Những lưu ý với doanh nghiệp Việt Nam về thị trường Mali

Trong bối cảnh Mali bị cấm vận, doanh nghiệp Việt Nam cần bám sát diễn biến tình hình chính trị, những thay đổi về chính sách kinh tế của Mali và thận trọng trong giao dịch.
Những lưu ý với doanh nghiệp Việt Nam về thị trường Mali ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)

Trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) áp đặt lệnh cấm vận đối với Mali, ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Mali, cho rằng lệnh trừng phạt kinh tế này của ECOWAS đã gây tác động không nhỏ đối với Mali nói chung và quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mali nói riêng.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Tham tán Hoàng Đức Nhuận cho rằng trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và bất ổn chính trị tại Mali, đặc biệt là việc các nước láng giềng đóng cửa biên giới và Ngân hàng Trung ương các quốc gia Tây Phi phong tỏa giao dịch với quốc gia này, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mali năm 2020 sẽ giảm mạnh do trở ngại trong việc vận chuyển hàng hóa vào Mali và khó khăn thanh toán tiền hàng từ lệnh cấm vận.

Ông Hoàng Đức Nhuận nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam cần bám sát diễn biến tình hình chính trị, những thay đổi về chính sách kinh tế của Mali và thận trọng trong giao dịch.

[ECOWAS kêu gọi sớm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Mali]

Hiện tại, một số vấn đề đã xảy ra khi giao dịch với thị trường Mali như hàng đến cảng chậm hơn so với thời hạn do đại dịch COVID-19, hàng hóa không thể vào Mali do các nước láng giềng có cảng biển đóng cửa biên giới trên bộ với quốc gia Tây Phi này, hoặc các nhà nhập khẩu không thể thanh toán từ ngân hàng tại Mali do bị phong tỏa giao dịch quốc tế.

Một điểm lưu ý nữa là thời gian vận chuyển hàng bằng đường biển từ Việt Nam đến một cảng ở Tây Phi như Dakar của Senegal khá lâu, từ 45-60 ngày. Đây là những trường hợp bất khả kháng mà doanh nghiệp cần tính đến khi giao dịch với Mali trong thời điểm hiện tại. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ đối tác để tránh các rủi ro thương mại.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mali đạt 38,9 triệu USD, tăng gần 11 lần so với năm 2018, với các mặt hàng xuất khẩu chính gồm dầu thô (27 triệu USD), ximăng (10,5 triệu USD), hải sản, hạt tiêu, gạo, sản phẩm chất dẻo...

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Mali đạt 28,49 triệu USD, tăng 24% so với năm 2018. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính gồm bông các loại (chiếm tới 28 triệu USD), hạt điều, đồng, máy vi tính, sản phẩm sắt thép...

ECOWAS gồm 15 nước Tây Phi, trong đó Mali là thành viên, đã áp đặt lệnh cấm vận và các biện pháp trừng phạt kinh tế với Mali sau khi xảy ra cuộc đảo chính hồi tháng trước.

ECOWAS đã tuyên bố đóng cửa biên giới trên bộ, trên không cũng như ngừng mọi giao dịch kinh tế, thương mại và tài chính giữa 14 nước thành viên với Mali, đồng thời kêu gọi các đối tác cũng làm như vậy.

Tổ chức này cũng cho biết đã tạm thời loại Mali khỏi các cơ quan hoạch định chính sách của ECOWAS.

Sau quyết định trên, Ngân hàng các quốc gia Tây Phi (BCEAO) đã có thư gửi các ngân hàng, cơ sở tài chính trực thuộc yêu cầu tạm ngừng giao dịch với Mali./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục