Những mảnh đời tương lai mịt mù sau thảm kịch tại Formosa

Bài 3: Những mảnh đời tương lai mịt mù sau thảm kịch tại Formosa

Thảm họa Formosa không chỉ cướp đi sinh mạng của 13 con người mà còn dồn đẩy gia đình họ đối mặt với nguy cơ đói nghèo, nợ nần và thất học.
Bài 3: Những mảnh đời tương lai mịt mù sau thảm kịch tại Formosa ảnh 1Thảm họa Formosa đang khiến nhiều gia đình đối mặt với nguy cơ đói nghèo, thất học (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước thảm họa Formosa, 13 công nhân từ nhiều miền quê khác nhau đổ về Vũng Áng với ước mong kiếm được những khoản tiền về trang trải nợ nần, nuôi con cái ăn học. Thế nhưng, thần chết đã cướp đi mạng sống của họ, dồn đẩy thêm 13 gia đình vào chỗ đối mặt với cái đói, cái nghèo, sự thất học.

Sau nỗi đau mất người thân, cả chục con người giờ đang phải trực tiếp đối mặt với một tương lai mịt mù, chưa lối thoát..

“Chạy gạo” làm ma cho chồng

Mờ sáng 26/3. Trời Lâm Trạch lạnh ngắt. Những đợt gió hun hút từ trảng rừng bạch đàn phía trước thốc thẳng vào căn nhà gỗ liêu xiêu bên vệ đường. Người đàn bà 33 tuổi ngồi gần như bất động, nhìn đăm đăm ra con đường liên thôn chạy ngay trước nhà. Thi thể chồng chị, anh Nguyễn Văn Dũng đang được đưa về sau giấc mơ ngắn ngủi Formosa.

Phía trong, 3 đứa nhỏ vẫn thiêm thiếp ngủ. Tiếng thở đều đều, tiếng khóc hờ, tiếng cọt kẹt gió... càng làm cho không khí trở nên nặng nề hơn.

Ngày anh Dũng về lần cuối, cả căn nhà không có gì giá trị ngoài chiếc giường cũ kỹ sập sệ. Bên trái nhà, gió đã lột bay lớp tôn che mưa, hồng hộc thổi vào. Đến cả gạo để nấu bữa cơm cúng trước khi đưa anh ra đồng cũng chẳng còn một hạt. Người vợ góa thì vẫn cứ gào khóc như điên dại bên linh cữu người đã khuất

Cay đắng nhìn cảnh ấy, Nguyễn Văn Thập, em trai ruột, đồng thời cũng là đồng nghiệp của anh Dũng cố gạt nước mắt, chạy vạy khắp xóm nghèo Lâm Trạch vay mượn được lưng xô gạo về làm tang. Đến cả mảnh vải xô để mặc, họ hàng, làng xóm cũng phải góp vào cho.

“Khổ chi khổ rứa anh ơi. Chẳng còn gì cả. Anh ấy mới đi được mấy hôm và còn dặn sắp có tiền gửi về cho mấy mẹ con,” người đàn bà góa bụa da mặt tái ngắt vừa hờ chồng vừa nói.

Bài 3: Những mảnh đời tương lai mịt mù sau thảm kịch tại Formosa ảnh 2Để làm tang cho cha, chồng mình, những người góa phụ đất Quảng Bình phải đi vay từng lon gạo (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhà anh chị chỉ có 10 thước đất lúa, hai vợ chồng bị cái nghèo đằng đẵng bám miết sau lưng. Ra Giêng, anh đi vào Formosa với hy vọng về một cuộc sống tốt hơn cho 3 đứa con còn thơ dại. Nhưng giấc mơ ấy đến giờ mãi mãi không trở thành hiện thực.

Nỗi lo về cái đói cũng là mẫu số chung của rất nhiều gia đình những công nhân không may nằm xuống sau sự cố sập giàn giáo tại Formosa.

Góa phụ Nguyễn Thị Thương (thôn 2, xã Lâm Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) gượng mãi mới dậy được, liêu xiêu dẫn chúng tôi ra xem túi gạo chỉ còn một ít ở đáy. Cũng giống như chị Phương, ngày thi thể chồng chị là anh Nguyễn Văn Lịch được đưa về, trong nhà chỉ còn mấy thùng mỳ tôm. Gạo hết, tiền hết, con lên cơn sốt ngằn ngặt khóc đòi cha…

“Nhà hắn bữa nớ còn chi mô. Tui phải mang thóc ở nhà đi xát vội rồi mang qua làm ma cho đó,” chị dâu Thương nói nức nở.

Ôm chặt con trong lòng, người vợ trẻ xóm nghèo kể lại: “Anh ấy mới đi được 4 ngày. Trước khi đi do không có tiền, anh ấy chỉ kịp chuẩn bị mấy thùng mỳ tôm và cháo hộp cho 3 mẹ con em và hẹn khi mô có tiền sẽ mua thêm…”

Nói đến đây, Thương gục mặt khóc. Nước mắt chỉ còn ri rỉ ra dưới cặp mắt đỏ hoe và dài dại. Căn nhà trống tuênh, tiếng khóc ấm ức, đau đáu cả một khoảnh mênh mông…

Vỡ nợ, vỡ mộng đến trường

Ông Nguyễn Ngọc Khai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lâm Trạch cho hay: Gia đình 3 nạn nhân tử nạn tại hai thôn 1 và 2 đều thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trước khi vào làm việc tại Formosa, hầu hết họ đều chỉ quanh quẩn với mấy thước ruộng hoặc làm nghề đi rừng vốn nhiều rủi ro.

Trong số này, đặc biệt thương tâm là hoàn cảnh công nhân Nguyễn Văn Lịch. Sau 3 năm đi bộ đội, Nguyễn Văn Lịch trở về Lâm Trạch lập gia đình. Năm 2014, anh được trợ cấp gần 10 triệu đồng tiền hộ nghèo. Để có chỗ trú mưa, tránh nắng cho vợ và hai con, anh đã vay thêm gần 100 triệu đồng nữa để dựng nhà.

“Nhà em làm thô xong và chuyển vào ở đúng ngày 26 Tết. Anh ấy cũng chỉ kịp ngủ ở đây mấy ngày rồi đi làm mướn suốt,” chị Thương, vợ Lịch thảng thốt nhớ lại.

Ăn xong cái Tết ở nhà, Lịch quyết định vào Vũng Áng làm công nhân với hy vọng kiếm tiền trả nợ và nuôi vợ, con. Ngày anh đi cũng là ngày nhà cạn tiền, anh chỉ kịp mua mấy thùng mỳ tôm, cháo hộp gửi lại vợ con để đợi đến tháng lương đầu…

Chị Thương sau cái chết của chồng gầy quắt queo và không còn đủ sức làm bất cứ việc gì. Hai cháu bé cũng còn quá nhỏ. Nợ nần sau thảm họa Formosa đang trở thành một gánh nặng tức thì đối với những người ở lại.

Bài 3: Những mảnh đời tương lai mịt mù sau thảm kịch tại Formosa ảnh 3Nguy cơ thất học đang nhãn tiền với con các nạn nhân xấu số. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Gia cảnh của nạn nhân Nguyễn Văn Bảo (thôn 1, Lâm Trạch) cũng tăm tối không hề kém. Là con út trong gia đình mồ côi cha, từ nhiều năm nay, anh Bảo một mình làm việc nuôi mẹ già hơn 60 tuổi. Năm 2012, nhờ tiền chính sách cộng với vay mượn thêm, anh dựng được căn nhà ngay sát đường liên xã. Khoản nợ hơn 20 triệu đồng, Bảo dự định sẽ đi làm để trả hết trong năm nay.

“Nó đi làm được đến buổi thứ hai thì gặp nạn. Giờ nhà mế mất nốt trụ cột cuối cùng rồi,” mẹ Hoàng Thị Hiều nức nở.nói trong tiếng nấc.

Đói nghèo, nợ nần cũng chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện hậu Formosa. Cay đắng hơn, những đứa trẻ con các nạn nhân đang trực tiếp đối mặt với nguy cơ thất học.

Ông Nguyễn Văn Hữu, bố nạn nhân Nguyễn Văn Chiến (thôn Đại Nam 3, xã Đại Trạch, Bố Trạch) ngậm ngùi cho hay: Sau cái chết của Chiến, em trai út là em Nguyễn Văn Cửu đã bỏ học. Trước đó, một người em khác của nạn nhân cũng đi làm phụ xây bên Lào thay vì tới lớp do gia cảnh quá khó khăn.

Tương tự là hoàn cảnh của gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Dũng tại xã Lâm Trạch. Hai cháu lớn con anh là Nguyễn Thị Hà và Nguyễn Thị Giang chưa đầy 10 tuổi, từ hôm cha mất cũng đã nghỉ học ở nhà. Mặc dù đã được chính quyền hỗ trợ tiền ăn học, nhưng như lời mẹ cháu bảo: “Giờ cũng chưa biết tính cho chúng thế răng. Đến cái ăn còn thiếu anh ơi.”

Em út của nạn nhân Trần Công Minh (sinh năm 1995, xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình) cũng đã bỏ học ngay sau sự cố Formosa do nhà quá nghèo. Bố Minh, ông Trần Ngọc Sáng thổn thức: “Nhà tôi nghèo quá, hai vợ chồng bệnh tật liên miên. Giờ cháu lại mất, việc học của thằng út chắc đành phải gác lại.”

Chưa lúc nào, thảm kịch đêm 25/3 tại Formosa lại kéo theo nhiều hệ lụy đến thế. Nó dồn đẩy 13 gia đình đối mặt với những nguy cơ nhãn tiền và chưa có lối thoát. Mạng người đã mất, giờ cả hàng chục con người còn sống lại tiếp tục gánh trên vai mình những gánh nặng khổng lồ….

Bài 4: Giấc mơ giảng đường dang dở của anh công nhân Formosa

Trong số 13 nạn nhân đã tử vong sau sự cố sập giàn giáo tại Formosa, Trần Công Minh là người trẻ nhất. Do nhà quá nghèo, bố mẹ mất sức lao động lại ốm đau liên miên nên chàng trai 20 tuổi đất Quảng Tiên, Quảng Trạch, Quảng Bình đã gác lại việc thi lên đại học. Em vào Formosa với ước mơ kiếm đủ tiền để sau này tự trang trải giấc mơ giảng đường. Vậy nhưng, tai họa đã ập đến, cắt ngang mọi hy vọng của người thanh niên ấy.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục