Những gì viết trong “Thế giới phẳng” không còn đúng

Tác giả Thomas Friedman chia sẻ, nhìn lại, những gì ông viết trong cuốn sách "Thế giới phẳng" đã không còn đúng.

“Nhìn lại, những gì tôi viết trong cuốn ‘Thế giới phẳng’ đã không còn đúng. Hiện nay, thế giới của chúng ta không phải là ‘thế giới phẳng’ mà là ‘thế giới rất rất phẳng!’ So với thời điểm tôi viết cuốn sách đó, thế giới hiện nay đã ‘phẳng’ hơn rất nhiều.” 

Ông Thomas Friedman - tác giả của tập sách đã chia sẻ như vậy trong buổi gặp gỡ báo chí sáng 5/6 tại Hà Nội. Chương trình do Học viện Ngoại giao tổ chức.

Theo nhà báo Thomas Friedman, trong bối cảnh chung đó, động lực để phát triển, “chìa khóa” của thành công là sự sáng tạo.

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, ông Thomas Friedman cho rằng, muốn kích thích sự sáng tạo, các nhà quản lý phải tạo được niềm tin. “Cùng với đó, niềm tin chỉ có thể được tạo ra trên cơ sở quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ một cách nghiêm ngặt,” tác giả của “Thế giới phẳng” nói.

Cũng trong buổi sáng nay, nhà báo Thomas Friedman cũng đã chia sẻ một số thông tin, kinh nghiệm của ông trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Theo ông, có năm hiệu ứng cơ bản, thường thấy mà một tác phẩm báo chí đưa tới cho độc giả.

Thứ nhất, tác phẩm báo chí đưa tới cho người đọc những thông tin mới, cập nhật.

Thứ hai, nó đưa ra cách nhìn mới cho độc giả về một vấn đề đã biết, đã được đề cập tới trước đó.

Hiệu ứng thứ ba mà bài báo tác động tới độc giả là, khi đọc, người đọc cảm thấy những gì được viết trong đó đúng với những gì họ nghĩ (nhưng họ không biết cách thể hiện như thế nào).

“Loại hiệu ứng thứ năm (ít gặp hơn) là việc độc giả cảm thấy phẫn nộ tới mức muốn giết tác giả, thậm chí là cả người thân của tác giả bởi những thông tin được đưa ra trong bài viết,” nhà báo Thomas Friedman cho hay.

Kiểu hiệu ứng thứ năm là tác phẩm báo chí đó khiến người đọc phải khóc hoặc cười. Theo tác giả từng ba lần đoạt giải Pulitzer này, đây là một yêu cầu khó, một thách thức lớn đối với tất cả những người cầm bút.

Với kinh nghiệm của bản thân, Thomas Friedman chia sẻ, bên cạnh những hiệu ứng trên, một tác phẩm báo chí còn có thể đưa tới cho độc giả ba hiệu ứng khác. Nó là tư liệu giúp người đọc liên kết các sự việc, vấn đề với nhau.

Ở mức độ khó hơn, hiệu ứng mà tác phẩm báo chí có thể đưa tới cho độc giả là: Những lập luận, thông tin được đưa ra trong đó thách thức suy nghĩ của người đọc; buộc họ phải tiếp tục tìm hiểu về vấn đề mà tác giả đề cập tới.

“Một hiệu ứng rất xấu mà tác phẩm báo chí có thể tạo ra nơi người đọc là: chưa đọc đã biết nội dung được đề cập tới. Đây là một điều tồi tệ mà những người làm báo cần tránh,” ông Thomas Friedman bày tỏ./.

Nhà báo Thomas Friedman làm việc tại The New York Times. Ông đã ba lần đoạt giả Pulitzer.

Thomas Friedman là tác giả của nhiều đầu sách nổi tiếng thế giới như: “Chiếc Lexus và cây ôliu,” “Thế giới phẳng,” “Nóng, Phẳng, Chật,” “Từ Beirut đến Jerusalem,” “Từng là bá chủ.”
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục