Những mốc son lịch sử qua các kỳ đại hội Đảng (I)

Mỗi kỳ Đại hội Đảng là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận những thắng lợi, thành tựu và những bài học kinh nghiệm của cách mạng VN.
Kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản đã trải qua 10 kỳ đại hội. Mỗi kỳ Đại hội Đảng là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận những thắng lợi, thành tựu và những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ ngày 3 đến ngày 7/2/1930 tại Cửu Long, gần Hương Cảng (Trung Quốc) mang tầm vóc lịch sử của Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng, vạch ra đường lối giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam.

Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng, Trung Quốc (từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930), quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua Luận cương Chính trị, các Nghị quyết quan trọng về nhiệm vụ cần kíp vận động các đối tượng quần chúng cụ thể. Hội nghị đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương chính thức của Đảng do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng: Củng cố, phát triển lực lượng lãnh đạo toàn dân chống đế quốc, chống chiến tranh

Ngay sau khi thành lập, Đảng đã lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc giành những thắng lợi, mà đỉnh cao là cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng. Sau đó, thực dân Pháp xâm lược thẳng tay đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước. Tổng Bí thư Trần Phú và nhiều người cộng sản bị bắt và đã anh dũng hy sinh. Cơ quan đầu não của Đảng không còn.

Theo chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Ban chỉ huy ở nước ngoài (Ban Hải ngoại) của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập đầu năm 1934, do ông Lê Hồng Phong làm Thư ký (Bí thư). Ban Hải ngoại giữ vai trò lãnh đạo và tổ chức lại cơ quan Trung ương của Đảng. Vượt qua cuộc khủng bố trắng ác liệt, Đảng và các phong trào cách mạng, các cơ sở quần chúng vẫn tồn tại, phát triển rộng khắp. Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản Lê Hồng Phong cùng các vị lãnh đạo trong nước tổ chức khôi phục phong trào, tổ chức của Đảng và chuẩn bị Đại hội.

Đại hội lần thứ I của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1935, tại Macau, Trung Quốc, với sự tham gia của 13 đại biểu thuộc các đảng bộ trong nước và tổ chức của Đảng hoạt động ở nước ngoài, do đồng chí Hà Huy Tập chủ trì. Đại hội đánh giá việc khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng và phong trào đấu tranh của quần chúng, đồng thời đề ra ba nhiệm vụ củng cố và phát triển Đảng, đẩy mạnh cuộc vận động quần chúng và mở rộng tuyên truyền chống đế quốc, chống chiến tranh.

Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng, gồm 13 người. Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử làm đại diện của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đại hội Đại biểu của lần thứ I của Đảng là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu thắng lợi căn bản của cuộc đấu tranh giữ gìn và khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở.

Tháng 7/1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương họp ở Thượng Hải (Trung Quốc) để xác định chủ trương mới của Đảng về các vấn đề chiến lược và sách lược cách mạng ở Đông Dương. Hội nghị cử đồng chí Hà Huy Tập giữ chức Tổng Bí thư.

Tháng 3/1938, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp quyết định mở rộng hơn nữa Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương. Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, sau đó được bầu làm Tổng Bí thư.

Tháng 11/1939, Ban Chấp hành Trung ương họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ quyết định điều chỉnh sự chỉ đạo chiến lược của cách mạng Đông Dương cho phù hợp hoàn cảnh mới. Từ đó, phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước diễn ra sôi nổi, báo hiệu cuộc Tổng khởi nghĩa toàn quốc của nhân dân sẽ nổ ra.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng: Đảng lãnh đạo toàn dân kháng chiến, kiến quốc

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Dân tộc Việt Nam, chế độ Việt Nam đứng trước những thách thức cực kỳ hiểm nghèo: Quân Tưởng tràn vào miền Bắc kéo theo các đảng phái phản động; được sự che chở của quân Anh, quân đội Pháp quay trở lại đánh chiếm miền Nam, với mục đích chung là bóp chết Nhà nước công nông đầu tiên còn non trẻ ở Đông Nam Á. Cùng lúc, đất nước phải đối mặt với ba khó khăn, thù trong giặc ngoài và hậu quả 80 năm dưới ách đô hộ áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến mà nặng nề nhất là nạn đói năm 1945 làm hơn 2 triệu người chết.

Trước thế “ngàn cân treo sợi tóc,” Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung lãnh đạo kháng chiến, khôn khéo loại dần những kẻ thù, tranh thủ thời gian để chuẩn bị điều kiện và lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, động viên toàn dân gia tăng gia sản xuất; tổ chức cuộc Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội khóa I, thành lập Chính phủ và ban hành Hiến pháp năm 1946.

Để bảo vệ hòa bình độc lập dân tộc, Việt Nam kiên trì đàm phán, thương lượng với thực dân Pháp. Song bọn thực dân quyết xâm lược Việt Nam một lần nữa. Chúng gây hấn ở Lạng Sơn, Hải Phòng rồi tiến đánh Hà Nội. Càng nhân nhượng, chúng càng lấn tới, buộc dân tộc Việt Nam phải cầm súng chiến đấu. Từ ngày 18 đến 19/12/1946, tại làng Vạn Phúc thị xã Hà Đông (Hà Tây, nay là Hà Nội), Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng nêu quyết tâm tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngay hôm đó 19/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.” Ngay sau đó, ngày 22/12, Đảng ra Chỉ thị toàn dân kháng chiến.

Năm 1947, Tổng Bí thư Trường Chinh viết tác phẩm "Kháng chiến nhất định thắng lợi" xác định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính. Các nghị quyết hội nghị Trung ương và Hội nghị quân sự toàn quốc do Trung ương tổ chức đã từng bước hoàn chỉnh đường lối kháng chiến của Đảng. Sau chiến thắng thu-đông năm 1947 và chiến dịch Biên giới năm 1950, thế và lực của cuộc chiến tranh nhân dân phát triển vượt bậc. Để tiếp tục phát triển đường lối kháng chiến, kiến quốc, Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.

Đại hội họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến 19/2/1951, với sự tham gia của 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 760.000 đảng viên. Đến dự Đại hội còn có đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Thái Lan.

Đại hội đã nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày báo cáo chính trị; Báo cáo Bàn về Cách mạng Việt Nam của Tổng Bí thư Trường Chinh; Báo cáo về tổ chức và Điều lệ Đảng của đồng chí Lê Văn Lương... Đại hội đã quyết nghị đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ mới của Đảng. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư.

Đại hội lần thứ II của Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Đảng, đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi. Đảng lãnh đạo nhân dân miền Bắc tiến hành khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ miền Bắc, chi viện cho miền Nam.

Nhân dân miền Nam tiếp tục phải đương đầu với cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ. Chúng dựng lên chế độ độc tài, mưu đồ biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ và chia cắt lâu dài đất Việt Nam.

Với luật phátxít 10/59, chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp nơi, tàn sát dã man những người yêu nước. Giữa lúc cách mạng miền Nam đầy cam go, đồng chí Lê Duẩn trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư xứ ủy Nam Bộ đã viết Đề cương cách mạng miền Nam nêu rõ, “Ngoài con đường cách mạng, nhân dân miền Nam không có con đường nào khác.”

Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 15 (tháng 1/1959) xác định rõ đường lối cách mạng miền Nam, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam. Nghị quyết quan trọng này đã tạo bước chuyển biến lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân cả nước, góp phần hoàn chỉnh đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng. Từ đó, phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam ngày càng lan rộng, nhất là phong trào “đồng khởi” phá thế kìm kẹp của địch, giành chính quyền.

Sự phát triển của cách mạng miền Bắc, cách mạng miền Nam tạo ra những chuyển biến tích cực cho cả nước. Đảng tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III từ ngày 5 đến 10/9/1960 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết thay mặt hơn 500.000 đảng viên.

Trong lời khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà."

Đại hội thông qua nhiệm vụ và phương hướng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Đại hội chỉ rõ nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà của nhân dân Việt Nam. Cách mạng miền Nam có vị trí rất quan trọng, quyết định trực tiếp sự nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân chủ nhân dân trong cả nước.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng (Người giữ cương vị này cho đến khi qua đời, tháng 9/1969); đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Với đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, với sự hy sinh vô cùng to lớn của nhân dân Việt Nam anh hùng, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi vô cùng to lớn.../.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục