Những “mẩu chuyện” đau lòng về chính sách ở mũi đất Cà Mau

Tại tỉnh Cà Mau từ nhiều năm nay đã và vẫn đang tồn tại những câu chuyện khó tin liên quan đến chế độ, chính sách cho liệt sỹ và người có công với cách mạng nói chung.
Những “mẩu chuyện” đau lòng về chính sách ở mũi đất Cà Mau ảnh 1Bà Ảnh trong hơn 10 năm nay đã đằng đẵng đội đơn gõ cửa các cơ quan chức năng với hy vọng đòi lại quyền lợi cho người cha quá cố (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong những ngày có mặt ở miền đất tận cùng ​của Tổ quốc, Cà Mau, chúng tôi không thể cầm lòng trước những câu chuyện hết sức khó tin về chính sách đối với thương binh, liệt sỹ và người có công ở mảnh đất này. Có người đàn bà, từ 10 năm nay, đằng đẵng đội đơn đi gõ cửa từng cơ quan công quyền để công nhận quyền lợi cho người cha quá cố trong nỗi tuyệt vọng vô bờ.

Đau lòng hơn, một số kẻ lợi dụng chính sách của Nhà nước và sự thiếu hiểu biết của người dân đã ngang nhiên trục lợi, ăn chặn tiền hỗ trợ cho những liệt sỹ đã ngã xuống. Chúng, thậm chí, còn nhẫn tâm đẩy lùi ngày khai tử của thân nhân liệt sỹ xuống vài chục năm để “nuốt” tiền khống…

Mỗi một câu chuyện là một mảng nhỏ trong bức tranh đau lòng ở Cà Mau, là một vết thương vẫn mãi chưa lành hàng chục năm sau cuộc chiến.

Bài 1: Người đàn bà 10 năm đi đòi sự thật cho người cha quá cố

​Mười năm ròng tự đội đơn gõ cửa quan trên đòi quyền lợi làm liệt sỹ cho người cha quá cố nhưng đáp lại là những cái lắc đầu, nỗi tuyệt vọng ngày một lớn dần trong người đàn bà năm nay đã tròn 60 tuổi.

25 năm chiến đấu đến chết

Tìm đến ấp Tân Bằng, xã Phong Lạc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chúng tôi gặp bà Trần Nguyệt Ảnh. Nhận được tin chúng tôi sẽ về, cả buổi chiều bà đứng chờ ngoài hiên. Bà Ảnh hiện lên trước mắt chúng tôi ​​trong bộ dạng gầy gò, khắc khổ cùng đôi mắt đục ngầu luôn nhìn về phía xa xăm.

Đã 10 năm ròng, bà ​đội đơn đi kêu cứu cho người cha quá cố của mình là ông Trần Văn Tuất. Gần 25 năm chiến đấu, cống hiến cho cách mạng nhưng khi nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn không được công nhận là liệt sỹ.

Bà Ảnh tâm sự với chúng tôi, ông Tuất sinh năm 1930, tham gia Cách mạng từ năm 1957. Thời điểm đó, ông làm công tác vũ trang ngầm của xã Khánh Bình Tây. Năm 1960 vào lực lượng vũ trang tuyên truyền đánh phá kềm của huyện Trần Văn Thời; từ năm 1960–1962 là đội trưởng trại giam tù hành binh huyện Trần Văn Thời; từ năm 1962–1964 làm bí thư chi bộ thị trấn Sông Đốc; từ năm 1964-1968 được rút lên làm cán bộ Nông dân huyện Trần Văn Thời; năm 1968-1970 làm bí thư xã Khánh Hưng A; năm 1970-1982 là huyện đội phó huyện đội Trần Văn Thời. Từng ấy năm công tác, đến cả tỉnh Cà Mau còn biết danh tiếng ông. “Ấy vậy mà bây giờ người ta phủ nhận cả chuyện ổng đi đánh giặc”, bà Ảnh nức nở.

Những “mẩu chuyện” đau lòng về chính sách ở mũi đất Cà Mau ảnh 2Ông Trần Văn Tuất (bên phải) ngày còn sống (Ảnh: Tư liệu gia đình)

Tìm đến những đồng đội của của ông Tuất, chúng tôi gặp ông Cao Nguyên Đức (tức Mười Đức) 91 tuổi ngụ tại xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, cho biết, ông công tác với ông Tuất từ năm 1958. Trong thời gian hoạt động, ông Tuất có thời điểm bị giặc bắt và tra tấn dã man nhưng trốn thoát được. Tới đồng khởi năm 1960, ông bắt đầu đi công tác thoát ly.

Năm 1963, trong trận đánh với địch tại thị trấn Sông Đốc, ông Tuất bị thương, gãy một cánh tay, gãy hai xương sườn. Đến năm 1969, trong trận đánh tại đồn cầu chữ Y, xã Khánh Hưng A, huyện Trần Văn Thời, ông lại bị pháo đánh sập hầm trọng thương.

“Mấy trận chống càn năm 1969, ổng xuống trực tiếp chỉ đạo, về sau ổng mệt quá tôi với ông Bảy Tài phải dìu đi thì ổng thở ra máu. Từ đó, vết thương của ổng liên tục tái phát,” ông Nguyễn Hữu Đắc, một đồng đội của ông Tuất bồi hồi kể lại.

Ông Ba Tòng, phụ trách hậu cần trong đơn vị chiến đấu của ông Tuất hồi tưởng lại, năm 1972, ông Tuất tái phát bệnh. Lúc đó chẳng có gì, ông Tòng phải đi tìm cây lức về phơi khô sắc thuốc cho ông Tuất uống. Trận đánh đồng Mười năm 1973 đánh vài ngày đêm, ông Tuất vẫn phải ôm thuốc theo.

Cũng theo xác nhận của những người làm công tác quân y trực tiếp điều trị và đồng đội cũ, vết thương của ông Tuất đã nhiều lần tái phát nhưng không có điều kiện chữa trị vì lao lực chiến đấu khiến sức khỏe ông suy kiệt.

Do bị mất sức lao động nên Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau lúc bấy giờ ra quyết định công nhận ông Tuất mất sức lao động tỉ lệ 64% (tương đương thương binh loại II) trong thời gian chiến đấu. Ông Tuất nghỉ hưu từ ngày 1/11/1982, chỉ hai tháng sau tức tháng 1/1983, ông đột ngột mất tại bệnh viện Quân Y 121.

Những “mẩu chuyện” đau lòng về chính sách ở mũi đất Cà Mau ảnh 3Ông Mười Đức, một đồng đội với ông Tuất xác nhận lại quá trình chiến đấu của ông (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

​Tại Khoản 6, Điều 3, Mục 3 của Nghị định 54/2006/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định quân nhân ốm đau, bị thương, mất sức lao động tùy tỷ lệ từ 61% đến 80% đang điều trị vết thương tái phát từ bệnh viện cấp tỉnh trở lên, mà chết, thì được công nhận liệt sỹ.

Theo ​văn bản mới nhất là tại Điểm i, Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh Ưu đãi người công với cách mạng đã quy định: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh bị chết do vết thương tái phát (không áp dụng đối với thương binh loại B) trong các trường hợp sau: Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát có xác nhận của Sở Y tế; suy giảm khả năng lao động từ 61%-80% chết trong khi đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện cấp huyện hoặc cấp tương đương trở lên” sẽ được công nhận là liệt sỹ.

Thông tư liên tịch giữa Bộ Lao Động – Thương binh Xã hội và Bộ Quốc Phòng số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP, ngày 22/10/2013, tại khoản 2, Điều 3 quy định các căn cứ xác nhận liệt sỹ như sau: “Người hi sinh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong khu nghĩa trang liệt sỹ, nơi hi sinh được gắn bia mộ liệt sỹ từ ngày 31/12/1994 trở về trước”.

“Căn cứ các quy định này, cha tôi hoàn toàn đủ điều kiện để được xác nhận là liệt sỹ”, bà Ảnh nói.

Năm 2007, khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có thông tư hướng dẫn bổ sung việc thực hiện ưu đãi đối với người có công với Cách mạng, nhận thấy ba mình có đủ điều kiện để làm, bà Ảnh bắt đầu hành trình làm hồ sơ xin công nhận liệt sỹ cho ông.

Tuy nhiên, bà không lường hết được những khó khăn trắc trở và sau gần 10 năm với nhiều uẩn ức, cha bà vẫn chưa được làm liệt sỹ.

Những cái lắc đầu “lạnh lùng” từ cơ quan chức năng

Bà Ảnh cho biết, mặc dù từ năm 2010 đến nay, bà đã khiếu nại nhiều nơi, từ Phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Trần Văn Thời đến Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cà Mau nhưng đều nhận được câu trả lời: ông Trần Văn Tuất không đủ điều kiện để công nhận liệt sỹ với lý do ông chết bệnh khi ở nhà chứ không phải do vết thương tái phát.

Dù đã nhiều lần kêu cứu khắp nơi, nhưng đáp lại bà Ảnh là những cái lắc đầu phủ nhận chế độ cho ông Tuất. Không cam chịu, năm 2010, bà Ảnh tiếp tục tìm đến bệnh viện Quân Y tỉnh Cà Mau thì gặp được ông Nhan Trung Thu, thiếu tá–bác sỹ, nguyên Chủ nhiệm Quân Y Minh Hải. Ông Thu xác nhận: đồng chí Trần Văn Tuất đã điều trị nhiều lần tại Bệnh viện Quân Y Minh Hải. Tháng 11/1982, ông Tuất tái nhập viện Quân Y Minh Hải. Tháng 12/1982, ông Tuất từ trần. Kết luận của bệnh án là do vết thương cũ tái phát gây ảnh hưởng đến vùng phổi và tim quá nặng dẫn đến tử vong. Giấy xác nhận được ông Trung Thu ký vào ngày 24/3/2010, cam đoan toàn bộ là sự thật và xin chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật.

Bệnh viện Quân Y Minh Hải sau này được đổi tên thành Bệnh viện Quân Y Cà Mau. Giấy xác nhận của thiếu tá–bác sỹ Nhan Trung Thu đã được Giám đốc Bệnh viện Quân Y Cà Mau – trung tá, bác sỹ Nguyễn Bình Định ký xác nhận ngày 2/4/2010. Trước đó, Uỷ ban nhân dân phường 6, Thành phố Cà Mau, nơi thiếu tá–bác sỹ Nhan Trung Thu sinh sống, cũng đã xác nhận và chứng thực chữ ký hợp pháp của ông.

Những “mẩu chuyện” đau lòng về chính sách ở mũi đất Cà Mau ảnh 4Đã 10 năm nay, bà Ảnh mòn mỏi đợi chờ một phán quyết hợp tình hơn với trường hợp của cha mình (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bà Ảnh khẳng định: “Cha tôi chết do vết thương tái phát và được ông Nhan Trung Thu xác nhận. Dù giấy tờ, bệnh án của ông đã không được bệnh viện Quân Y tỉnh Cà Mau lưu giữ cho đến ngày tôi tìm đến (theo bác sĩ Bình Định – Giám đốc Bệnh viện Quân Y Cà Mau cho biết: Hồ sơ bệnh án ở đây qua 10 năm là hủy hết) nhưng tôi đã xin được sự xác nhận của các y bác sỹ từng trực tiếp điều trị cho cha tôi.”

Cũng theo y sỹ Trần Quan Sang, nguyên Trưởng đội phẫu thuật Quân Y tỉnh Cà Mau, nguyên Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Quân Y Cà Mau viết trong đơn xác nhận: “Đồng chí Trần Văn Tuất đã điều trị nhiều lần tại Bệnh viện Quân Y Minh Hải do vết thương tái phát. Tháng 12/1982, do miếng pháo vẫn còn nằm trong cơ thể và không đủ sức khỏe để phẫu thuật, đồng chí Tuất đã qua đời.”

“Với sự xác nhận của những người này, đủ chứng minh cha tôi chết do vết thương trong chiến tranh tái phát”, bà Ảnh cho biết.

Cầm hết những giấy tờ xác nhận như vậy hàng chục lần bà Ảnh gõ cửa Phòng Lao động thương binh và Xã hội huyện nhưng không một ai giải quyết, thậm chí còn đóng cửa không tiếp bà.

Ngày 11/8/2015, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cà Mau tiếp tục ban hành quyết định 1163/QĐ-UBND để giải quyết vấn đề khiếu nại của bà Ảnh và giữ nguyên nội dung: Ông Trần Văn Tuất không đủ điều kiện xem xét công nhận liệt sỹ.

Nghĩa trang huyện Trần Văn Thời hiện là nơi yên nghỉ của hàng trăm liệt sỹ đã ngã xuống tại mảnh đất này. Cũng trong khuôn viên của nghĩa trang rộng hàng ngàn mét vuông ấy, từ rất lâu, người ta dựng thêm một khu mang tên Từ Trần để chôn cất người có công với huyện Trần Văn Thời cũng như các cán bộ hưu trí.

Trái ngược với vẻ trang nghiêm, quy củ của khu Liệt sỹ, khu Từ trần đang có dấu hiệu xuống cấp. Nhiều ngôi mộ thậm chí đã bị “vô danh hóa” khi toàn bộ thông tin trên bia đã hoàn toàn xóa nhòa. Có ngôi mộ bị sụt lún nghiêm trọng.

Bài 2: Ngôi mộ bị “bỏ rơi” ngoài nghĩa trang liệt sỹ

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục