Những lý do đằng sau việc Qatar quyết định rút khỏi OPEC

Ngoại trưởng UAE viết trên Twitter rằng việc rời khỏi OPEC chính là sự thừa nhận về "vai trò cũng như ảnh hưởng ngày càng giảm sút của Qatar trong bối cảnh Doha bị cô lập về chính trị."
Những lý do đằng sau việc Qatar quyết định rút khỏi OPEC ảnh 1Toàn cảnh thành phố công nghiệp Ras Laffan, nơi đặt các cơ sở sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar, cách thủ đô Doha khoảng 80km về phía bắc tháng 2/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AFP, ngày 3/12, tân Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi cho biết quốc gia vùng Vịnh này sẽ rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) vào tháng tới để tập trung cho hoạt động sản xuất khí đốt, đồng thời phủ nhận ý kiến cho rằng động thái bất ngờ này của Doha bắt nguồn từ cuộc tranh cãi gay gắt giữa Qatar với Saudi Arabia giàu dầu lửa.

Qatar là thành viên của OPEC kể từ năm 1961. Quyết định rút khỏi OPEC sau hơn 5 thập kỷ có mặt trong tổ chức này được Qatar đưa ra đúng vào thời điểm chính trường ở khu vực vùng Vịnh vô cùng rối ren, khi Doha đang bị các đồng minh láng giềng trước đây - trong đó có cả Saudi Arabia - tẩy chay suốt 18 tháng qua.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Doha, Kaabi nói: "Qatar đã quyết định rút khỏi OPEC bắt đầu từ tháng 1/2019. Quyết định này đã được Qatar thông báo với OPEC sáng nay (3/12)."

Tuy nhiên, Kaabi - cũng là người đứng đầu công ty quốc doanh Qatar Petroleum - đã phủ nhận thông tin cho rằng quyết định này của Doha có liên quan đến cuộc tranh cãi giữa Qatar với Saudi Arabia và các đồng minh.

Ông nhấn mạnh rằng quyết định nói trên của Qatar mang tính "kỹ thuật và chiến lược," chứ "không liên quan gì tới việc nước này đang bị phong tỏa."

Cựu Thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim bin Jaber Al-Thani, nhân vật vẫn rất có ảnh hưởng, viết trên Twitter rằng OPEC là một tổ chức "vô dụng" và "đang bị lợi dụng để nhằm mục đích gây tổn hại cho lợi ích quốc gia của chúng ta."

Kaabi cho biết Qatar sẽ tiếp tục sản xuất dầu và tìm kiếm thỏa thuận với nhiều nước, trong đó có nhà sản xuất dầu hàng đầu ở Mỹ Latinh là Brazil, đồng thời tuyên bố rằng Qatar sẽ "sớm tạo ra một bước đại nhảy vọt trong hoạt động kinh doanh dầu và khí đốt."

[Chính sách dầu mỏ toàn cầu bị ảnh hưởng khi Qatar rút khỏi OPEC]

Trong phản ứng đầu tiên trước thông báo của Qatar, Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất Anwar Gargash viết trên Twitter rằng việc rời khỏi OPEC chính là sự thừa nhận về "vai trò cũng như ảnh hưởng ngày càng giảm sút của Qatar trong bối cảnh Doha bị cô lập về chính trị."

Một số nhà phân tích cho rằng Qatar rút khỏi OPEC là "một quyết định mang tính chính trị nhằm phản đối Saudi Arabia," nước sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC.

Kaabi cho biết hoạt động sản xuất khí đốt vẫn là ưu tiên hàng đầu của Qatar, nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới. Ông nêu rõ: "Chúng tôi không có tiềm năng trong lĩnh vực dầu lửa, chúng tôi rất thực tế. Tiềm năng của chúng tôi là khí đốt. Tôi cho rằng việc tập trung vào lĩnh vực vốn không phải là hoạt động kinh doanh nòng cốt sẽ không mang lại hiệu quả và không làm lợi cho bạn xét về lâu dài."

Tháng 9/2019, Qatar công bố kế hoạch thúc đẩy sản xuất khí đốt lên 110 triệu tấn/năm vào năm 2024. Theo trang web world data.info, sản lượng dầu của Qatar vào khoảng 600.000 thùng/ngày, và Qatar là nước sản xuất dầu thô lớn thứ 17 thế giới.

Theo CIA World Factbook, Qatar chỉ chiếm khoảng 2% lượng dầu dự trữ trên toàn cầu. Kaabi cho biết ông sẽ vẫn tham dự hội nghị OPEC diễn ra tại Vienna vào cuối tuần này. Hội nghị này dự kiến sẽ hoạch định chính sách cho năm 2019.

Giới phân tích cho rằng mặc dù động thái nói trên của Qatar là điều hoàn toàn bất ngờ, song nó không làm ảnh hưởng nhiều đến thị trường toàn cầu. Fiona Cincotta, nhà phân tích thị trường kỳ cựu của City Index có trụ sở tại Anh, và Amrita Sen - nhà phân tích về lĩnh vực dầu lửa của tổ chức các nhà tư vấn năng lượng - đều cho rằng việc rút khỏi "chủ yếu mang tính biểu tượng đối với Qatar."

Trao đổi với hãng tin Bloomberg, Amrita Sen nói: "Hoạt động sản xuất dầu lửa của Qatar nhìn chung đều đặn, hầu như không có triển vọng tăng."

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Thierry Bros của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho rằng việc Qatar rời khỏi OPEC sẽ khiến tổ chức này suy yếu tại thời điểm Riyadh đang phải chống chọi với làn sóng phẫn nộ của quốc tế về vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại.

Ông nói: "Quyết định này cho thấy Saudi Arabia sẽ gặp khó khăn hơn trong việc điều hành công việc tại OPEC. Những nước còn lại trong OPEC vốn không phải là những người bạn 'hợp cạ', chẳng hạn như Iran và Saudi Arabia"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục