Những kết luận rút ra từ đoạn video ghi lại vụ khủng bố ở Paris

Những đoạn video do người dân Paris ghi lại được về cuộc tấn công khủng bố hôm qua vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo cho thấy những tên khủng bố đã được đào tạo hết sức bài bản.
Những kết luận rút ra từ đoạn video ghi lại vụ khủng bố ở Paris ảnh 1Những tên khủng bố đươc đào tạo bài bản.

Những đoạn ghi hình do người dân Paris ghi lại được về diễn biến vụ tấn công khủng bố ngày 7/1, nhằm vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo đã cho thấy những kẻ khủng bố đã được đào tạo bài bản và hành động hết sức chuyên nghiệp.

Sau đây là đánh giá và nhận xét của Đại úy quân đội Mỹ Mark Hertling, chuyên gia về chiến thuật và có nhiều kinh nghiệm thực chiến, đã từng có thời gian đóng quân tại châu Âu, sau khi xem kỹ các đoạn ghi hình.
 
Đồng phục:
 
Tất cả những kẻ tấn công đều mặc quân phục tác chiến với áo gilet chuyên dụng (tactical vest) để có thể mang theo nhiều loại vũ khí, kể cả lựu đạn. Lớp áo dày và có vẻ nặng ở thân trên cho thấy những kẻ này có thể được trang bị cả áo giáp bên trong; không loại trừ chúng đeo bom trên người để có thể kích nổ tự sát khi bị bắt.
 
Một số chuyên gia cho rằng những kẻ này đã chuẩn bị kỹ phương án tẩu thoát sau khi hành động với lập luận “chúng tới để giết, không phải để bị giết.” Tuy nhiên, các quân nhân có kinh nghiệm thực chiến đấu trong các trường hợp tương tự thì cho rằng, những kẻ này tới để giết chóc và sẵn sàng tự sát nếu có thể giết thêm nhiều người bằng việc cho nổ bom tự sát.
 
Vũ khí sử dụng:
 
Theo cảnh sát Pháp, những kẻ khủng bố được trang bị súng trường tấn công AK-47. Trong đó, ít nhất một đối tượng trang bị loại dây đeo súng 3 điểm chuyên dụng (phần dây màu trắng vắt qua vai được thấy qua đoạn ghi hình), cho phép tăng tính cơ động mà vẫn đảm bảo ổn định khi tác xạ. Riêng kẻ lái xe không trang bị dây đeo súng để cử động linh hoạt hơn trong ôtô.
 
Cả hai tay súng khủng bố đều tỏ ra là những thiện xạ vì vết đạn trên kính chắn gió chiếc xe cảnh sát tại hiện trường rất chụm. Hơn nữa, những kẻ khủng bố đã chứng tỏ sự dày dặn khi sử dụng súng ở chế độ điểm xạ từng loạt (bán tự động).
 
Nhiều lính Mỹ hay chế nhạo cách sử dụng vũ khí của những kẻ khủng bố là “cầu nguyện rồi bắn,” tức là để vũ khí ở chế độ tự động hoàn toàn, gào lên một câu cầu nguyện rồi bóp cò, xả hết một băng đạn mà hầu hết là không trúng mục tiêu. Điều này không đúng với những kẻ khủng bố tại Paris khi chúng đã thể hiện được độ thuần thục và bản lĩnh khi sử dụng vũ khí quân dụng.
 
Chiến thuật cơ động:
 
Mức độ bài bản và chuyên nghiệp của những kẻ khủng bố một lần nữa được thể hiện ở chiến thuật di chuyển khi tấn công. Có thể thấy, hai kẻ tấn công đã liên tục lợi dụng địa hình có vật che chắn (xe ôtô, cửa xe) để bắn che, yểm hộ cho nhau rồi thay nhau lần lượt cơ động, di chuyển đến vị trí thuận lợi.
 
Cả hai tay súng đều di chuyển rất nhanh, hoàn toàn biết rõ cần phải đi đâu. Khi các mục tiêu bị loại bỏ, chúng cũng rút lui nhanh chóng. Một lần nữa, điều này chứng tỏ những kẻ này đã luyện tập kỹ cho vụ tấn công và thực hiện với độ tập trung cao.
 
Trinh sát:
 
Vụ tấn công xảy ra giữa trưa tại thủ đô Paris vốn đông đúc, nhưng ở khu vực quanh tòa báo lại không có phương tiện nào qua lại. Thêm vào đó, các báo cáo ban đầu cho thấy thời điểm xảy ra vụ tấn công là lúc có một cuộc họp giữa các biên tập viên và toàn bộ các mục tiêu của bọn khủng bố đều đang ở cùng một phòng. Điều này cho thấy nhóm khủng bố đã có thông tin tình báo, lên kế hoạch tiếp cận kỹ càng và phân chia nhiệm vụ rõ ràng cho từng cá nhân.
 
Lựa chọn mục tiêu:
 
Trước đây, tòa soạn Charlie Hebdo đã từng bị đánh bom nhưng vụ tấn công này đã thất bại. Do vậy, đây là một vụ tấn công khủng bố mang tính nối tiếp. Những kẻ khủng bố có xu hướng theo đuổi những mục tiêu cũ như trường hợp đối với tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới tại Mỹ, bị đánh bom lần đầu tiên vào năm 1993 và tiếp theo đó là năm 2001.
 
Thông thường, những kẻ khủng bố thường ghi hình lại toàn bộ vụ tấn công để làm tư liệu rút kinh nghiệm hoặc đăng tải lên mạng xã hội để tuyên truyền. Như vậy, không loại trừ việc những kẻ này đã phân công việc ghi hình tại các vị trí cụ thể cho đồng phạm. Những đoạn ghi hình này (nếu có), sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới nhưng cho tới lúc đó, việc các nhân chứng tải những gì họ ghi lại được lên YouTube cũng đã vô tình “đóng góp” cho chiến dịch tuyên truyền của những kẻ khủng bố.
 
Đối mặt với những mối đe dọa tương tự từ các phần tử Hồi giáo cực đoan, các nước châu Âu khác, nhất là Đức và Italy đều có nhu cầu được chia sẻ thông tin từ vụ tấn công này. Cho đến nay, nguy cơ các phần tử khủng bố lợi dụng việc tự do đi lại trong khu vực Hiệp định Schengen là mối đe dọa đối với toàn bộ châu Âu./.

Những kết luận rút ra từ đoạn video ghi lại vụ khủng bố ở Paris ảnh 2
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục