Những kỳ vọng của Ấn Độ vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Trong trường hợp bị các thành viên Nhóm P5 phủ quyết, cách mà Ấn Độ giải quyết các quyền lợi của họ tại Hội đồng Bảo an sẽ là một phép thử cho khát vọng của nước này trở thành cường quốc mới nổi.
Toàn cảnh một cuộc họp HĐBA LHQ tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh một cuộc họp HĐBA LHQ tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng của Vivekananda India Foundation- một tổ chức chuyên gia tư vấn hàng đầu có trụ sở ở New Delhi (Ấn Độ) mới đây đã đăng bài phân tích của Đại sứ Asoke Mukerji, nghiên cứu viên cấp cao, đề cập những kỳ vọng của Ấn Độ khi đảm nhiệm chiếc ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2021-2022).

Bài viết có một số nội dung đáng chú ý sau:

Ấn Độ bắt đầu nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần thứ 8 từ ngày 1/1/2021 với ba ưu tiên được Ấn Độ xác định khi vận động tranh cử vào Hội đồng Bảo an:

Một là, chống khủng bố bằng cách thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc;

Hai là, sử dụng hiệu quả các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc;

Ba là, cho phép sử dụng công nghệ với sự can thiệp của con người.

Ấn Độ đã đề xuất theo đuổi các ưu tiên trên trong khi kêu gọi “chủ nghĩa đa phương được cải cách,” về cơ bản có nghĩa là cho phép tất cả các thành viên của Hội đồng Bảo an tham gia một cách bình đẳng trong việc đưa ra các quyết sách.

Theo Đại sứ Mukerji, “Chủ nghĩa đa phương được cải cách” đòi hỏi phải kết hợp cách tiếp cận chiến lược của Ấn Độ nhằm cải tổ Hội đồng Bảo an, được Thủ tướng Narendra Modi một lần nữa đề cập tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9/2020, với các hành động của Ấn Độ trong Hội đồng Bảo an như kêu gọi ứng phó với những thách thức ngày càng đa chiều đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Quá trình ra quyết định trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chịu sự chi phối của quyền phủ quyết của 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an (Nhóm P5), đã được sử dụng 293 lần kể từ năm 1946.

Bế tắc trong việc ra quyết định do sử dụng quyền phủ quyết thường khiến con người phải trả giá đắt.

Ví dụ gần đây nhất là sự đối đầu Mỹ-Trung hồi đầu năm 2020 đã ngăn cản việc thông qua kịp thời một nghị quyết của Hội đồng Bảo an nhằm hỗ trợ về mặt chính trị để Liên hợp quốc đối phó với đại dịch COVID-19.

Cách Ấn Độ - quốc gia không có quyền phủ quyết với tư cách là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - giải quyết các quyền lợi của họ như thế nào nếu bị các thành viên Nhóm P5 phủ quyết sẽ là một phép thử cho khát vọng của nước này trở thành cường quốc mới nổi.

Tất cả 8 lần Ấn Độ trúng cử vào chiếc ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đều nhờ những lá phiếu ủng hộ của hơn 2/3 số thành viên Liên hợp quốc.

Điều này đáng ghi nhận trong bối cảnh không quốc gia nào trong Nhóm P5 (gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc) từng ra tranh cử và giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc để giành chiếc ghế trong Hội đồng Bảo an.

Vào lúc mà các cường quốc như Mỹ đang tái khẳng định vai trò của các nền dân chủ trong việc điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế thì thành tích và vai trò của Ấn Độ với tư cách ủy viên không thường trực được bầu một cách dân chủ trở nên quan trọng.

[5 nước trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ]

Ấn Độ phải tận dụng khía cạnh này khi họ nỗ lực nhằm làm cho Hội đồng Bảo an phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn trước các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Mối liên kết giữa hòa bình, an ninh và phát triển cho phép Ấn Độ tạo ra không gian ngoại giao thông qua quan hệ đối tác trong Hội đồng Bảo an để theo đuổi việc đưa ra các quan điểm tiến bộ về các vấn đề quốc tế quan trọng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dựa trên 3 ưu tiên của Ấn Độ.

Đối với cuộc chiến chống khủng bố, Ấn Độ phải tìm kiếm một vai trò trong quá trình ra quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi cân nhắc về “điểm nóng” của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu xuất phát từ khu vực Afghanistan-Pakistan.

Năm 2013, Afghanistan đã đứng sang một bên ủng hộ Ấn Độ cho cuộc bầu cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020.

Ngày nay, cả Ấn Độ và Afghanistan đều phải đối mặt với viễn cảnh tài trợ cho khủng bố được hồi sinh từ khu vực ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ.

Với tư cách đối tác hỗ trợ phát triển chính của Afghanistan, Ấn Độ phải lồng ghép các mối quan tâm của Afghanistan vào bất kỳ sáng kiến nào của Ấn Độ để thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, bao gồm cả việc yêu cầu Pakistan tuân thủ các quy tắc của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) được đề cập trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về chống khủng bố.

Thành công của Ấn Độ đòi hỏi sự ủng hộ của Nhóm P5, vốn đang bất đồng ở các mức độ khác nhau trong việc truy quét các nhóm khủng bố ở khu vực Afghanistan-Pakistan do lợi ích địa chính trị và khu vực của họ.

Để việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hiệu quả hơn, Ấn Độ phải trở thành một bên đóng vai trò quan trọng trong việc soạn thảo các quy định về nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cho các phái bộ ở châu Á và châu Phi, nơi hiện phần lớn trong số 6.000 lính gìn giữ hòa bình của Ấn Độ đang được triển khai.

Kinh nghiệm tiên phong của Ấn Độ trong việc gửi các nữ binh sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Liberia và Nam Sudan có thể trở thành hình mẫu cho các sứ mệnh của Hội đồng Bảo an trong việc phản ánh các vấn đề liên quan phụ nữ, hòa bình và an ninh và bảo vệ dân thường.

Trong quá trình này, Ấn Độ sẽ tạo điều kiện cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thực hiện cải cách, kết hợp gì giữ hòa bình với xây dựng hòa bình, đặc biệt là tăng cường thể chế quản trị quốc gia.

Trong lĩnh vực thứ ba là sử dụng công nghệ kỹ thuật số để trao quyền và phát triển con người, Ấn Độ có vị thế tốt nhờ kinh nghiệm của nước này trong lĩnh vực nền tảng kỹ thuật số để dẫn dắt các cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông đối với hòa bình, an ninh và phát triển.

Việc Ấn Độ ủng hộ một cách tiếp cận toàn diện, biến Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững trở thành khuôn khổ cho các hành động của Hội đồng Bảo an về các vấn đề mạng có thể bù đắp cho sự chia rẽ của Nhóm P5 về các vấn đề an ninh mạng hiện nay.

Nếu không được kiểm soát, sự phân cực một chiều như vậy có thể dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc, thậm chí là đối đầu, của trật tự thế giới kỹ thuật số đang nổi lên, gây phương hại cho các nỗ lực phát triển bền vững.

Là đại diện được bầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương giữ ghế ủy viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ấn Độ được cho là sẽ hoạt động tích cực trong các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương đã có trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an gồm vấn đề Afghanistan, Iran, Yemen, Syria và vấn đề Palestine.

Vai trò, cách tiện cận chiến lược rõ ràng và mang tính xây dựng của Ấn Độ sẽ tạo sự cân bằng sức mạnh trong nhiều vấn đề, cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc, nước hiện là thành viên thường trực duy nhất của châu Á-Thái Bình Dương trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Do đó, nhiệm kỳ lần thứ 8 của Ấn Độ phải nêu bật lợi ích hiện hữu trong việc đưa Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục