Những mục tiêu kinh tế chiến lược của Trung Quốc đến năm 2035

Đảng Cộng sản Trung Quốc đề mục tiêu trở thành một cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại trên các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và các lĩnh vực khác vào năm 2035.
Những mục tiêu kinh tế chiến lược của Trung Quốc đến năm 2035 ảnh 1Sản xuất thép cuộn tại tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Thời báo Hoàn Cầu, với những tiến bộ mang tính quyết định trong 5 năm qua và chiến thắng chiến lược trước đại dịch COVID-19, ban lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã hé lộ bức tranh ổn định và tươi sáng cho tương lai của đất nước, khi họ đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội sâu rộng trong 5 đến 15 năm tới nhằm xây dựng quốc gia đông dân nhất thế giới thành một cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại trên các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và các lĩnh vực khác vào năm 2035.

Trong một thông cáo chung được công bố sau khi phiên họp toàn thể lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX (Hội nghị Trung ương 5 khóa XIX) kết thúc tại Bắc Kinh, các quan chức hàng đầu kết luận rằng Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn phát triển chiến lược quan trọng, viện dẫn "những thành tựu mang tính quyết định" trong 5 năm qua và "chính kết quả chiến lược "của đại dịch COVID-19, đồng thời đưa ra các giải pháp sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế cho tới an ninh và quản trị.

Các chuyên gia cho biết, trong khi thông cáo này thể hiện niềm tin vào các con đường phát triển và triển vọng của Trung Quốc, một số mục tiêu nhất định, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, phản ánh tâm lý thận trọng và thực dụng của các quan chức hàng đầu, do áp lực trong và ngoài nước ngày càng tăng đối với tăng trưởng, trong khi các mục tiêu khác như giảm khí nhà kính đã nêu bật quyết tâm của Trung Quốc theo đuổi tăng trưởng chất lượng cao và giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Những mục tiêu sâu rộng

Thông cáo cho biết "sau khi phân tích sâu những thay đổi sâu sắc và phức tạp mà đất nước chúng ta phải đối mặt trong quá trình phát triển, phiên họp toàn thể tin rằng sự phát triển của Trung Quốc vẫn nằm trong một giai đoạn chiến lược quan trọng", đồng thời kêu gọi sự kiên nhẫn chiến lược trong việc vượt qua thách thức và phấn đấu tiến bộ. Trong số những điểm chính rút ra từ thông cáo này là các mục tiêu sâu rộng được đặt ra cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-25) và các mục tiêu dài hạn đến năm 2035.

Diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Trung Quốc, cuộc họp kéo dài 4 ngày và các mục tiêu trong 5 đến 15 năm tới là những bước quan trọng trong mục tiêu dài hạn của Trung Quốc về trẻ hóa quốc gia. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cũng sẽ đánh dấu sự khởi đầu của việc theo đuổi mục tiêu 100 năm lần thứ hai là xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại.

[Kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh trong quý 3 nhờ nới lỏng hạn chế]

Dương Tuyết Đông, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Thanh Hoa, nói với Thời báo Hoàn Cầu hôm 29/10: "Trước đây, chúng ta thường đặt kế hoạch 5 năm, nhưng lần này lần đầu tiên chúng ta đề cập đến 'các mục tiêu dài hạn cho năm 2035'. Khoảng thời gian kéo dài từ 5 năm lên 15 năm. Điều đó cho thấy chúng ta đã trở nên chiến lược hơn."

Theo các mục tiêu trong thông cáo, Trung Quốc sẽ đạt được chủ nghĩa xã hội hiện đại vào năm 2035. Tài liệu này cho biết, những gì việc đó đòi hỏi bao gồm đạt được "những bước tiến lớn" về sức mạnh kinh tế, sức mạnh công nghệ cũng như sức mạnh quốc gia tổng thể. Tổng sản lượng kinh tế và thu nhập ở thành thị và nông thôn sẽ đạt "một tầm cao mới" và những đột phá lớn sẽ được thực hiện trong các công nghệ cốt lõi.

Điền Vân - Phó Giám đốc Hiệp hội Hoạt động Kinh tế Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn Cầu: "Tôi nghĩ những mục tiêu đó rất thực dụng vì chúng phản ánh những lợi thế và mục tiêu phát triển dài hạn của chúng ta, cũng như nhiều thách thức mà chúng ta phải đối mặt."

Mặc dù tài liệu này không đưa ra các mục tiêu thực nghiệm cụ thể, nhưng chuyên gia Điền Vân nói rằng những mục tiêu đó có thể có nghĩa là Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi GDP hiện tại khoảng 100 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2035 và gấp đôi GDP bình quân đầu người hiện tại là 10.000 USD.

Ông nói: “Điều đó sẽ đòi hỏi mức tăng trưởng GDP thực tế khoảng 3,5% hàng năm; đó là một mục tiêu lớn nhưng có thể thực hiện được nếu tiềm năng đầy đủ của Trung Quốc được thực hiện.”

Để phù hợp với truyền thống lâu đời hàng thập kỷ, thông cáo chung cũng bao gồm các mục tiêu cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Trong giai đoạn 5 năm tới, Trung Quốc sẽ hướng tới "những thành tựu mới" và "tăng trưởng bền vững và hợp lý" dựa trên những cải tiến về chất lượng. Thị trường trong nước sẽ được thúc đẩy hơn nữa và cơ cấu kinh tế sẽ được cải thiện.

Trong một sự khác biệt với các kế hoạch 5 năm trước đó, Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 không bao gồm mục tiêu tăng trưởng hàng năm, theo các chuyên gia, có thể bị bỏ qua do dịch COVID-19. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 6,5%.

Các chuyên gia lưu ý rằng quyết định đó phản ánh những rủi ro và thách thức đáng kể mà đất nước Trung Quốc đang phải đối mặt, bao gồm cả đại dịch COVID-19. Kế hoạch 5 năm mới được đưa ra vào thời điểm quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc đã ngăn chặn dịch bệnh một cách hiệu quả và bắt tay vào con đường phục hồi kinh tế ổn định với mức tăng trưởng 4,9% trong quý thứ ba của năm, nhưng loại virus chết người này vẫn tiếp tục hoành hành trên khắp thế giới, vốn đã bị sa lầy trong căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng.

Mặc dù bản thông cáo dài 6.200 chữ (tiếng Trung) tập trung chủ yếu vào các vấn đề kinh tế, nhưng nó cũng đề cập đến một danh sách dài các vấn đề, bao gồm hệ thống quản trị, an ninh, công bằng xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường - tất cả đều nằm trong chiến lược dài hạn của Trung Quốc nhằm xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa hiện đại.

Về an ninh, thông cáo chung kêu gọi hiện đại hóa quân đội. Về bảo vệ môi trường, thông cáo cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm lượng khí thải CO2 sau khi đạt mức cao nhất vào năm 2035, mà các chuyên gia gọi là cam kết "táo bạo" thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề về khí hậu và môi trường.

Con đường dẫn đến thành công

Thông cáo chung cũng vạch ra các chiến lược và con đường mà Trung Quốc sẽ thực hiện để vượt qua những thách thức đó và đạt được các mục tiêu của mình trong trung và dài hạn. Trong số các bước chính được liệt kê trong tài liệu là một chiến lược đã được chú ý rộng rãi - mô hình "tuần hoàn kép."

Cùng với các bài phát biểu trước đây của các quan chức hàng đầu, thông cáo kêu gọi hình thành một thị trường nội địa "mạnh mẽ" và thiết lập một mô hình tăng trưởng mới, nơi lưu thông nội bộ sẽ đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng, mặc dù lưu thông bên ngoài cũng sẽ được thúc đẩy.

Thông cáo chung cho biết, "tiêu dùng sẽ được thúc đẩy và dư địa cho các khoản đầu tư sẽ được mở rộng hoàn toàn."

Vương Huệ Diêu, một cố vấn của Quốc vụ viện (Chính phủ Trung Quốc) và là Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn Cầu hóa nói với Thời báo Hoàn Cầu hôm 29/10 rằng cho dù Trung Quốc đang ở trong một giai đoạn nhất thời, nơi cả cơ hội và thách thức đều dồi dào, nhưng việc nắm bắt đầy đủ 'tuần hoàn kép' sẽ biến điều này thành một thời kỳ cơ hội.

Với việc xuất khẩu của Trung Quốc, vốn đã giảm trong những năm gần đây, đối mặt với tình hình khó khăn do đại dịch hoành hành và căng thẳng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang dựa vào thị trường nội địa khổng lồ để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và an ninh.

Trung Quốc, quốc gia có dân số thu nhập trung bình hơn 400 triệu người, sẽ vượt Mỹ trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới trong những năm tới.

Bên cạnh chiến lược "tuần hoàn kép", thông cáo cũng nêu rõ sự tập trung của đất nước Trung Quốc vào đổi mới công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, gọi đây là chiến lược phát triển "định hướng đổi mới" và hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về đổi mới.

Trong tài liệu này, cụm từ đổi mới xuất hiện gần 20 lần và cụm từ công nghệ là 13 lần. Chuyên gia Vương Huệ Diêu nhấn mạnh, "một trong những điểm quan trọng nhất trong thông cáo chung là đề cập đến đổi mới như một chiến lược quốc gia cốt lõi ... Đối mặt với tình hình toàn cầu phức tạp, Trung Quốc cần phải cải thiện những lĩnh vực này."

Tuy nhiên, như thông cáo đã nêu rõ, việc tập trung vào lưu thông nội bộ không có nghĩa là Trung Quốc sẽ hướng nội và ngừng các chính sách mở cửa lâu nay của mình. Tài liệu cho biết Trung Quốc sẽ kiên quyết tuân thủ các con đường mở cửa của mình và sẽ liên tục mở rộng mở cửa ở cấp độ cao hơn.

Giáo sư Dương Tuyết Đông cho biết: "Khi chúng ta nói về Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, chúng ta không nên nhấn mạnh ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển trong nước. Nó cũng có ý nghĩa quan trọng trên toàn cầu. Nền kinh tế Trung Quốc là đầu tàu cho nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đạt được chiến thắng chiến lược trước nạn dịch và tăng trưởng kinh tế bền vững cũng là liều thuốc tạo niềm tin cho thế giới"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục