Những dự báo trái chiều trước thềm cuộc họp chính sách của BoJ

Các chuyên gia phân tích lại không quá kỳ vọng vào báo cáo tăng trưởng của Ngân hàng trung ương Nhật Bản do hoạt động xuất khẩu yếu, chi tiêu gia đình sụt giảm và nhiều dấu hiệu tiêu cực khác.
Những dự báo trái chiều trước thềm cuộc họp chính sách của BoJ ảnh 1Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda tại cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo ngày 15/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giới phân tích dự báo rằng tại cuộc họp chính sách dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 6-7/8, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ vẫn duy trì chương trình nới lỏng tiền tệ và lạc quan về khả năng đưa lạm phát nước này về mức mục tiêu, dù cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể sẽ chứng kiến sự suy giảm trong quý 2/2015.

Theo kế hoạch, báo cáo chính thức về tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong quý 2/2015 sẽ được Chính phủ công bố vào ngày 17/8 tới.

Tuy vậy, các chuyên gia phân tích lại không quá kỳ vọng vào báo cáo đó do hoạt động xuất khẩu yếu kém, chi tiêu hộ gia đình bất ngờ sụt giảm, cùng một loạt số liệu tiêu cực mới đây.

Thậm chí, một số người còn cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế "xứ sở hoa anh đào" trong quý 2, nếu có cũng sẽ chỉ ở mức "khiêm tốn."

​Trong khi đó, BoJ lại cho rằng việc siết chặt thị trường việc làm sẽ giúp mức lương của người lao động Nhật Bản tăng, qua đó đẩy mạnh chi tiêu tiêu dùng và đưa tỷ lệ lạm phát nước này lên mức mục tiêu 2% vào khoảng tháng 9/2016.

Song không phải thành viên nào trong BoJ cũng có chung cái nhìn tích cực này.

Ông Koji Ishida, thành viên ban lãnh đạo BoJ, cảnh báo sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và nhu cầu tiêu thụ yếu kém tại châu Á có thể sẽ tạo áp lực lên hoạt động xuất khẩu và sản lượng công nghiệp của Nhật Bản.

Các nhà phân tích lại cảnh báo rằng nếu giá thực phẩm tăng cao ảnh hưởng đến lòng tin hộ gia đình, hoặc điều kiện thời tiết xấu tác động tiêu cực tới hoạt động mua sắm mùa Hè như năm ngoái, thì hoạt động tiêu dùng cá nhân tại Nhật Bản cũng không thể tăng lên một cách tích cực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục