Những đổi thay nơi vùng đất biên cương Tây Bắc

Sau 60 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân huyện Sông Mã đã khắc phục khó khăn, đạt được nhiều thành tựu kinh tế quan trọng.
Sông Mã là huyện vùng cao biên giới, nằm ở phía Tây của tỉnh Sơn La, hiện có bảy dân tộc anh em cùng sinh sống.

Với bề dày văn hóa và truyền thống anh hùng cách mạng đã được thử thách trong đấu tranh xây dựng và bảo vệ tổ quốc, sau 60 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Sông Mã đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng, thế mạnh và đạt được nhiều thành tựu kinh tế quan trọng.

Những ngày này đến với huyện Sông Mã, trong không khí náo nức, phấn khởi kỷ niệm 60 năm ngày thành lập huyện (7/3/1953-7/3/2013) đang lan tỏa trên khắp các bản làng của mảnh đất vùng biên giới.

Lịch sử hào hùng

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ba vùng đất của Sông Mã thuộc ba châu khác nhau, gồm Sốp Cộp là một tổng thuộc Mường Thanh (Điện Biên); Mường Lầm thuộc Mường Muổi (Thuận Châu, Sơn La); Mường Hung thuộc Mường Mụa (Mai Sơn, Sơn La). Điểm chung nhất của nhân dân ba vùng là cùng chịu sự áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân phong kiến.

Trước đây, cuộc sống đau khổ, lầm than khiến ai cũng có lòng căm thù sâu sắc giặc Pháp xâm lược và bọn tay sai phong kiến. Khi đó, được Hội Thanh niên cứu quốc Mường Chanh tuyên truyền, giác ngộ, các cơ sở đã thành lập đội du kích vùng lên giành chính quyền.

Chỉ một tháng, sau ngày giành chính quyền ở Sơn La (26/8/1945), toàn bộ vùng dọc Sông Mã từ Bó Sinh đến Chiềng Khương, Mường Sai, Nậm Ty đều thành lập được chính quyền cách mạng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của ban cán sự Đảng Mai-Thuận, Điện Biên, Sông Mã đã xây dựng được những cơ sở cách mạng kiên cường, những khu căn cứ, khu du kích vững mạnh.

Ngày 14/10/1952, chiến dịch Tây Bắc bắt đầu. Sau 11 ngày đêm chiến đấu, toàn bộ các phòng tuyến vòng ngoài của địch, từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà bị đập tan.

Đến ngày 22/11/1952, toàn bộ vùng dọc sông Mã từ Mường Sai, Chiềng Khương lên Mường Lầm, Bó Sinh được giải phóng, tại đồn Sốp Cộp, quân địch tự tan rã.

Chính quyền cách mạng được lập lại. Chiến dịch Tây Bắc kết thúc, toàn bộ tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), các huyện phía nam tỉnh Lai Châu, hai huyện phía tây tỉnh Yên Bái được giải phóng.

Đến ngày 07/3/1953, Khu ủy Tây Bắc quyết định thành lập huyện Sông Mã, trực thuộc tỉnh Sơn La, trên cơ sở hợp nhất của ba vùng Sốp Cộp (thuộc Điện Biên), Mường Lầm (thuộc Thuận Châu, Sơn La), Mường Hung (thuộc Mai Sơn, Sơn La).

Sau giải phóng, huyện Sông Mã gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại. Tuy nhiên, với ý chí kiên cường của nhân dân các dân tộc trong huyện, các tổ nông hội, tổ tăng gia sản xuất được hình thành để phát triển kinh tế.

Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để bộ đội ăn no, đánh thắng, nhân dân Sông Mã đã góp 25 tấn gạo, 10 tấn thịt và 10.000 lượt dân công, cùng cả tỉnh, cả nước đánh thắng giặc Pháp xâm lược, làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy, chấn động địa cầu.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, Sông Mã còn huy động gần 13.000 lượt người với 557.000 ngày công vận chuyển 1.842 tấn lương thực, hàng hóa, đạn dược, 15.000 nông cụ sản xuất cho quân và dân Lào.

Vững vàng mảnh đất “phên dậu” của Tổ quốc

Là huyện nằm ở khu vực biên giới, với hơn 40km đường biên giáp với huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, chính quyền và nhân dân huyện Sông Mã đã ra sức xây dựng, bảo vệ quê hương vững chắc và ngày càng phát triển.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, huyện Sông Mã đã bắt tay vào thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đời sống kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Từ xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay huyện đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá.Tổng sản phẩm (GDP) tăng bình quân 14,12% năm.

GDP bình quân đầu người đến năm 2012 ước đạt 8,3 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực đúng hướng, từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đến nay tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp giảm từ 57,61 xuống 50%, công nghiệp-xây dựng tăng từ 17, 07 lên 21%, thương mại-dịch vụ tăng từ 25,32 lên 29%.

Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được duy trì và phát triển; đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm xuống còn 27%; quốc phòng-an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại được mở rộng.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sông Mã cho biết đến năm 2020, huyện sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các loại cây, con trên cơ sở lợi thế của từng vùng, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu, nhất là vùng nguyên liệu cây công nghiệp. Đồng thời, quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn, nhất là mạng lưới chợ nông thôn, cửa hàng thương mại các xã. Khai thác tốt tiềm năng sẵn có như khu kinh tế cửa khẩu Chiềng Khương... Thực hiện quy hoạch đô thị, tạo lập các tiền đề cần thiết để từng bước xây dựng thị trấn Sông Mã trở thành thị xã.

Bên cạnh đó, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ, cơ bản, liên hoàn, vững chắc; duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt và toàn diện với các huyện Mường Ét, Xiềng Khọ, Viêng Thoong, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào./.

Lê Hữu Quyết (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục