Những lo ngại về kế hoạch kinh tế của ông Obama

Trong bối cảnh bức tranh nền kinh tế Mỹ ngày càng ảm đạm, đã xuất hiện những nghi ngại về tính hiệu quả của kế hoạch đầy tham vọng mà Tổng thống Barack Obama đưa ra nhằm vực dậy nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Trong bối cảnh bức tranh nền kinh tế Mỹ ngày càng ảm đạm, đã xuất hiện những nghi ngại về tính hiệu quả của kế hoạch đầy tham vọng mà Tổng thống Barack Obama đưa ra nhằm vực dậy nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Ông Obama coi các đề xuất chính sách đối nội của ông là "sự đoạn tuyệt với quá khứ rắc rối". Tuy nhiên, viễn cảnh kinh tế Mỹ hiện giờ thậm chí còn ảm đạm hơn so với tháng 1/2009, bất chấp những phát biểu táo bạo và cam kết của ông rót thêm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ.

Mặc dù uy tín cá nhân của ông Obama vẫn cao, một số nhà kinh tế và nghị sỹ bắt đầu đặt câu hỏi liệu chương trình tăng cường hoạt động của chính phủ mà vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ đề ra có mang lại hiệu quả không, hay lại "phản tác dụng" do gieo rắc sự bất ổn trong giới doanh nghiệp, đầu tư và người tiêu dùng - nhân tố có thể khiến cuộc suy thoái hiện nay kéo dài thêm.

Theo các nhà phân tích, bức tranh kinh tế Mỹ dường như ngày càng mang nhiều gam màu tối trong thời kỳ đầu cầm quyền của ông Obama. Các lĩnh vực của nền kinh tế đều đang chật vật với những khó khăn, thị trường cổ phiếu sụt giá, việc bán tháo cổ phiếu vẫn tiếp tục; tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng... Thêm vào đó, tình trạng bất ổn làm gia tăng tâm lý lo ngại.

Giám đốc phụ trách chính sách tài chính của Viện Cato, Chris Edwards, nói: "Chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp đang có tâm trạng lo sợ. Tôi cho rằng tình trạng bất ổn là kẻ sát nhân thực sự ở nước Mỹ".

Một số đảng viên Dân chủ, vốn hoài nghi tác dụng các kế hoạch của ông Obama, đang đề nghị Tổng thống phải "hiện thực hóa" lời kêu gọi "hành động táo bạo và những ý tưởng lớn". Đặc biệt, họ đã chỉ ra những nỗ lực không suôn sẻ nhằm bình ổn hệ thống tài chính của Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner.

Một số nhà phân tích cho rằng ông Obama có thể đã góp phần gây ra tâm trạng lo lắng trên cả nước bởi lời cảnh báo đầu tiên về một "thảm họa" nếu kế hoạch kích thích kinh tế của ông không được thông qua, cũng như trong việc đặt hy vọng quá cao vào Bộ trưởng Tài chính Geithner.

Đề xuất của ông Obama nhằm hạn chế giảm thuế cho tầng lớp có thu nhập cao hơn cũng bị các nghị sĩ phe Cộng hòa, và thậm chí một số nghị sĩ đảng Dân chủ hàng đầu, trong đó có Thượng nghị sỹ Charles Rangel của bang New York, đặt thành nghi vấn. Thậm chí, những tuyên bố của Nhà Trắng rằng các chính sách của họ sẽ "tạo" hoặc "duy trì" 3,5 triệu việc làm cũng bị những người ủng hộ phe Dân chủ nghi ngờ.

Phe Cộng hòa quả quyết rằng các đề xuất của ông Obama, bao gồm cả các khoản tiền đánh vào những ngành gây ô nhiễm môi trường, sẽ làm tăng các loại thuế trong thời kỳ suy thoái.

Nhiều nhân vật diều hâu còn lo ngại rằng hàng nghìn tỷ USD mà chính phủ, Quốc hội và Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) đang tung ra có thể gieo rắc mầm mống lạm phát, cho dù các biện pháp này có thành công trong việc khống chế suy thoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục