Những góc nhìn trong cuộc "chiến tranh lạnh mới" Mỹ-Trung?

Thông điệp của Phó Tổng thống Mỹ Pence đối với Bắc Kinh là rõ ràng: “Mỹ… sẽ không thay đổi phương hướng hành động của mình cho đến khi Trung Quốc thay đổi cách hành xử của họ.”
Những góc nhìn trong cuộc "chiến tranh lạnh mới" Mỹ-Trung? ảnh 1Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng The Hill đưa tin, khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương gần đây, ông đã chỉ trích Trung Quốc vì vô vàn vi phạm luật lệ quốc tế. Mỹ và thế giới đã mất bình tĩnh, ông cảnh báo: “Mọi việc phải thay đổi.”

Ông Pence thốt ra câu này 51 năm sau khi cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đưa ra thông điệp khẩn cấp đầu tiên “Trung Quốc phải thay đổi.”

Cựu Tổng thống Mỹ Nixon cho rằng việc Trung Quốc hội nhập vào cộng đồng quốc tế sẽ đem lại cải cách trong hệ thống chính trị và kinh tế của nước này.

Quan trọng hơn đối với nền hòa bình khu vực và toàn cầu, việc can dự này là cách duy nhất để đảm bảo rằng một Trung Quốc trong tương lai sẽ dung hòa đối với phương Tây.

Các Chính quyền Mỹ sau này đều tìm cách để Bắc Kinh tham gia đầy đủ hơn trong hệ thống quốc tế với cùng lý do: Điều này sẽ giúp Trung Quốc thay đổi tốt đẹp hơn.

Đáng tiếc là chẳng có chính quyền nào từ thời ông Nixon cho đến sau này và cả đến thời ông Tổng thống Mỹ Donald Trump lại quan tâm đến việc sử dụng bất kỳ thước đo quy chuẩn nào để đánh giá liệu và bằng cách nào mà hệ tư tưởng chủ nghĩa cộng sản của Trung Quốc có đang điều chỉnh cách hành xử đối với chính người dân của mình hoặc thế giới bên ngoài hay không.

Thay vào đó, phần lớn giới quan sát Trung Quốc, trong và ngoài chính phủ, tập trung vào độ mở kinh tế nhanh chóng của nước này và hài lòng cho rằng Bắc Kinh sẽ chắc chắn tiến tới cải cách chính trị và có quan điểm ôn hòa hơn về thế giới.

Trong khi đó, những thế lực phất lên nhờ sự trỗi dậy của Trung Quốc lại không hề lo lắng về việc liệu Bắc Kinh sẽ trở thành một thành viên bình thường của đại gia đình quốc tế hay không, miễn là công việc kinh doanh của họ tiến triển tốt.

Trước khi ông Tập Cận Bình xuất hiện trên chính trường, ông Đặng Tiểu Bình - “tác giả” của những thay đổi kinh tế của Trung Quốc - đã phản ánh thực tế về hệ thống chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc.

Ngày 4/6/1989, nhà Đại cải cách này đã thẳng thừng nói “không” với cải cách chính trị.

Năm 1990, phát biểu trước Đảng Cộng sản, ông Đặng đưa ra một mấu chốt quan trọng cho tương lai quan hệ của Trung Quốc với phương Tây. Đối phó trước làn sóng chỉ trích sau khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn và sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Đông Âu, ông Đặng đã đề ra chính sách “giấu mình chờ thời.”

[Mỹ-Trung Quốc nhất trí ngừng tăng thuế, tiếp tục thương lượng]

Câu này được phương Tây trích dẫn rất nhiều, song chẳng ai quan tâm đến ý nghĩa mang tính điềm báo của nó và cũng hiếm người đặt ra những câu hỏi quan trọng liên quan câu nói này.

Tại sao Trung Quốc phải giấu mình trước thế giới và liệu nước này chỉ che giấu năng lực của mình hay cả ý định? Liệu đây có phải là một phần của quan điểm về chính trị và ngoại giao của Trung Quốc, khéo léo đến mức trở thành thứ nghệ thuật cao siêu? Và quan trọng nhất là Bắc Kinh chờ thời vì điều gì? Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo khi thời gian chín muồi đến?

Kể từ khi nắm giữ quyền lực, ông Tập đã đưa ra “đáp án” cho những câu hỏi này và những đáp án này cho thấy sự thật tồn tại bấy lâu nay kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập: Đó là việc nước này coi phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, là đối trọng.

Cho dù có trải qua những giai đoạn thăng trầm cùng với những phong cách lãnh đạo cá nhân, quá trình suy-thịnh của các trường phái tư tưởng chủ nghĩa cộng sản và sự cạnh tranh giữa các trường phái này, mọi thứ đều được thực hiện theo cách diễn giải về chủ nghĩa Marx-Lenin của Mao Trạch Đông: “Quyền lực đẻ ra từ nòng súng.”

Ý định của Chính quyền ông Trump thách thức những bước đi mang tính bành trướng và bá quyền của Bắc Kinh được nêu rõ trong tài liệu Chiến lược An ninh Quốc gia, Chiến lược Quốc phòng và những tuyên bố và hành động của ông Trump về thương mại, vấn đề Đài Loan, Biển Đông và Triều Tiên.

Hồi tháng 10 vừa qua, Phó Tổng thống Pence đã thể hiện được tinh thần cốt yếu trong cách đánh giá mới của chính quyền Trump khi ông nói rằng Trung Quốc lâu nay phát động “một cuộc Chiến tranh Lạnh” với Mỹ.

Với những bài phát biểu tiếp theo ở châu Á hồi tuần trước, ông Pence chỉ ra rằng chính sách mới về Trung Quốc của Mỹ sẽ không mang tính tạm thời như trước mà giờ đây là quyết tâm của Mỹ nhằm thách thức Trung Quốc.

Về thương mại tự do, tự do hàng hải, an ninh dân chủ ở Đài Loan, phi hạt nhân hóa Triều Tiên, tự do và nhân quyền, ông Pence nói ở Papua New Guinea, “Trung Quốc hiểu rõ quan điểm của chúng tôi… Chúng tôi sẽ không thay đổi cách đối phó.”

Thông điệp của ông Pence đối với Bắc Kinh là rõ ràng và đanh thép: “Mỹ… sẽ không thay đổi phương hướng hành động của mình cho đến khi Trung Quốc thay đổi cách hành xử của họ.”

Quyết tâm này sẽ được kiểm nghiệm khi ông Trump gặp ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina. Tương lai quan hệ Mỹ-Trung nằm trong tay của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, ông Trump chưa chơi đến con bài sau chót của mình: Sự cần thiết hoặc phải thay đổi các chính sách của Trung Quốc hoặc thay đổi chế độ.

Như ông Pence nói: “Câu chuyện về sự tiến bộ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là các chế độ độc tài bị hạ bệ để các nền dân chủ thăng hoa”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục