Những lý do nào khiến Mỹ thận trọng khi trừng phạt Nga?

Một số chuyên gia Mỹ cho rằng các đòn trừng phạt này “nhẹ nhàng” hơn những gì Bộ Ngoại giao Mỹ từng đe dọa trước đó, và có thể sẽ chỉ dừng ở mức cảnh cáo.
Những lý do nào khiến Mỹ thận trọng khi trừng phạt Nga? ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Các đòn trừng phạt mới mà Mỹ nhằm vào Nga sau vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc đã chính thức có hiệu lực từ ngày 27/8.

Một số chuyên gia Mỹ cho rằng các đòn trừng phạt này “nhẹ nhàng” hơn những gì Bộ Ngoại giao Mỹ từng đe dọa trước đó, và có thể sẽ chỉ dừng ở mức cảnh cáo.

Các khoản hỗ trợ nước ngoài, các hợp đồng mua bán khí tài và dịch vụ quốc phòng, các hàng hóa nhạy cảm và các công nghệ có liên quan tới Nga, cùng “mọi khoản đảm bảo tín dụng và các hỗ trợ tài chính khác” của các cơ quan chính phủ Mỹ, đều sẽ bị cấm theo lệnh trừng phạt mới.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết của việc bổ sung danh sách miễn trừ trừng phạt gồm hoạt động trong các lĩnh vực như hợp tác không gian, các vụ phóng tàu vũ trụ mang tính thương mại, hàng không dân dụng, giao dịch với các công dân Nga, với các doanh nghiệp quốc doanh hoặc được nhà nước cấp vốn.

[Gói biện pháp trừng phạt thứ nhất của Mỹ nhằm vào Nga có hiệu lực]

Nhà nghiên cứu Darrell West, hiện làm việc tại Viện Brookings, nói với Tân Hoa xã: “Hiện tại, Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào Nga để đưa con người đến và đi khỏi Trạm Không gian Quốc tế. Sẽ phải mất một năm hoặc hơn trước khi Mỹ đủ sức thay thế điều này.”

Rõ ràng, việc đưa các nội dung liên quan đến hoạt động giao dịch với công dân, các doanh nghiệp quốc doanh hoặc có vốn nhà nước của Nga vào danh sách miễn trừ cho thấy Chính quyền Trump đang nỗ lực hạn chế tối đa ảnh hưởng của lệnh trừng phạt và phần nào ngăn chặn nguy cơ Quốc hội thúc đẩy những biện pháp cứng rắn hơn.

Quyết định mới của Mỹ trái ngược hoàn toàn với lời đe dọa mà Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hôm 8/8 về việc trừng phạt các doanh nghiệp có vốn nhà nước của Nga.

Bình luận của Christopher Ford, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, rằng “các biện pháp này... sẽ có hiệu lực trong ít nhất một năm và cho tới khi có thông báo mới” cũng khác với đe dọa của Washington rằng nếu Nga không đáp ứng các yêu cầu, Mỹ sẽ áp đặt các đòn trừng phạt nghiêm khắc hơn sau ba tháng kể từ thời điểm vòng trừng phạt đầu tiên có hiệu lực.

Giới phân tích cho rằng việc Mỹ nhằm áp đặt các đòn trừng phạt có vẻ đã được nới lỏng là căn cứ vào thực tế rằng những biện pháp cứng rắn hơn sẽ hủy hoại chính lợi ích của Mỹ, và ảnh hưởng tiêu cực tới đối thoại song phương vừa được xúc tiến cách đây không lâu.

Benjamin Friedman, chuyên gia về chính sách đối ngoại và quốc phòng hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu Chính sách Ưu tiên Quốc phòng có trụ sở ở Washington, cho rằng các nghị sỹ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều muốn trừng phạt Nga một cách cứng rắn, vì vậy Chính quyền có thể đã tìm cách áp đặt các lệnh cấm vận “nhẹ nhàng hơn” để “hạn chế khả năng Quốc hội đề xuất gói trừng phạt hợp pháp khác.”

Nga phản ứng trước các đòn trừng phạt của Mỹ với một thái độ khá kiềm chế. Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho rằng các đòn trừng phạt “không hề ảnh hưởng tới quyết tâm theo đuổi lộ trình quan hệ quốc tế của Nga,” đồng thời miêu tả các đòn trừng phạt của Mỹ là “áp lực thô thiển”, mang tính “thù địch”, “phi pháp” và “một chiều.” Tuy nhiên, Nga ngỏ ý mong muốn đối thoại và tránh chỉ trích trực tiếp Chính quyền Trump.

Nga nhấn mạnh rằng giới chóp bu chính trị của Mỹ dường như đã phớt lờ thực tế rằng mọi quyết định nhằm “điên cuồng” trừng phạt Nga “càng đẩy Mỹ tới gần hơn tới chỗ không thể quay về việc giải quyết các áp lực quốc tế cấp bách - chẳng hạn như cuộc chiến chung chống lại chủ nghĩa khủng bố và nguy cơ các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt rơi vào tay các thực thể phi chính phủ.”

Cùng ngày, truyền thông dẫn lời người phát ngôn của Điện Kremlin cho biết Moskva cần thời gian để đánh giá tác động của các đòn trừng phạt trước khi cân nhắc biện pháp đáp trả. Kremlin cũng không đưa ra những đe dọa “ăn miếng trả miếng” như thường thấy.

Ông West cho rằng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ càng khoét sâu thêm căng thẳng giữa hai nước. Ông nói: “(Tổng thống Vladimir) Putin sẽ xem đây là một bằng chứng khác cho thấy Mỹ bài Nga và có thể sẽ càng có thêm động lực tiến hành những bước đi chống Mỹ và châu Âu.” Ông lưu ý rằng Nga đang tích cực xây dựng liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, “các đòn trừng phạt của Mỹ sẽ càng khích lệ quan hệ của Nga với các quốc gia này”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục