Vua phá lưới." Đó là câu trả lời đanh thép cho những người từng chỉ trích, hoài nghi và từ chối tiếp nhận anh vì vóc dáng nhỏ bé.

Nếu không tính loạt sút luân lưu thì Ba Lan bất bại ở EURO này. Đáng nói ở chỗ, Lewandowski-đích-thực đã không xuất hiện. Người ta tự hỏi tuyển Ba Lan sẽ tiến xa đến đâu nếu ngôi sao số 1 ấy đạt phong độ đỉnh cao?

Ở tuổi 40, Gabor Kiraly với chiếc quần dài độc đáo của mình sẽ khiến nhiều người phải bàn tán đến. Nhưng người ta còn nhớ đến anh nhiều hơn nữa bởi hàng loạt pha cứu thua ngoạn mục ở EURO này.

6. Lời khen ngợi dành cho các "tân binh"

Tình yêu của các cổ động viên không hẳn là vô điều kiện. Họ chờ đợi các cầu thủ đáp lại bằng nỗ lực. Và kết quả thi đấu tốt đi kèm với một màn trình diễn ấn tượng của các cầu thủ thì hiệu quả còn được nhân lên gấp nhiều lần.

Chiến lược gia Chris Coleman của Xứ Wales và các cầu thủ con cưng đã làm được tất cả những điều này. Ông không chỉ tận dụng được tài năng của Gareth Bale - ngôi sao duy nhất trong tuyển - mà còn tạo ra một hệ thống thi đấu mà ở đó Bale còn giúp cho những đồng đội quanh anh trở nên xuất sắc hơn.

Chiến công của Iceland ở EURO này một lần cho chúng ta thấy rằng dù tầm vóc của một đội bóng không phải là thứ quyết định cục diện trận đấu.

7. Bồ Đào Nha vô địch xứng đáng

Đừng bàn cãi chức vô địch của Bồ Đào Nha có xứng đáng hay không. Không hẳn họ là đội mạnh nhất châu Âu. Cũng không phải chiến thắng của họ chỉ do "ăn rùa." Chỉ cần thêm 1-2 phút thi đấu hoặc thêm 1 chút may mắn thôi là mọi thứ có thể đảo lộn và chúng ta sẽ có một nhà vô địch khác. Nhưng trái bóng tròn và chúng ta phải chấp nhận rằng ranh giới thành-bại hết sức mong manh.

Nếu đặt ra những giả thiết, bạn có thể chỉ ra hàng tá ví dụ có thể làm thay đổi cục diện. Nhưng chúng ta phải chấp nhận đó là thực tế cuộc chơi.

8. Đức không chạm ngưỡng tham vọng

Vào bán kết EURO có thể là một thành tích đáng nể với nhiều đội bóng khác nhưng với tuyển Đức thì là một thất bại. Huấn luyện viên Joachim Loew gần như đã đạt mục tiêu. Đức chơi hay hơn Pháp ở Bán kết. Có thể nếu Thomas Mueller phát huy sức mạnh, mọi chuyện đã khác đi.


9. Bóng đá Nga trong "mớ bòng bong"

Chưa đầy 11 tháng nữa là đến cúp các Liên đoàn châu lục và sau đó là Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2018 mà Nga đăng cai tổ chức. Chưa bao giờ thấy một đội chủ nhà nào lại lâm vào tình trạng hỗn độn như tuyển Nga trước thềm một giải lớn. Không có huấn luyện viên trưởng, Liên đoàn bóng đá gặp khó khăn tài chính còn đội tuyển quốc gia thì đá quá tệ.

10. Lối chơi của Tây Ban Nha đã hết thời?

Câu hỏi được đặt ra sau thất bại của họ trước Italy. Liệu đó có phải hồi cáo chung của thứ bóng đá dựa trên việc kiểm soát bóng? Khó khẳng định chắc chắn nhưng vấn đề của Tây Ban Nha rất rõ ràng. Họ không kết liễu được đối thủ và không thể có một chiến thuật đủ sắc bén để làm đối trọng với Italy.

11. Công tác trọng tài khá tốt

Nhìn chung các trọng tài đã làm tốt công việc của họ ở EURO này, đặc biệt là nếu đặt họ trong sự so sánh với các đồng nghiệp ở Giải vô địch bóng đá châu Mỹ (Copa America) 2016 diễn ra cùng thời điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục