Trong bão táp dư luận

Những đứa con bị "giời đày" trong bão táp dư luận

Vì bị kỳ thị nên số người nữ yêu nữ chủ động nói ra không nhiều và họ thường phải sống sợ hãi với nỗi lo bị phát hiện ra "bí mật."
Không như ở một số nước phương Tây, người đồng tính, song tính và chuyển giới (gọi tắt là LGBT) có xu hướng "come out" (bộc lộ), ở Việt Nam những người nữ yêu nữ thường kín đáo hơn.

Vì định kiến xã hội vẫn chưa thực sự cởi mở và dư luận đa phần chưa đồng thuận, vì sợ làm cha mẹ, người thân thất vọng, đau khổ... nên số người chủ động tự nói ra không nhiều và họ thường phải sống trong sợ hãi với nỗi lo gia đình, xã hội phát hiện ra "bí mật."

Những đứa con bị "giời đày"

Có muôn vàn lý do để phần lớn trong số những người nữ yêu nữ tự tạo cho mình lớp vỏ bọc mà tôi đồ rằng trong đó ẩn chứa rất nhiều nỗi trống trải, cô đơn, day dứt và giằng xé... Nếu như hạnh phúc của con người là được sống thật thì những kẻ bị "giời đày" ấy quả thật bất hạnh! Bởi lẽ, họ không được sống đúng với cảm xúc, mong muốn và xu hướng tính dục... của mình.

Và thực tế, những người nữ yêu nữ không chỉ phải chịu sự tự kỳ thị, sự xấu hổ của bản thân về cái không bình thường của mình mà họ còn phải đối diện với thái độ kỳ thị của xã hội.

[Ước vọng đời thường của những khát khao lạc giới]

Dù xã hội Việt Nam những năm gần đây đã bắt đầu có những dấu hiệu tích cực, cởi mở hơn đối với vấn đề đồng tính nhưng nói chung người nữ yêu nữ vẫn chưa nhận được nhiều cảm thông từ cộng đồng.

Chị Hà ở Thụy Khuê, Hà Nội cho rằng đó chỉ là những đối tượng đua đòi, hư hỏng theo trào lưu thế giới chứ làm gì có chuyện nữ yêu nữ. “Hai người nữ với nhau thì làm sao có cảm giác được, phải âm dương kết hợp thì mới thuận theo tự nhiên chứ,” chị Hà nói.

Thậm chí, anh Phan Anh ở Mỹ Đình còn quan niệm: “Đó là sự bệnh hoạn, biến thái.”

Không khắt khe như chị Hà hay anh Phan Anh, cô Uyên Phạm, một bác sỹ đã ngoài 50 tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh thì có cái nhìn dung hòa hơn: “Tôi nghĩ họ cũng là một phần của xã hội và chúng ta cần phải chấp nhận sự tồn tại đó, miễn sao họ hạnh phúc là được. Vì khi sinh ra họ đâu có quyền được lựa chọn...”

Tuy nhiên, cô Uyên cũng bày tỏ lo ngại khi trong thực tế cô cũng không biết ai là đồng tính thật và ai do đua đòi.

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho thấy, tâm lý cha mẹ của những người nữ yêu nữ khi phát hiện ra bí mật động trời của con gái sẽ phát triển theo chuỗi từ chỗ phản đối căng thăng, đến phản đối nhưng không căng thẳng, đến tạm thời yên ổn, đến không chấp nhận nhưng đành chịu, đến chấp nhận và cuối cùng đến ủng hộ.

Có lẽ nhiều cô gái chỉ hy vọng cha mẹ mình đến được bước “đành chịu” đã là tốt lắm rồi, tức là khi ấy cha mẹ họ đã bắt đầu chấp nhận và thích nghi con gái mình là như thế. Nhưng thực tế cho thấy vẫn có những gia đình không thể nào quen được với điều đó.

Xót xa những hạnh phúc… lạc loài

Mẹ của Vân (24 tuổi, ở Hà Nội), người đàn bà tóc muối tiêu có đôi mắt buồn vời vợi luôn day dứt vì lẽ không thể ngờ con gái mình lại có tình yêu say đắm với cô bé hàng xóm. Làm sao để nó khỏi bệnh, đánh đổi gì cũng chịu là nỗi ám ảnh của người mẹ này.

Bà cũng thắc mắc không hiểu sao bây giờ nhiều đồng tính thế. Mặc dù không phản ứng gay gắt nhưng đến giờ mẹ Vân vẫn không thể chấp nhận được thực tế con bà là đồng tính nữ.

Sự phản đối của cha mẹ ở đâu đó trong xã hội không chỉ xuất phát từ những quan niệm tiêu cực về đồng tính luyến ái mà còn vì con họ đã không sống một cuộc sống dị tính mà họ kỳ vọng cũng như cách sống mà xã hội thừa nhận.

Thậm chí có gia đình cực đoan lại trọng thể diện, coi chuyện con yêu người cùng giới là xấu xa và nhìn nhận vấn đề nặng nề, như gia đình Hương (21 tuổi) gia giáo, khắt khe khi biết chuyện con gái đã dùng mọi cách cấm đoán, ngăn cản.

Chính vì thế không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng, cả con gái và cha mẹ đều đau khổ. Nhiều biến cố xảy ra, như mẹ tự tử (không thành), con gái quẫn bách mà bỏ nhà ra đi… vậy nhưng gia đình vẫn quyết giấu không cho ai biết chuyện.

Không như gia đình Hương, nhiều phụ huynh sau một thời gian có thể đã quen dần với việc con gái mình yêu nữ, nhưng có gia đình thì không. Gia đình Quyên là một ví dụ, họ không muốn tin con gái yêu nữ là nghiêm túc, mà chỉ coi là chuyện con trẻ, mặc dù Quyên yêu nữ từ hồi học sinh cho đến giờ cô đã 28 tuổi.

Có lẽ, chẳng cha mẹ nào muốn tin con gái có đôi môi đỏ mọng, làn da trắng mịn màng và dáng vẻ “mình hạc” ấy lại dành hết tình yêu cho một cô bạn gái. Vì thế Quyên bảo, cha mẹ vẫn hy vọng cô sẽ lấy chồng trong nay mai.

Còn Tâm, 27 tuổi tự xác định mình là bisexuaal (lưỡng tính luyến ái - có thể yêu cả nam và nữ) chia sẻ, cô từng yêu nam giới và định lấy chồng nên giờ mẹ không chấp nhận được việc cô yêu con gái. Tuy mẹ Tâm là người hiểu biết, thường tiếp cận với những luồng thông tin mới và hiểu rằng tình yêu cùng giới thực sự tồn tại, bà cũng biết hiện giờ cô đang hạnh phúc với bạn gái nhưng bà vẫn không thể vượt qua định kiến. Bà muốn Tâm phải cứng rắn lên để từ bỏ hạnh phúc… lạc loài đó.

Những bậc phụ huynh như mẹ Quyên, mẹ Tâm đơn giản quan niệm rằng, đã là người thì phải thuận theo tự nhiên, còn nếu đi trái với tự nhiên là tự tách mình ra khỏi cuộc sống. Nhưng tôi hiểu rằng, đằng sau đó còn là nỗi lo sợ, xót xa con cái sẽ rơi vào bể khổ của người làm mẹ.

Bởi, cha mẹ lo con gái yêu nữ sẽ chẳng thể có một hạnh phúc như bình thường là được gia đình hai bên ủng hộ, không thể kết hôn, không có con cái… Mà phàm đã không có ràng buộc thì sợi dây mỏng manh giữa đôi trẻ cũng rất dễ tan vỡ.

Một đôi trẻ (nam và nữ) lấy nhau theo lẽ thường sẽ được gia đình hai bên giúp đỡ, mỗi nhà cho ít vốn để đôi vợ chồng son có thể gây dựng cuộc sống mới. "Nhưng đằng này hai đứa con gái sống với nhau thì ai thiết cho cái gì," Tâm day dứt nói.

Con người sinh ra dẫu ở bản dạng nào cũng đều chung mong muốn được vòng tay yêu thương của gia đình dang rộng chở che. Và, những người nữ trót bị "giời đày" phải yêu nữ thiết nghĩ lại càng khao khát được đón nhận và nâng đỡ để có thể đứng vững giữa "bể khổ" cuộc đời./.

ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục