Những năm tháng không thể nào quên trên đất nước Campuchia

“Niềm tin vào một tương lai tốt đẹp không bao giờ lịm tắt. Có sống ở Campuchia trong những ngày đó mới thấy quý biết bao mỗi tín hiệu hồi sinh của một đất nước vừa trải qua thảm họa."
Những năm tháng không thể nào quên trên đất nước Campuchia ảnh 1Đồng chí Nguyễn Thị Định, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sang dự Hội nghị Thi đua “5 tốt” toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phụ nữ Campuchia (28/2/1985). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

“Ở Thành phố Hồ Chí Minh những ngày đó, trong không khí chiến tranh và hòa bình đan xen nhau, ngoài phố không khí vẫn ồn ào, hối hả bởi tiếng động cơ của xe cộ, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Trong mỗi bản tin từ biên giới gửi về, tôi vẫn cảm nhận như có tiếng súng nổ vang lên từng hồi, mùi thuốc súng khét lẹt và hình ảnh người chiến sỹ xung phong ở phía trước… Đến lúc này, khi lửa đã cháy và máu đã đổ, thôi thúc mọi người, đâu có thể ngồi yên…”

Đó là những dòng hồi ký của cựu chuyên gia kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam Đỗ Sỹ Mến, ở thời điểm cuối năm 1978 khi khắp vùng Tây Nam đất nước đang rực cháy, quân Khmer Đỏ tấn công biên giới, sát hại dã man người dân Việt, đốt phá làng mạc. Cả đất nước căm thù những hành động tàn bạo của quân giết người.

[Chuyện về những vali rau tiếp viện cho chiến trường Campuchia]

Đã hơn 38 năm trôi qua, kể từ ngày đầu tiên (1979), Đoàn chuyên gia của Thông tấn xã Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ quốc tế giúp Thông tấn xã Campuchia - SPK (nay là AKP), cho tới khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về Tổ quốc năm 1989.

Những năm tháng không thể nào quên trên đất nước Campuchia ảnh 2Chuyên gia kỹ thuật TTXVN Đỗ Sỹ Mến (phải) trên đất nước Campuchia. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

[Mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia: Sâu nặng ân tình]

Ở thời điểm cả đất nước, cả dân tộc vừa bước ra khỏi cuộc chiến khói lửa sau năm 1975, cuộc sống xã hội còn đầy khó khăn, vất vả bề bộn, những nhà báo, phóng viên, chuyên gia kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam lại xốc balô lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, với đầy đủ hành trang của những người lính thực sự, với ngòi bút, tinh thần sắt đá và một trái tim quả cảm giúp hồi sinh một đất nước Campchia kiệt quệ vì chế độ diệt chủng Pol Pot.

Ngày đó đã qua, giờ những mái đầu đã điểm bạc, người còn người mất, nhưng nhưng một trang lịch sử oai hùng không bao giờ phai nhòa trong ký ức các thế hệ các phóng viên, nhà báo, chuyên gia kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam, cơ quan báo chí duy nhất ở Việt Nam được phong tặng hai danh hiệu Anh hùng: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến cứu quốc.

Những năm tháng không thể nào quên trên đất nước Campuchia ảnh 3Đoàn kỹ thuật viên Thông tấn xã Việt Nam sang giúp Campuchia năm 1979. (Ảnh tư liệu do chuyên gia Đỗ Sỹ Mến cung cấp)

Trong năm tháng gian khó trên đất bạn, Đoàn S78 - tên gọi Đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia, đã giúp xây dựng cả một hãng thông tấn SPK. Có những chuyến đi công tác không thể nào quên với những người bạn Campuchia, trên những chiếc xe UAZ, ngoài máy điện báo, máy phát điện, tư trang và đồ nghề phóng viên, mỗi người còn phải mang theo súng AK với vài băng đạn.

Những rủi ro trúng mìn, bị tàn quân Pol Pot phục kích trên đường là chuyện thường xuyên với nhiều chuyên gia-quân tình nguyện Việt Nam thời điểm đó. Nhưng tất cả đã vượt lên, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong tâm trí mọi cán bộ Thông tấn xã Việt Nam ngày đó, Campuchia là những làng mạc bỏ hoang, Thủ đô Phnom Penh cổ kính và xinh đẹp hoàn toàn là một thành phố chết theo đúng nghĩa đen. Những đại lộ hun hút, vắng tanh. Những căn nhà đóng cửa im lìm, cỏ mọc đầy các vườn hoa. Không một bóng người, thậm chí cả súc vật cũng không có. Ngân hàng Quốc gia bị tàn phá, Chợ Mới bị bỏ hoang, mốc meo ẩm thấp. Ngôi trường duy nhất còn được sử dụng nhưng là dùng cho nhà tù Toul Sleng.

“Cũng ở nơi cùng khó, niềm tin vào một tương lai tốt đẹp không bao giờ lịm tắt. Có sống ở Campuchia trong những ngày đó mới thấy quý biết bao mỗi tín hiệu hồi sinh của một đất nước vừa trải qua thảm họa.”


[Việt Nam giúp đỡ vật chất, tinh thần giúp xây dựng đất nước Campuchia]

Những dòng hồi ký của nhà báo Thông tấn xã Việt Nam Phạm Tiến Dũng sẽ khiến bất kỳ ai cũng tin vào những điều diệu kỳ trong cuộc sống. Ông đã thực sự ngỡ ngàng trong một ngày tháng Giêng năm 1979, khi đang đi trên đường phố Phnom Penh không một bóng người, u vắng, bỗng vẳng nghe trong không gian tiếng đàn piano thánh thót.

“Ngực đeo máy ảnh, tay cầm súng tôi tò mò lần đi tìm đến nơi có tiếng đàn. Ồ, một khung cảnh thật thú vị. Trong khu vườn bỏ hoang có chiếc piano nhà ai để đó. Một người lính Campuchia đang say sưa chơi đàn, súng gác bên cạnh. Quanh anh mấy người dân, chắc từ đâu đó trở về, vẫn mang trên người bộ quần áo đen ‘công xã’ đang chăm chú nghe…”

“… Phút nghỉ ngơi giữa cuộc chiến. Sự đối lập giữa sự sống và cái chết, giữa sự tàn bạo của chiến tranh và sức sống của nghệ thuật, sự can đảm của những người lính trước giờ ra trận. Niềm tin vào ngày mai, vào tương lai…”

Những năm tháng không thể nào quên trên đất nước Campuchia ảnh 4Bộ đội ta truy kích lính Pol Pot, bảo vệ biên giới Tây Nam cuối năm 1978. (Ảnh: Nhà báo Vũ Xuân Bân - cựu phóng viên TTXVN cung cấp).

Trong tâm khảm của mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, lái xe, nhân viên…. chuyên gia Thông thông tấn xã Việt Nam mãi ghi sâu những hình ảnh về một giai đoạn đặc biệt của lịch sử làm nghĩa vụ quốc tế trong sáng, vô tư với khẩu hiệu “Giúp bạn là giúp mình.”

Như lời mở đầu trong cuốn “Những năm tháng ở Campuchia” (Nhà xuất bản Thông tấn - 2009), giai đoạn không thể nào quên ấy ấy đã tô thêm những trang sử vẻ vang, hào hùng vào truyền thống hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành của Thông tấn xã Việt Nam:

“… Em bé Khmer ơi/ Bầu trời đã tan mây/ Vừng dương đang tỏa sáng/ Anh sẽ đưa em đi/ Cho đến bến đến bờ/ Để em ca hát tuổi thơ/ Tương lai đẹp đang chờ đợi em…” (Trích thơ tác giả Nguyễn Đình Cao - Phnom Penh, 1981)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục