Những khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa từ triều Nguyễn

Từ thời triều Nguyễn (1802-1945), đã thực thi một hệ thống chính sách về quân sự, quốc phòng, ngoại giao, kinh tế… về biển đảo nhằm bảo vệ, khai thác vùng lãnh thổ này.

Với ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của biển đảo, cả về vị trí chiến lược quân sự, giao thông, mậu dịch, khai thác các nguồn lợi thủy hải sản…, triều Nguyễn đã có một hệ thống chính sách bài bản và khá nhất quán về biển đảo, cũng như xác lập và thực thi chủ quyền trên các đảo nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

- Thưa ông, triều Nguyễn đã ý thức thế nào về tầm quan trọng của biển đảo nước ta?

Tiến sỹ Phan Thanh Hải: Việt Nam là một quốc gia gắn liền với biển do địa thế đặc biệt là nằm kề cận biển Đông, nhìn mặt ra Thái Bình Dương với quá nửa đường biên giới giáp biển.

Trong thời Nguyễn (1802-1945), các tư liệu đề cập đến biển đảo chủ yếu là các châu bản và các bộ chính sử của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí…là nguồn tư liệu hết sức quan trọng chứng minh cho việc xác lập và thực thi chủ quyền của triều Nguyễn đối với biển, đảo.

Đáng chú ý, Triều Nguyễn được thành lập năm 1802 nhưng trước đó hơn 200 năm, kể từ năm 1558, các đời chúa Nguyễn (từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần) đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi, bao gồm toàn bộ đất miền Nam và vùng biển đảo phía Nam và Tây Nam của Tổ Quốc.

Quá trình đấu tranh để khôi phục và thống nhất đất nước của vị hoàng đế đầu triều Nguyễn-vua Gia Long cũng gắn liền với các hoạt động trên biển đảo.

Vì vậy, các vua triều Nguyễn đều ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của biển đảo đối với việc bảo vệ đất nước, mở mang giao thông, phát triển kinh tế và khai thác các nguồn lợi từ biển, đảo.

Dưới thời Nguyễn, khu vực biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập từ Bắc chí Nam, tương đương với khu vực biển đảo của chúng ta hiện nay. Đó là vùng biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang với các đảo ven bờ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa.

Các vua triều Nguyễn bấy giờ đã xác lập và khẳng định chủ quyền của nước ta đối với biển đảo Tổ quốc bằng việc huy động một lực lượng lớn bao gồm quan chức của các cơ quan Trung ương Nội các, Bộ Công, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ hình, Giám thành Khâm thiên giám, thủy sư... phối hợp với quan chức địa phương và ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định hàng năm thực thi công vụ Hoàng Sa như vẽ bản đồ, kiểm kê tài nguyên trên đảo, đo đạc hải trình, cắm cọc tiêu, trồng cây, dựng miếu, cắm bia chủ quyền, xây dựng hệ thống kho tàng, đồn luỹ, đặt trạm thu thuế, quan trắc thiên văn và dự báo thời tiết.

Riêng đảo Hoàng Sa có trạm khí tượng của Việt Nam hoạt động từ năm 1938 đến 1947, được Tổ chức khí tượng quốc tế đặt số hiệu 48-860 (số 48 chỉ khu vực Việt Nam).

Dưới triều Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa thuộc phủ Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Nam). Năm 1938 thuộc tỉnh Thừa Thiên. Năm 1961 gọi là xã Định Hải, quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam. Năm 1982, Chính phủ ta quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, nay trở thành huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng.

Việc sử dụng, khai thác biển ở quần đảo Hoàng Sa là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Ở đây, ngôi chùa có tên Hoàng Sa tự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa là do cai đội Phạm Văn Nguyên, cùng lính và phu dân hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi chuyên chở vật liệu từ đất liền ra xây dựng, là căn cứ lịch sử để góp thêm cứ liệu khẳng định đến thời Nguyễn, chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thiết lập và thực thi một cách đầy đủ và toàn vẹn, không có sự tranh chấp nào.

Chính vì vậy, khi đánh chiếm được Việt Nam, Pháp đã mặc nhiên đặt quyền quản lý của chính quyền đô hộ lên hai quần đảo. Người Pháp đã cho xây dựng các đài khí tượng, trạm quan trắc và cắt đặt lính đồn trú trên các đảo...

- Phải chăng do tầm quan trọng như vậy nên việc xây dựng hệ thống phòng thủ ven biển cũng đã được đặt ra dưới triều Nguyễn?

Tiến sỹ Phan Thanh Hải: Đúng vậy, do ý thức được tầm quan trọng của biển đảo nên các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức đều quan tâm xây dựng hệ thống phòng thủ quân sự và kiểm soát an ninh ven biển.

Theo Đại Nam nhất thống chí, trong thời Nguyễn đã có hàng chục tòa pháo đài, đồn bảo, cửa tấn được xây dựng kiên cố dọc theo vùng biển của đất nước bao gồm cả trên bờ và các đảo gần bờ từ Bắc chí Nam.

Tại kinh đô Huế, ngoài tuyến phòng thủ từ xa và tuyến phòng thủ trung tâm trên đường bộ, triều Nguyễn còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hệ thống đồn lũy, cửa tấn ven biển.

Năm 1813, vua Gia Long cho xây Trấn Hải thành ở cửa biển Thuận An (thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày nay). Đây là một pháo đài quân sự kiên cố hình tròn, chu vi 285m, cao 6,3m, dày 4m; xung quanh có hào nước sâu bao bọc, trên đắp 99 ụ súng, ngoài đóng cọc, xây kè và cho trồng 4000 cây dừa để ngăn sóng biển.

Ngoài pháo đài này là một hệ thống đồn lũy khác bên cạnh cửa Thuận An, gồm đồn Hòa Duân, đồn Côn Sơn, đồn Hạp Châu và đập chắn Thuận An. Hệ thống đồn lũy này đều được bố trí một lực lượng lớn binh lính với các vũ khí mạnh nhất của triều Nguyễn.

Cuối năm 1861, tại khu vực này có 1.961 binh lính, 308 đại bác các loại (đại pháo, Oanh sơn, Quá sơn, Thần công, Vũ công, Đăng uy, Thắng cơ, Chấn uy), Đến những năm 1881-1882, số binh lính và vũ khí còn được tăng cường nhiều hơn nữa.

Ngoài cửa Thuận An, triều Nguyễn còn cho xây dựng hệ thống đồn lũy phòng thủ ở các cửa biển Hải Vân, Chu Mãi (Chân Mây), Cảnh Dương và cửa Tư Hiền để bảo vệ các vùng biển quan trọng thuộc kinh đô.

Tại cửa biển Đà Nẵng-Quảng Nam, khu vực được xem là cửa ngõ mặt Nam của kinh đô Huế, nơi có cảng quốc tế Hội An vốn đã hoạt động từ hàng trăm năm trước, triều Nguyễn cũng đặc biệt chú ý đến vấn đề phòng thủ cửa biển.

Vua Gia Long quy định việc đón tiếp các đoàn sứ ngoại quốc đến quan hệ với vương triều bắt buộc phải qua cảng Đà Nẵng. Các vua triều Nguyễn kế tiếp sau như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức..., đều nhất quán thực thi luật định này một cách nghiêm túc.

Nhằm tăng cường hiệu quả của hệ thống phòng thủ Đà Nẵng, vương triều Nguyễn đã tập trung xây dựng một loạt căn cứ quân sự với những thành trì, đồn lũy được bố trí tại mặt Bắc và mặt Nam cảng biển Đà Nẵng.

Năm 1813, vua Gia Long cho đắp pháo đài Điện Hải bên tả, bảo An Hải ở bên hữu cửa biển Đà Nẵng. Số lượng quân lính được phân về phòng giữ ở hai pháo đài lúc đầu là 500 người. Viên quan đứng đầu ở mỗi thành là Thành thủ úy.

Đến cuối triều Minh Mạng, hệ thống bố phòng với những vũ khí hiện đại đã được xây dựng khá hoàn chỉnh tại các pháo đài trên.

Năm 1840, sau khi đi thanh tra hệ thống phòng thủ Đà Nẵng, Nguyễn Công Trứ kiến nghị triều đình bổ sung tăng cường lực lượng thủy quân cho hai thành Điện Hải và An Hải. "Các thuyền hiệu Thụy Long, Phấn Bằng, Thanh Loan mỗi thuyền nên phái thêm 100 thủy binh, 100 súng trường (điểu thương), 10 khẩu đại bác, 15 cây giáo dài."

Nhà vua không những đồng ý mọi kiến nghị của ông, mà còn cấp thêm 10 thuyền bọc đồng cho hai thành Điện Hải và An Hải, đồng thời bổ sung 500-600 quân cho lực lượng của Tuần phủ Quảng Nam để hỗ trợ bảo vệ hai thành trên.

Năm 1823, vua Minh Mạng cho xây dựng pháo đài Định Hải, ở Tây Bắc Đà Nẵng. Pháo đài này có chu vi 25 trượng 3 thước, cao 5 thước 8 tấc, có một cửa, trên lập kỳ đài (cột cờ), bố trí mấy khẩu đại bác.

Triều Nguyễn, ngoài việc tăng cường sức mạnh quân sự, an ninh cho hệ thống cảng biển Đà Nẵng, còn rất quan tâm đến việc cải tiến và tăng cường hiệu quả hoạt động của cảng Đà Nẵng như lập quy chế về kiểm soát tàu thuyền ra vào bến cảng Đà Nẵng, cải tiến hệ thống thông tin liên lạc...

Vùng địa phương phía Đông Bắc Đà Nẵng cũng được triều Nguyễn xây dựng pháo đài và thành lũy nhằm liên kết, hiệp tác với những chiến thuyền lớn đậu trên biển, khi lâm trận có thể dễ dàng ứng cứu lẫn nhau.

Sau sự kiện quân Pháp tấn công, bắn chìm 5 chiến thuyền bọc đồng của triều Nguyễn tại Đà Nẵng, vua Thiệu Trị càng đặc biệt chú ý tới hệ thống phòng thủ Đà Nẵng, lệnh cho triều thần đặt 7 đồn, bố trí hỏa lực mạnh, thường gọi là "Trấn Dương thất bảo'' thuộc vùng biển Quảng Nam...


- Vậy triều Nguyễn đã thực thi chủ quyền nước ta liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra sao, thưa ông?

Tiến sỹ Phan Thanh Hải: Có thể nói, triều Nguyễn là triều đại đã vẽ nên một hình thể lãnh thổ đất nước thống nhất từ đất liền đến biển đảo để có một nước Việt Nam hoàn chỉnh hiện nay.

Biển, đảo dưới thời Nguyễn luôn được xem là một phần lãnh thổ quan trọng của đất nước. Triều Nguyễn đã ban hành và thực thi cả một hệ thống chính sách về quân sự, quốc phòng, ngoại giao, kinh tế… về biển đảo nhằm bảo vệ, khai thác vùng lãnh thổ này.

Các chính sách ấy bao gồm xây dựng hệ thống phòng thủ ven biển, xây dựng lực lượng hải quân, ban hành và thực hiện các chính sách về quản lý thuyền bè, tuần tra, cứu hộ, cứu nạn và chống hải tặc trên biển.

Theo các học giả nước ngoài, vào năm 1816, tức là dưới thời kỳ trị vì của vua Gia Long (1802-1820), đội thủy quân của triều Nguyễn có đến 1.482 chiếc, gồm 490 chiến thuyền, 77 đại chiến thuyền, 66 thuyền lớn kiểu châu Âu và số còn lại là thuyền buồm hoặc thuyền nhỏ để vận chuyển.

Tác giả M.A. de Fancigny, một viên cựu sỹ quan với vai trò là Phái viên của Chính phủ Pháp ở Trung Quốc và Đông Dương đã cho biết hạm đội hải quân của triều Gia Long ở Biển Đông bao gồm những pháo thuyền mang theo từ 16 đến 22 khẩu đại bác...

Vào năm 1819, J.White, một người Mỹ khi đến Đàng Trong từng nhiều lần đến xưởng đóng tàu của triều vua Gia Long ở cảng Sài Gòn. Ông đã ghi lại quang cảnh và ca ngợi kỹ thuật cùng những vật liệu, trang thiết bị dùng trên chiến thuyền trong cơ sở đóng tàu.

Theo ông, những xưởng này nằm ở Đông Bắc Sài Gòn, cạnh bờ sông, có thể cạnh tranh với những xưởng tốt nhất ở châu Âu ...

Sau khi kế vị, vua Minh Mạng tiếp tục quan tâm phát triển thủy quân, đưa quân đội triều Nguyễn trở thành một lực lượng hùng hậu ở Đông Nam Á.

Biên chế thủy quân thời Nguyễn được phiên thành các doanh(2500 lính), vệ (500 lính), đội (50 lính) do các chức đô thống, chưởng vệ, suất đội chỉ huy.

Thời Gia Long, thủy quân có khoảng 17.000 người. Thời Minh Mạng, binh chủng này tăng lên đến 28.600 người. Việc bố trí thủy quân cũng tùy thuộc tính chất quan trọng của từng vùng miền để định số ít nhiều .

Vua Minh Mạng có ý thức học hỏi, tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến của phương Tây đương thời. Ông chú ý việc cải tiến kỹ thuật đóng thuyền của các nước để ứng dụng và nâng cao năng lực chuyên chở, chiến đấu cho đội thủy quân triều đình.

Năm 1822, tức là chỉ hai năm sau khi lên ngôi, Minh Mạng đã cho mua một chiếc tàu bọc đồng của Pháp đưa về công xưởng tại Kinh đô Huế, để làm mẫu đóng các thuyền khác.

Tháng 6 năm 1822, triều Nguyễn sai Thống chế Thủy sư Phan Văn Trường chỉ huy binh lính các vệ Thần Uy, Chấn Uy, Cơ Chấn Thủy... đóng thuyền kiểu Tây (Pháp), thuyền đóng xong đặt tên là Thụy Long. Nhà vua thưởng cho tốp thợ 2.000 quan tiền.

Sách Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực cho biết, vào tháng 4 năm Canh Dần (1830), "vua nghe nói ngoại quốc có xe hỏa, tàu thủy và nhiều vật lạ, sai lũ (Đặng) Khải đi Lã Tống (Lucon), Tây dương để mua."

Vua Minh Mạng cũng là người đã đúc rút kinh nghiệm, tìm tòi, sáng tạo ra loại thuyền tuần tiễu trên biển dựa trên việc kết hợp những ưu điểm giữa các loại thuyền đã có của thủy quân triều Nguyễn.

Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép: Nhà vua nhận thấy: "Trong việc tuần tra lùng bắt giặc biển, từ trước đến nay, đều phái các thuyền thuộc hạng dài, lớn, nên xoay chuyển chậm đến nỗi giặc thường chạy thoát. Thuyền Ô, Lê lại thấp bé, khi có giặc, mình (chỉ thủy quân triều Nguyễn) không khỏi ở thế thấp đánh cao. Nay ra lệnh châm chước giữa 2 thứ ấy đóng riêng một thuyền Tuần dương bọc đồng dài 4 trượng 4 thước 1 tấc, rộng 1 trượng 4 tấc, sâu 7 thước 2 tấc."

Quy chế thủy quân cũng được Minh Mạng cải tiến, đặc biệt quan tâm đến việc luyện tập cho hải quân và tăng cường công tác diễn tập khi tuần tra: "Đi tuần phòng ven bể, một là để thao luyện cách lái thuyền cho quen thiện dòng nước, một là để tập đánh dưới nước, biết rõ đường bể, khiến cho bọn giặc bể nghe tin không dám gây sự. Thế có phải là một việc mà ba điều lợi không."

Lực lượng thủy quân dưới thời Minh Mạng được sự quan tâm thích đáng của triều đình, đã trở thành một đội quân hùng mạnh với nhiều loại thuyền chiến và vận tải khác nhau, có thể đáp ứng những yêu cầu phục vụ cho chiến trận cũng như giao thương trên sông nước của triều đình và các địa phương.

Vua Minh Mạng cũng từng ban hành và thực hiện các chính sách về quản lý thuyền bè, tuần tra, cứu hộ, cứu nạn và chống hải tặc trên biển.

Để quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền, triều Nguyễn đã ban hành nhiều chỉ dụ, nội dung bao gồm tuần hành xem xét tàu qua các cửa biển và ra khơi theo đoàn; quản lý chặt chẽ tình hình tàu thuyền ra vào lạch và cửa biển dưới hình thức "Nhật ký công tác," tổ chức tìm kiếm thuyền bị nạn hay niêm phong thuyền khi cần thiết.

Thời vua Tự Đức, năm 1876, còn cho lập lực lượng tuần dương thuộc nha Tuần hải do Bùi Viện chỉ huy. Lực lượng này có quân luật riêng, chia hai nhóm Thanh Đoàn và Thủy Dũng, có nhiệm vụ tuần tiễu, canh phòng mặt biển và chống hải tặc.

Nếu là thuyền đến buôn bán chính thức, chính quyền địa phương thực hiện đo khám, kiểm tra số người và đối chiếu thuyền bài.

Đây là việc làm bắt buộc đối với địa phương có thuyền buôn nước ngoài đến buôn bán. Đối với thuyền quá cảnh chờ đến nơi khác, chính quyền địa phương thực hiện đo khám, cấp phép và thu nạp thuế. Trong trường hợp bất thường, việc xử lý thật dứt khoát trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật và đảm bảo an toàn an ninh cho quốc gia...

Có thể khẳng định, trong suốt quá trình tồn tại, các vị vua triều Nguyễn đều nhận thức biển đảo có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn vong của triều đại, với an ninh quốc gia, dân tộc.

Nó được xem là nhân tố, là cơ sở để phòng thủ, bảo vệ quốc gia từ xa trước sự dòm ngó của bên ngoài, nhất là các nước phương Tây. Đó cũng chính là một trong những yếu tố tác động đến ý thức hướng biển và chủ trương tăng cường phòng thủ biển đảo của triều Nguyễn.

Từ chính sách quản lý vùng biển đảo nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng của triều Nguyễn, từ Gia Long đến Thiệu Trị là khá toàn diện và tương đối chặt chẽ, đến xây dựng hệ thống bản đồ, lập bia cắm mốc đến thường xuyên cử đội thuyền ra các đảo hay thực hiện việc cứu hộ các tàu buôn nước ngoài...

Tất cả những điều đó đã minh chứng triều Nguyễn là chủ nhân thực sự của một vùng rộng lớn trên biển Đông, bao gồm các đảo gần bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Chính vì thế, sau năm 1885, khi người Pháp đã đặt được ách đô hộ lên toàn cõi Việt Nam, một số nhà nghiên cứu người Pháp đã có những sự đầu tư nghiên cứu và công bố kết quả về biển đảo thuộc vùng lãnh thổ Việt Nam.

-  Xin cám ơn ông.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục