Những lo ngại xung quanh cuộc bạo động ở Algeria

Tình hình chính trị ở Algeria trở nên trầm trọng hơn khi số người biểu tình phản đối Tổng thống tranh cử đã lên tới 1 triệu người và có sự tham gia của người Algeria ở các nước, đặc biệt là ở Pháp.
Những lo ngại xung quanh cuộc bạo động ở Algeria ảnh 1Biểu tình phản đối Tổng thống Algeria tiếp tục tranh cử. (Nguồn: EPA)

Theo trang mạng moderndiplomacy.eu, tình hình chính trị ở Algeria đang trở nên trầm trọng hơn trong lúc số lượng người tham gia biểu tình trên đường phố lên tới 1 triệu người và có sự tham gia của đại diện cộng đồng người Algeria ở các nước khác, và đặc biệt là tại Pháp.

Hàng nghìn người Algeria phản đối chế độ Tổng thống đương nhiệm Abdelasziz Bouteflika đã đổ ra đường phố ở Pháp, chủ yếu là ở Paris và Marseille.

Một trong số các lý do nội bộ kích động căng thẳng ở Algeria đó là việc nhiều người dân Algeria từ chối công nhận quyết định tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, người đã cầm quyền từ năm 1999 và hiện đã 82 tuổi, vào ngày 18/4 tới.

Điều kích động sự phản đối của dân chúng không phải bởi uy tín của Tổng thống (ông đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập của đất nước và chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu năm 2002), mà là bởi tình trạng sức khỏe của ông.

Tuy nhiên, điều gây quan ngại nhất trong bối cảnh hiện nay không chỉ đơn thuần là các diễn biến nội bộ, mà là sự đấu đá của các thế lực bên ngoài để lợi dụng cuộc biểu tình và can thiệp bằng biện pháp khẩn cấp.

Theo một số báo cáo, lực lượng đứng đằng sau phong trào phản kháng không chỉ là các nhà hoạt động Algeria ở nước ngoài và còn có các nhóm dưới sự chỉ đạo của Liên minh châu Âu (EU) và một số tại Mỹ, vốn rất tức giận với các nhà lãnh đạo Algeria vì sự lưỡng lự của họ trong 2 lĩnh vực quan trọng là chính trị-quân sự và năng lượng.

Về hợp tác quân sự-kỹ thuật, Algeria là một trong các đối tác chính của Nga, không chỉ ở châu Phi mà còn trên bình diện quốc tế.

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn từ năm 2013-2017, Nga đã cung cấp cho Algeria số vũ khí trị giá 2,4 tỷ USD, chiếm 59% nhập khẩu vũ khí của Algeria.

Theo các báo cáo năm 2016, Algeria đứng thứ 3 trong số các nước mua vũ khí của Nga (923,6 triệu USD), trên Việt Nam và sau sát nút Trung Quốc (958,8 triệu USD)

Điều này chủ yếu do 2 nhân tố - trước hết là truyền thống hợp tác lịch sử từ thời Algeria giành độc lập với sự giúp đỡ của Liên bang Xô Viết và thứ hai là mối quan hệ căng thẳng của Algeria với nước láng giềng Morocco ở phía Tây Sahara.

[Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika tuyên bố không từ chức]

Nếu nhìn tổng thể, hợp tác thương mại và kinh tế giữa Nga và Algeria cũng phát triển không ngừng.

Theo báo cáo năm 2017, Algeria đứng thứ 2 trong số các nước châu Phi nhập khẩu hàng hóa từ Nga, với 4,6 tỷ USD, chỉ sau Ai Cập (6,2 tỷ USD).

Trong lúc hợp tác giữa Algeria và Nga là nguồn cơn gây lo ngại với EU, NATO và Mỹ, thì ý định của ban lãnh đạo Algeria xem xét lại việc cung cấp khí đốt cho thị trường châu Âu lại khiến Brussels bất ngờ và kích động một chương trình nghị sự để nêu ra vấn để sớm loại bỏ ban lãnh đạo Algeria hiện nay.

Cuối tháng 12/2018, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Mustafa Gitoni đã đưa ra tuyên bố rằng trong vòng 5 năm tới, Algeria sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu do sự gia tăng tiêu thụ nội địa.

Năm 2017, Algeria chuyển 49,6 tỷ m3 khí đốt cho châu Âu thông qua các đường ống dẫn khí đốt và dưới loại hình khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Các kế hoạch chuyển hướng cung cấp khí đốt của chính phủ Algeria đã kích động phản ứng tiêu cực cả từ EU và Mỹ.

Trong bối cảnh sản lượng khí đốt ở Hà Lan và Na Uy sụt giảm, chính nguồn cung liên tục từ Algeria mới đảm bảo được an ninh năng lượng của châu Âu và do đó giúp giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Trong bối cảnh hiện nay, người ta hy vọng vào sự can thiệp từ phía Mỹ và EU để “mang đến” cho Algeria một chính trị gia mới, người sẽ hành động có lợi cho các lợi ích của phương Tây.

Bên cạnh đó, tình hình hiện nay cũng có lợi cho các phần tử Hồi giáo, những kẻ sẽ tìm cách lặp lại kịch bản cuộc nội chiến những năm 90 của thế kỷ XX để giành thêm nhiều lợi ích cho chúng.

Và đây sẽ là sự leo thang căng thẳng mới ở Bắc Phi, Địa Trung Hải và Trung Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục