Những “gợn sóng” đến từ quyết định tăng lãi suất của Fed

Theo giới quan sát, sau quyết định của Fed, vẫn còn rất nhiều yếu tố khó đoán định ở phía trước, bao gồm giá dầu tăng cao, những vấn đề về chuỗi cung ứng cùng tình trạng thiếu hụt nguồn cung hàng hóa.
Những “gợn sóng” đến từ quyết định tăng lãi suất của Fed ảnh 1Fed đang hướng đến một cuộc "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 15/6 đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 trong nỗ lực kiềm chế lạm phát phi mã.

Với động thái chính sách mới nhất này, Fed đã nâng lãi suất thêm 1,5 điểm phần trăm tính từ đầu năm đến nay và đưa lãi suất chuẩn vào khoảng 1,5-1,75%.

Quyết định tăng lãi suất lần thứ ba trong năm nay của Fed được đưa ra sau khi lạm phát ở Mỹ tăng đột biến vào tháng Năm và không có dấu hiệu hạ nhiệt như thị trường kỳ vọng. Quan trọng hơn, Fed đã báo hiệu sẽ còn nhiều đợt tăng lãi suất mạnh không kém từ đây tới cuối năm - điều các nhà đầu tư đã đồn đoán từ trước nhưng vẫn lo âu khi trở thành sự thật.

Fed đang cố gắng đạt được điều gì?

Fed có nhiệm vụ kép là đưa thị trường việc làm đạt được trạng thái toàn dụng lao động, đồng thời giữ giá cả ổn định.

Các nhà hoạch định chính sách thường sẽ phải ưu tiên một trong hai nhiệm vụ trên tùy theo tình hình. Khi nền kinh tế suy yếu, lạm phát thường đi xuống và Fed có thể tập trung giữ lãi suất ở mức thấp để kích thích đầu tư và thúc đẩy việc làm. Khi nền kinh tế vững mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thường khá thấp qua đó cho phép Fed tập trung vào việc kiểm soát lạm phát.

Để làm được điều này, Fed đặt ra lãi suất ngắn hạn, từ đó cũng giúp họ tác động đến lãi suất dài hạn. Ví dụ, khi Fed nâng lãi suất mục tiêu ngắn hạn, điều đó làm tăng chi phí đi vay cho các ngân hàng. Khoản phí tăng này sẽ lại được chuyển sang cho người tiêu dùng và doanh nghiệp dưới dạng lãi suất cao hơn đối với các khoản vay dài hạn để mua nhà và ôtô.

Hiện tại, nền kinh tế Mỹ đang khá mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thấp và Fed có thể tập trung chủ yếu vào việc giảm lạm phát. Vấn đề là lạm phát lại quá cao với tốc độ tăng hàng năm tới 8,6%. Do vậy, việc kiềm chế lạm phát xuống mức chấp nhận được có thể đòi hỏi Fed đưa ra mức lãi suất cao nhất trong nhiều thập kỷ. Song điều này có thể làm suy yếu nền kinh tế đáng kể.

Vì vậy, Fed đang cố gắng đạt được cái gọi là “hạ cánh mềm” - chỉ việc làm giảm tốc đà tăng lạm phát cũng kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế, nhưng ở mức không gây ra suy thoái.

Để ổn định giá cả trong khi không ảnh hưởng đến thị trường việc làm, Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất rất nhanh trong những tháng tới.

Trong lịch sử, khi Fed phải tăng lãi suất nhanh chóng, suy thoái kinh tế là điều khó tránh khỏi. Liệu Fed có thể thành công đạt được mục tiêu “hạ cánh mềm” lần này không? Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhấn mạnh rằng các công cụ chính sách của họ đã trở nên hiệu quả hơn kể từ cuộc chiến lạm phát lần cuối vào những năm 1980, giúp tăng khả năng đạt được mục tiêu lần này.

Dù vậy, nhiều nhà kinh tế và giới quan sát vẫn không hoàn toàn chắc chắn. Một cuộc khảo sát gần đây do tờ Financial Times và Initiative on Global Markets (trung tâm nghiên cứu thị trường và chính sách kinh tế thuộc Đại học Chicago) thực hiện cho thấy rằng, nhiều nhà kinh tế đã dự báo về một cuộc suy thoái bắt đầu vào năm tới.

[Niềm tin triển vọng “hạ cánh mềm” của kinh tế Mỹ đứng trước thử thách]

Bà Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại công ty dịch vụ tài chính Invesco (Mỹ), vẫn hy vọng rằng kinh tế Mỹ vẫn có thể tránh được suy thoái và Fed sẽ thành công trong việc thiết kế một kịch bản “hạ cánh mềm” bằng cách tăng lãi suất đủ mạnh nhưng phù hợp với các số liệu kinh tế.

Tuy nhiên, bà Kristina Hooper thừa nhận rằng nền kinh tế Mỹ rõ ràng đang có xu hướng giảm tốc đáng kể và kịch bản “hạ cánh mềm” ngày càng khó đạt được.

"Hiệu ứng Domino"

Một ngày sau quyết định của Fed, Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng nhất trí tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,25 điểm phần trăm lên 1,25%. Đây là lần thứ năm liên tiếp BoE nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2009.

Ủy ban Chính sách Tiền tệ BoE nhấn mạnh họ sẽ đặc biệt cảnh giác trước những dấu hiệu của áp lực lạm phát dai dẳng hơn. Nếu cần, BoE sẽ hành động mạnh mẽ để đối phó tình hình.

Những “gợn sóng” đến từ quyết định tăng lãi suất của Fed ảnh 2BoE nhấn mạnh họ sẽ đặc biệt cảnh giác trước những dấu hiệu của áp lực lạm phát dai dẳng hơn. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cùng ngày, Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã nâng lãi suất chính sách lần đầu tiên trong vòng 15 năm, từ -0,75% lên -0,25%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ lần đầu tiên nâng lãi suất kể từ năm 2011 vào tháng 7/2022 và dự kiến sẽ tiến hành đợt tăng tương tự vào tháng 9/2022, với mức tăng có thể là 0,5 điểm phần trăm.

Trong khi đó, ông Rob Subbaraman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại ngân hàng Nomura (Nhật Bản), cho biết một Fed “diều hâu” sẽ gây áp lực lên các nền kinh tế châu Á mới nổi, buộc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để giảm thiểu rủi ro gia tăng “chảy máu” dòng vốn và đồng nội tệ yếu hơn.

Song ông cũng cho rằng nhiều nền kinh tế châu Á hiện đang phải đối mặt với áp lực lạm phát của riêng họ, bất kể Fed có hành động điều chỉnh lãi suất hay không.

Chuyên gia Subbaraman đã thay đổi quan điểm của mình về việc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) giữ nguyên lãi suất. Giờ đây, ông dự báo ngân hàng này sẽ tăng lãi suất tại hai cuộc họp tới. Chuyên gia này cũng nhận định sẽ lãi suất sẽ được điều chỉnh tăng "mạnh mẽ" ở Ấn Độ trong nửa cuối năm nay.

Ông Galvin Chia, một chiến lược gia thị trường mới nổi tại ngân hàng đầu tư NatWest Markets (Vương quốc Anh), cũng chỉ ra việc bán tháo trái phiếu Indonesia trong tháng này, nhận định đó là bằng chứng cho thấy giới đầu tư muốn các ngân hàng trung ương ôn hòa thay đổi lập trường của họ.

Hai mặt của một đồng USD mạnh lên

Với các điều kiện tài chính thắt chặt và việc bán tháo tài sản rủi ro trên toàn cầu đang diễn ra, đồng USD - "kênh trú ẩn" an toàn truyền thống đã tăng đáng kể trong các phiên giao dịch gần đây.

Ông Geoffrey Yu, chiến lược gia cấp cao về thị trường khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại ngân hàng BNY Mellon (Mỹ) nhận định rằng sự mất cân bằng giúp thúc đẩy sức mạnh của đồng USD sẽ không sớm suy giảm.

Theo ông, độ nhạy cảm với các điều kiện tài chính bị thắt chặt do biến động tỷ giá hối đoái của nền kinh tế Mỹ thấp hơn so với các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại - bao gồm các nước như Thụy Sỹ, Nhật Bản, thậm chí cả Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cùng rất nhiều thị trường mới nổi.

Hàng hóa toàn cầu được định giá bằng USD, vì vậy theo quan điểm của các nền kinh tế này một đồng USD mạnh hơn không có lợi cho họ chút nào trong tình hình hiện nay.

Song ông Yu cũng lưu ý rằng trong khi đồng USD có khả năng tiếp tục tăng, lập trường “diều hâu” của Fed có thể tạo thêm không gian cho các ngân hàng trung ương như ECB, SNB và BoE thắt chặt chính sách hơn nữa để hỗ trợ đồng nội tệ.

Chuyên gia này đánh giá việc đồng USD mạnh lên có tác động theo cả hai chiều. Nếu các ngân hàng trung ương khác có thể mạnh dạn hơn một chút trong việc thúc đẩy đồng tiền của chính họ mạnh lên thông qua việc tăng lãi suất, điều đó cũng có thể giúp khắc phục sự cân bằng và giới hạn mức tăng của đồng USD.

Vẫn có những người đi ngược xu hướng

Tuy nhiên, giữa “làn sóng” tăng lãi suất hoặc chịu áp lực điều chỉnh chính sách tiền tệ để đối phó lạm phát, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 17/6 đã quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1%. Bên cạnh đó, BoJ cũng quyết định tiếp tục chương trình mua vào tài sản để duy trì lãi suất trái phiếu chính phủ của Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%.

Theo giới phân tích, đây là động thái khá mạo hiểm của BoJ vì điều này sẽ khiến đồng yen tiếp tục mất giá, đồng thời có thể sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có nguy cơ rơi vào tình trạng vừa lạm phát, vừa trì trệ.

Trước đó cùng ngày Fed thông báo quyết định tăng lãi suất (15/6), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã giữ nguyên lãi suất công cụ cho vay trung hạn kỳ hạn một năm như đánh giá của các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Bloomberg.

Những “gợn sóng” đến từ quyết định tăng lãi suất của Fed ảnh 3Theo giới quan sát, giới chức Trung Quốc vẫn rất thận trọng trước "bong bóng nợ." (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo giới quan sát, giới chức Trung Quốc vẫn rất thận trọng trước “bong bóng nợ.” Làm nổi bật thêm sự thận trọng này là việc Trung Quốc hôm thứ Tư khẳng định sẽ hành động dứt khoát trong việc tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế. Nhưng những nỗ lực như vậy sẽ không dẫn đến việc phát hành tiền quá mức và thấu chi (chỉ việc chi tiêu vượt quá số tiền thực có) trong tương lai.

Hành động tiếp theo của Fed

Mỗi lần Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed họp, các quan chức đều phát đi những tín hiệu về dự định của họ trong tương lai để giúp các thị trường tài chính không bị bất ngờ.

Trong số này, một tín hiệu từ Fed thường được thị trường dồn nhiều sự chú ý là “Biểu đồ dấu chấm” (dot plot), với mỗi dấu chấm đại diện cho kỳ vọng về lãi suất của một thành viên cụ thể tại các thời điểm khác nhau. Trong phiên bản trước đây, "Biểu đồ dấu chấm" của FOMC chỉ ra rằng Fed sẽ tăng lãi suất lên 2% vào cuối năm và gần 3% vào cuối năm 2023.

Song số liệu lạm phát mới nhất đang buộc Fed phải thay đổi kế hoạch của mình. Bản biểu đồ mới nhất cho thấy Fed dự kiến lãi suất sẽ gần khoảng 3,5% vào tháng 12/2022 - đồng nghĩa sẽ còn một số đợt tăng lãi suất mạnh trong phần còn lại của năm nay. Sang năm 2023, lãi suất sẽ tiếp tục tăng lên gần 4% trước khi giảm trở lại vào năm 2024.

Các lãi suất dài hạn, chẳng hạn như lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ và lãi suất thế chấp, đã phản ánh những thay đổi nhanh chóng này. Song một số nhà đầu tư cho rằng Fed có thể phải hành động nhanh hơn nữa và dự báo lãi suất sẽ đạt mức 4% vào cuối năm 2022.

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều yếu tố khó đoán định ở phía trước, bao gồm giá dầu tăng cao, những vấn đề về chuỗi cung ứng cùng tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhiều loại hàng hóa. Kinh tế toàn cầu nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để đối mặt với một giai đoạn nhiều “xóc nảy" về chính sách tiền tệ vào những tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục