Những nàng dâu Việt ở Đài Loan

Lao động đổi đời, cô dâu Việt hạnh phúc ở Đài Loan

Nhiều lao động nữ ở các vùng quê nghèo Việt Nam đã đổi đời và tìm được hạnh phúc sau khi đi xuất khẩu lao động Đài Loan.
Lao động đổi đời, cô dâu Việt hạnh phúc ở Đài Loan ảnh 1Chị Trịnh Thị Lan sang Đài Loan làm lao động giúp việc và chăm sóc người già. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhiều lao động ở các vùng quê nghèo Việt Nam vẫn nuôi giấc mơ đổi đời bằng cách cầm cố vay mượn tiền ngân hàng để được “xuất ngoại” sang Đài Loan làm việc. Họ gạt nước mắt, vẫy chào cố hương, với sự lạc quan về một ngày mai tươi đẹp nơi “miền đất hứa”.

Và rồi, sau những tháng ngày sống nơi đất khách, quê người, những lao động Việt làm nghề giúp việc, chăm sóc người già, công nhân đã gửi những đồng tiền tích góp để trang trải cuộc sống gia đình. Thậm chí, có người đã tìm được hạnh phúc lứa đôi trên chính hòn đảo ngọc được bao quanh bởi sóng biển hiền hòa này.

“Miền đất hứa” xứ Đài

Trong ánh chiều tà tại Đài Trung, đoàn người Việt chúng tôi rất ấn tượng với hình ảnh người con gái đẩy chiếc xe lăn cho một cụ già đi dạo trong công viên.

Hỏi chuyện mới biết, chị Trịnh Thị Lan, 49 tuổi (phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa), sang Đài Loan được 9 năm làm lao động giúp việc cho một gia đình ở Đài Loan. Dáng vẻ nhanh nhẹn, nước da trắng, giọng nói mừng rớn, chị Lan kể về chuỗi hành trình xuất ngoại tìm kế sinh nhai ở đây.

Vốn ở vùng quê chỉ quanh năm cấy 2 vụ mùa lúa, nuôi lợn gà, gia đình chị làm đến đâu cũng chỉ đủ ăn. Vì thế, cuộc sống gặp nhiều khó khăn khi đứa con trai đầu bắt đầu bước vào lớp 1.

Nhiều đêm, vợ chồng chị bàn tính ra thành phố lập nghiệp nhằm bớt cực nhọc và có thêm thu nhập nhưng biết làm gì để có thể tồn tại nơi thị thành vốn “kẻ khôn, việc khó”. Tình cờ, qua một lần xem tivi, chị biết được thông tin một công ty đăng tuyển lao động nữ sang Đài Loan làm việc và ý nghĩ đó thôi thúc chị phải cố đi tìm vùng đất mới mưu sinh.

Đầu năm 2004, sau nhiều lần thuyết phục chồng ở nhà chăm lo cho đứa con trai mới tròn 4 tuổi, chị quyết định bán gần hết hòm thóc trong nhà, vay mượn tiền họ hàng đi lao động ngoại quốc vài năm để “đổi” đời.

“Thời gian đầu sang đây, đêm đêm khóc vì thương chồng con ở nhà không biết xoay sở ra sao khi vắng người phụ nữ. Công việc còn nhiều bỡ ngỡ nhưng cũng may nhà chủ tốt tính, tạo điều kiện cho liên lạc về quê thường xuyên. Mỗi lần điện về, nghe con bảo chuẩn bị biết đọc viết, nước mắt lại lăn dài trên 2 hàng mi,” chị Lan tâm sự.

Nhưng, nhịp sống cứ thế dần trôi, mỗi ngày, chị tâm niệm phải chăm chỉ làm để sau này có chút vốn liếng về lo cho con ăn học nên những buồn tủi được giấu chặt trong lòng. Nỗi nhớ ấy, đến đêm, chị mới khóc một mình.

Ở Đài Loan được gần chục năm, mỗi tháng gửi về nhà được 10 triệu đồng, đến nay, chị đã trả xong nợ cũ và xây nhà, mở quán tạp hóa buôn bán.

“Quy định của chính phủ Đài Loan 3 năm hết hạn lao động phải về nước để tiếp tục xin gia hạn. Gần chục năm xa nhà, tôi chỉ về được đúng 3 tuần lễ để ở bên gia đình. Đời mình đã khổ nên tôi càng quyết tâm đi để giành giụm tiền lo cho con ăn học,” chị Lan chia sẻ.

Cũng là lao động sang xứ Đài chăm sóc người già và giúp việc, chị Phạm Thị Luyến (xã Hồng Lạc, Thanh Hà, Hải Dương) đã ngót ngét gần một thập kỷ đặt chân lên thành phố Đài Trung của hòn đảo ngọc này.

Mất 19 triệu đồng để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động từ những năm 2005, chị Luyến vẫn nhớ như in trong nhà chỉ còn mỗi nửa bao thóc bởi, đồ đạc và tài sản đều cầm cố hay bán đi mới đủ số vốn ban đầu làm hành trang đặt chân đến Đài Loan.

“Trước khi đi, chồng dặn đi 3 năm thì về và động viên bằng cách, coi quãng thời gian đó là 3 giấc ngủ trưa. Nếu trắng tay thì về làm lại,” chị Luyến nói.

Đặt chân đến sân bay Nội Bài, đứa con trai 4 tuổi hỏi mẹ Tết có về không? Nhìn ánh mắt đen láy và ngây ngô của đứa trẻ, chị bật khóc rồi lặng lẽ rảo bước thật nhanh. 

Vốn dĩ quen với công việc nặng nhọc của nghề nông, sang Đài Loan, chị không nề hà các việc mà chủ nhà giao từ lau dọn nhà cửa, chăm sóc người già. Ba năm xứ người, quãng ngày đằng đẵng đó là sự thử thách ý chí quyết tâm, nghị lực và lo lắng về gia đình của người đàn bà thuần nông này.

“Ở Đài Loan cũng có rất nhiều người Việt làm ăn và sinh sống. Mỗi chiều, chị em đều gặp nhau ở công viên để hàn huyên và hỏi han đời sống nhằm vơi đi nỗi nhớ nhà. Chỉ cần nghe thứ ngôn ngữ quê hương vang lên ở đây, mọi nỗi buồn như được trút bỏ bớt đi phần nào,” chị Luyến chia sẻ.

Hạnh phúc dâu Đài, rể Việt

Trên hành trình đi từ Đài Trung đến Đài Bắc để tìm hiểu cuộc sống của các nàng dâu Việt bên xứ Đài, anh hướng dẫn viên trong đoàn đi bảo, nhiều lao động nữ đã là người “nâng khăn, sửa túi” cho không ít chàng trai sống trên hòn đảo ngọc nhỏ bé này.

Kết hôn được 12 năm và có 2 đứa con kháu khỉnh, chị Bùi Thị Nhung (Ninh Sơn, Hoa Lư, Ninh Bình) đang có một cuộc sống hạnh phúc.

Nhớ về thời gian yêu và kết hôn, chị Nhung kể rằng, nhà máy có rất đông trai bản địa làm việc, trong đó có một anh… làm chị bối rối.

Giọng nói hào hứng, xen lẫn hóm hỉnh, chị bảo, hạnh phúc của chị ban đầu chỉ là những ký hiệu giao tiếp bằng tay do chưa thạo tiếng.

“Anh ấy nói thì mình cũng chỉ bập bõm hiểu được đôi chút nên cứ gật đầu. Đến một ngày, anh ấy viết thư bày tỏ tình cảm nhưng tôi phải nhờ người phiên dịch mới biết rõ. Sau hơn một năm theo đuổi, tôi mới gật đầu để tiến tới hôn nhân. Đàn ông Đài Loan rất thật thà, hiền lành và chăm lo gia đình,” chị Nhung nhận xét.

Không như nhiều người khác, chị Hoàng Oanh (Thành phố Hồ Chí Minh) sang đây từ năm 18 tuổi. Ban đầu, chị làm đào tạo thông dịch viên, tình nguyện viên và sau đó đã đỗ trong kỳ thi tuyển công chức vào làm việc trong văn phòng Cục Di dân Đài Loan và hiện giờ viên mãn sau khi kết hôn với chàng trai xứ Đài.

Vốn là nhân viên tham gia các hoạt động tình nguyện xã hội, chị quen anh trong một lần đi tuyên truyền văn hóa Việt tại Đài Bắc. Thời gian đầu, anh thường xuyên giúp chị trong công tác xã hội này. Dần dần, tình cảm theo thời gian đã giúp chị hiểu được thêm về tính chất phát, chân thành của anh để rồi hai người quyết định dọn về sống chung trong một mái nhà.

Khi đã được làm nhân viên chính thức của Cục Di dân Đài Loan phụ trách làm MC chương trình phát thanh “Tình dòng sông trên đảo ngọc,” anh vẫn thường hỗ trợ chị trong việc giúp người dân hai nước trao đổi văn hóa Việt-Đài.

Theo ông Tạ Công Lập, Cục trưởng Cục Di dân Đài Loan, hiện nay, hôn phối người Đài-Việt là 88.670 người (chiếm 18,3%) trong tổng số 480.000 người Việt nhập cư.

“Hôn phối Đài-Việt ngày càng chiếm tỷ lệ đông. Cục Di dân là đơn vị đầu mối giúp đỡ cô dâu Việt hội nhập văn hóa Đài. Chúng tôi cũng có các chương trình truyền hình, phát thanh bằng 5 thứ tiếng trong đó có tiếng Việt về cô dâu để cung cấp nhiều thông tin làm hành trang cuộc sống của người phụ nữ sinh sống tại đây,” ông Tạ Công Lập cho biết.

Ngoài ra, vị Cục trưởng Cục Di dân này cho hay, năm nay, Đài Loan cũng tổ chức cuộc thi gia đình hạnh phúc, mở các chính sách Đề án Ngọn đuốc bằng cách đào tạo thầy cô về dạy cho trẻ em trong nhà trường dành cho người Việt nhằm định hướng nguồn gốc văn hóa quê hương. Người dân Đài Loan cũng có thể học được về văn hóa Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam.../.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan trong năm 2013 tiếp tục gia tăng.

Tính đến tháng 8/2013, tổng số lao động nước ngoài tại thị trường này là 469.199 người, đứng thứ nhì về tổng số lao động nước ngoài tại Đài Loan (chỉ sau Indonesia với 205.513 lao động).

Riêng 10 tháng đầu năm 2013, số lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan chiếm hơn 40% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài và lớn hơn nhiều so với số lao động đi làm việc ở các thị trường khác (32.000 lao động đi làm việc ở Đài Loan so với 5.068 lao động đi Nhật Bản, 4.904 lao động đi Malaysia...).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục