Những đứa trẻ 'đánh rơi' ngày khai trường trên nương cao

Những đứa trẻ 'đánh rơi' ngày khai giảng trên nương cao

Liễu trở thành một trụ cột bất đắc dĩ của cả gia đình 6 miệng ăn. Ngày ngày, thay vì đến lớp, cô bé sẽ lùa bò ra bãi cạn gần nhà, cắt cỏ, mót rau rừng hoặc lên những nương ngô cheo leo bên vách núi.
Những đứa trẻ 'đánh rơi' ngày khai giảng trên nương cao ảnh 1Khi đến trường chỉ là giấc mơ với Giàng Thị Liễu (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Giàng Thị Liễu, năm nay mới 14 tuổi nhưng đã có “thâm niên” gần 1 năm bỏ học. Đường tới lớp của cô bé người Mông xã Cán Cấu từ lâu đã được thay thế bằng đường lên núi, lên nương.

Bởi vậy, sáng nay, 5/9, khi các bạn cùng trang lứa xúng xính áo quần để náo nức dự ngày hội tựu trường thì Liễu lại vẫn phải tấp tềnh xua đàn bò ra bãi bồi hồ Cán Cấu.

Chuyện của Liễu cũng là câu chuyện buồn của không ít những đứa trẻ vùng cao Tây Bắc, nơi mà gánh nặng mưu sinh và đói nghèo đã buộc các em phải “bỏ rơi” ngày khai trường trên những đồi nương xa.

1. Giàng Thị Liễu là con cả trong một gia đình gồm 4 anh chị em ở xã Cán Cấu, huyện Simacai, Lào Cai. Từ tháng 2/2018, bố mẹ em đã vượt biên sang Trung Quốc với hy vọng tìm được một công việc đem lại thu nhập khá hơn so với làm nương, lên rẫy. Trước khi đi, A Lý, bố của Liễu đã bắt em phải nghỉ học ở nhà với lý do: Nếu cô bé còn tới lớp thì sẽ không có ai chăm bà nội năm nay đã gần 90 tuổi cùng 3 đứa em nheo nhóc. Và đàn bò của nhà A Lý cũng sẽ chẳng có người chăn.

Gạt mồ hôi đã đầm đìa trên khuôn mặt đỏ bừng, Liễu kể: Mấy năm trước, bố mẹ em vẫn thường xuyên đi Trung Quốc nhưng do bà nội còn khoẻ nên việc nhà Liễu không phải lo.

“Năm nay, bà yếu rồi. Em còn đi học thì không ai chăm,” cô bé hướng đôi mắt to nhưng đượm buồn ra xa xăm nói.

Những đứa trẻ 'đánh rơi' ngày khai giảng trên nương cao ảnh 2Từ ngày bố mẹ bỏ sang Trung Quốc làm ăn, con đường tới trường của cô bé Liễu đã trở thành hành trình gồng gánh mưu sinh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngồi ngay bên cạnh cô bé, bà Sùng Thị Sử trông còm cõi, lưng cong gập như dấu hỏi, tay chân khẳng khiu và xù xì những nếp nhăn mốc thếch. Từ khoảng hơn 1 năm nay, sức khoẻ của bà Sử đã xuống dốc rõ rệt. Hồi tháng Sáu, bà Sử bỗng dưng đổ bệnh, nằm liệt giường hơn chục ngày. Toàn bộ việc sinh hoạt, ăn uống chỉ còn trông chờ vào cô cháu gái lớn mới 14 tuổi.

Kể về chuyện con trai và con dâu vượt biên, bà Sử tỏ ra khá thờ ơ và kiệm lời: “Chúng đi suốt mấy năm rồi. Cứ sau Tết là lại sang. Không đi thì lấy cái gì mà ăn.”

Từ ngày ấy, Liễu trở thành một trụ cột bất đắc dĩ của cả gia đình 6 miệng ăn. Ngày ngày, thay vì đến lớp, cô bé sẽ lùa bò ra bãi cạn gần nhà, cắt cỏ, mót rau rừng hoặc lên những nương ngô cheo leo bên vách núi. Thi thoảng, tới vụ mùa, được ai thuê cấy, gặt thuê, Liễu cũng nhận làm.

Những đứa trẻ 'đánh rơi' ngày khai giảng trên nương cao ảnh 3Những trụ cột "nhí" mới chỉ 13, 14 tuổi nhưng đã gánh cả gia đình trên vai (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Trước khi đi, bố mẹ em để lại 2.000 Tệ (tương đương với 6,8 triệu Việt Nam Đồng-PV) nhưng cũng hết. Nên em chỉ mong có người thuê em làm,” Liễu thành thật.

Khi được hỏi, nếu có cơ hội đi học lại, em có đồng ý không, cô bé 14 tuổi cười xoà: “Chắc không ạ. Đi làm quen rồi, giờ tới lớp không quen.” Tiếng cười trong vắt nhưng với chúng tôi, nó đắng chát và đầy ngậm ngùi.

2. Cũng giống với Liễu, hai anh em Giàng Seo Phừ, Giàng Seo Páo (thôn Sín Tẩn, xã Sán Chải, huyện Simacai, Lào Cai) cũng đã buộc phải bỏ lại ngày khai giảng trên đồi nương vì cuộc mưu sinh của người lớn.

Giàng Seo Trá, bố của Phừ và Páo vốn có thâm niên hàng chục lần vượt sông sang Vân Nam, Trung Quốc để kiếm kế sinh nhai. Mỗi lần rời bản, Trá để lại 5 anh em Phừ và Páo ở lại Việt Nam cùng một bao gạo và khoản tiền nhỏ. Phừ, lớn nhất năm nay cũng mới 12 tuổi đã quyết định tự nghỉ học để ở nhà chăm cho các em. Và tới lượt mình, Páo cũng tiếp tục... ngừng đến lớp để vào rừng mót rau, săn chuột cho bữa ăn hàng ngày.

Những đứa trẻ 'đánh rơi' ngày khai giảng trên nương cao ảnh 4Đói nghèo trở thành một thứ xiềng xích, buộc các em phải đối mặt với tương lai mịt mù vì thất học. (Ảnh: Phùng Chiến/Vietnam+)

Đáng buồn hơn, trong quãng thời gian làm bên Trung Quốc, vợ chồng Seo Trá lại “lỡ” sinh thêm một đứa trẻ. Việc thì vẫn phải làm, đứa bé vừa dứt sữa không có ai trông nom. Thế là, Trá quyết: Phừ phải sang Vân Nam cùng bố mẹ để... bế em.

Từ ngày ấy, trong căn nhà nhỏ bản Sín Tẩn, “người lớn” duy nhất là cậu bé Giàng Seo Páo, với trách nhiệm gánh cả gia đình trên đôi vai 11 tuổi của mình.

Trong tâm lý cố hữu của cộng đồng các dân tộc thiểu số dọc biên giới vùng Tây Bắc, nếu phải đặt lên bàn cân để so sánh giữa con chữ và miếng ăn, thì đa phần sẽ không ngần ngại hy sinh vế đầu một cách thẳng thừng và không cần nhiều thời gian suy nghĩ.

Những đứa trẻ 'đánh rơi' ngày khai giảng trên nương cao ảnh 5Những đứa trẻ như thế này sẽ lựa chọn con chữ hay miếng ăn? (Ảnh: Phùng Chiến/Vietnam+)

“Học làm gì khi ngay cả ăn còn chưa đủ,” đấy là cách nói của Giàng Mí Phố, 20 tuổi ở xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Cũng như Liễu, Phừ, và Páo, Phố bỏ học khi mới hết lớp 5. Quãng thời gian sau đó, cậu trai bản người Mông Mèo Vạc lăn lộn qua nhiều tỉnh giáp biên Trung Quốc. Hết làm đồn điền, chặt cỏ, rồi vào sản xuất dây sạc điện thoại, cho tới giờ thi Phố không còn nhớ nổi mặt chữ phổ thông.

Chỉ tay vào đứa em gái gày quắt queo ngay cạnh, Phố bảo: “Cái May [Giàng Thị May-PV] em em còn chưa biết đến lớp học là gì, dù đã 10 tuổi đấy.”

Nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ bỏ đi lấy chồng, việc học của Phố, May cũng vì thế trở nên xa hun hút như những con đường biên viễn mù sương.

3. Theo số liệu chính thức từ Uỷ ban Nhân dân huyện Simacai, Lào Cai, tính tới tháng 3/2018, cả huyện này đã có tới 1.300 người xuất cảnh qua biên giới Việt-Trung, trong đó có tới hơn 2/3 đi “chui” theo các đường mòn như cách mà A Lý, Seo Trá đã làm.

Trong khi đó, tại Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm đã có tới 4.235 lượt người tìm tới các huyện của Trung Quốc để kiếm kế sinh nhai, đa số đều là lao động tự do thuộc các dân tộc thiểu số nên rất khó kiểm soát.

Báo cáo chính thức về việc rà soát, đánh giá tình hình thu nhập của lao động đi làm việc tại Trung Quốc của Uỷ ban nhân dân huyện Mèo Vạc cũng khẳng định: “Qua khảo sát thực tế cho thấy: Thu nhập của lao động đi làm việc tự do dao động từ 100 Nhân dân tệ đến 150 Nhân dân tệ/ngày (tương đương khoảng 350.000-520.000 VND). Tuy nhiên, do đặc thù hầu hết là công việc tự do nên thu nhập không ổn định.”

Những đứa trẻ 'đánh rơi' ngày khai giảng trên nương cao ảnh 6Những đứa trẻ bị bỏ lại nơi góc núi sẽ đối mặt với những rủi ro khó lường (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)


Điểm đáng chú ý là “trào lưu” xuất ngoại chui đang có dấu hiệu tăng lên theo từng năm trên nhiều địa phương. Riêng tại Xín Mần, năm 2016 có tới 3.563 lao động tự do, tăng 127% so với năm trước đó.

Những con số thống kê khô khốc ấy đã chỉ ra thực trạng: Cơn sóng dịch chuyển lao động của cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Tây và Đông Bắc Việt Nam sang Trung Quốc đang ngày càng trở nên mạnh hơn. Họ buộc phải ra đi khi không thể trông chờ vào vài chục bao thóc mỗi năm trên những thửa ruộng bậc thang cằn cỗi.

Cái còn lại chỉ là lũ trẻ nheo nhóc và ngây thơ. Chúng còn quá bé để có thể ý thức hết được vòng bi kịch luẩn quẩn của Đói nghèo và Thất học.

Và, ngày hôm nay, 5/9, trong khi hàng nghìn em nhỏ cùng trang lứa xúng xính đồng phục, hân hoan niềm vui trong ngày hội toàn dân đưa trẻ tới trường, những Giàng Seo Phứ, Giàng Seo Páo, Giàng Thị Liễu vẫn lang thang trên những vạt đồi trong hành trình mưu sinh chưa có hồi kết của riêng mình./.

Những đứa trẻ 'đánh rơi' ngày khai giảng trên nương cao ảnh 7Trong khi các bạn đồng trang lứa vui vẻ trong ngày tựu trường, những Giàng A Liễu, Giàng Seo Phừ... lại mải miết mưu sinh trên những vạt đồi nương Tây Bắc (Ảnh: TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục