Những “người bạn thân” của bệnh nhân phong Quy Hòa

Đối với các bệnh nhân tại Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa, đây không chỉ là nơi điều trị mà còn là một mái ấm tràn đầy tình thương.
Những “người bạn thân” của bệnh nhân phong Quy Hòa ảnh 1Các điều dưỡng tại bệnh viện Quy Hòa chăm sóc bệnh nhân phong như người nhà. (Ảnh: Quốc Dũng/Vietnam+)

Đối với các bệnh nhân tại Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa, đây không chỉ là nơi điều trị, khám chữa bệnh hiệu quả, mà còn là một mái ấm tràn đầy tình thương, ngôi nhà thứ hai trong cuộc đời họ.

Những người ngày đêm gìn giữ hơi ấm tình thương ấy chính là tập thể các y bác sỹ, điều dưỡng nơi đây, những “người bạn trong màu áo trắng” của bệnh nhân phong.

Bản án bất hạnh của cuộc sống

“Bản án bất hạnh” đó là cách những bệnh nhân phong Quy Hòa tự gọi về căn bệnh của mình. Bà Lê Thị Lừ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa năm nay đã 67 tuổi, không nhớ rõ mình đã chuyển về đây sống từ khi nào.

Sáng nay, như mọi ngày, bà đi dạo một vòng quanh khuôn viên Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa trên chiếc xe lăn quen thuộc, đôi bàn tay đã mất hết các ngón, nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn.

Bà cho biết: “Tôi vô đây ở luôn trong này, không về nữa. Bình thường tôi ở trong làng, khi nào đau thì mới vào viện. Các bác sỹ tốt lắm, hay hỏi han, giúp đỡ chúng tôi, cho thuốc men đầy đủ, lại nhiệt tình nên ai cũng quý.”

Ngư dân Lương Thành Tân cùng vợ và con trai sống tại làng Quy Hòa, cả hai vợ chồng trước đây đều bị phong, nay đã khỏi bệnh. Anh cho biết: “Tôi bị bệnh phong và vào đây điều trị từ năm 13 tuổi, lớn lên trong vòng tay đùm bọc của các y bác sỹ tại bệnh viện. Nếu không gặp được những người tốt như vậy, không biết cuộc sống của tôi giờ đây như thế nào.”

Tuy kinh tế gia đình vẫn còn khó khăn, sống trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, bữa đói bữa no, nhưng anh chị luôn hạnh phúc mỗi khi ngắm nhìn cậu con trai bình thường, khỏe mạnh, không mang căn bệnh của mình.

Vợ chồng anh Tân và các gia đình khác trong làng Quy Hòa luôn dành tình cảm trân trọng nhất đến các y, bác sỹ của bệnh viện.

Từ những bác sỹ trẻ tâm huyết

Ngay sau khi tốt nghiệp loại giỏi tại trường Đại học Y Dược Huế năm 2013, nữ bác sỹ trẻ Phan Nguyễn Phương Chung lập tức xin vào làm việc tại Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa.

Còn khá mệt mỏi sau hai đêm trực liên tục, cô bác sỹ dáng người nhỏ nhắn vẫn vui vẻ dẫn chúng tôi đi thăm khu tập thể của y bác sỹ trong bệnh viện. Tại đây có khoảng 40 căn hộ của các bác sỹ với tuổi nghề và gia cảnh khác nhau, có người còn độc thân, có người có cả gia đình ở trong viện. Ngay bên cạnh khu tập thể là khu dành cho bệnh nhân phong.

Chung tâm sự: “Những ngày đầu về đây, ở một mình, em cũng rất buồn, lạ lẫm, nhớ nhà, và cả một chút lo lắng nữa. Nhưng được các anh chị bác sỹ hàng xóm làm quen, giúp đỡ, lại hay giao lưu, qua thăm hỏi các bệnh nhân phong ở khu bên cạnh, giờ em đã vui lên rất nhiều. Ở đây các bác sỹ và bệnh nhân thân thiện như những người hàng xóm lâu năm vậy.”

Những “người bạn thân” của bệnh nhân phong Quy Hòa ảnh 2Con của bệnh nhân chơi đùa cùng y tá. (Ảnh: Quốc Dũng/Vietnam+)

Đi qua một nhóm các cụ già ngồi trên xe lăn đang nói chuyện giữa khuôn viên bệnh viện, các cụ cùng quay sang mỉm cười và gật đầu chào chúng tôi, những nụ cười bình yên.

Khi được hỏi về lý do về đây xin việc, nữ bác sỹ trẻ cho biết: “Là một người con của Bình Định, ngay từ nhỏ em đã được nghe kể nhiều, và rất tò mò về làng phong Quy Hòa, em muốn một ngày có thể góp phần giúp đỡ cho họ. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu là một sinh viên ngành y, em đã xác định mục tiêu là khi ra trường phải cố gắng về với bệnh nhân phong nơi đây. Bây giờ được trực tiếp sống, làm việc và theo đuổi mơ ước của mình, em thấy rất hạnh phúc!”

Trong năm 2013, được nhận vào công tác tại bệnh viện cùng với bác sỹ Phương Chung còn có tám cử nhân của các trường đại học y trên khắp cả nước, một luồng sinh khí mới cho Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa.

Đến những người “bạn thân lâu năm”

Sau hơn 30 năm sống và gắn bó với bệnh viện, bác sỹ chuyên khoa 1 Chu Quốc Vinh không thể nhớ hết được mình đã có bao nhiêu kỷ niệm vui buồn với các bệnh nhân.

Năm 1980, tốt nghiệp xong đại học Y Dược Thái Nguyên, bác sỹ trẻ Chu Quốc Vinh quyết định đưa vợ vào Bình Định, làm việc tại Khu điều trị Phong Quy Hòa (nay là Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa).

Những ngày đầu khó khăn, bệnh viện chỉ có chưa đến 10 bác sỹ với 100 giường bệnh, mất điện liên tục, nước sạch thiếu thốn, việc ăn ở của bác sỹ cũng rất vất vả.

Ông Vinh bồi hồi nhớ lại: “Ngày đó tôi thường xuyên nhịn bữa sáng, nhưng vẫn đủ sức khỏe để cùng anh em chung sức xây dựng bệnh viện. Khó khăn nhất vẫn là tư tưởng kỳ thị của cộng đồng thời đó, thậm chí tôi phải giấu cả họ hàng, bạn bè rằng mình đang làm ở trại phong, nếu không sẽ bị xa lánh. Nhưng các bệnh nhân trân trọng chúng tôi lắm. Cái tình, cái nghĩa thể hiện qua từng cử chỉ, hành động của họ là niềm động viên lớn nhất giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ.”

Bác sỹ Chu Quốc Vinh tâm sự, ông gắn bó lâu năm với bệnh viện như vậy cũng vì cảm nhận được nỗi bất hạnh của người bệnh, nếu không mắc bệnh phong, có thể cuộc đời của họ đã rất khác. Được thấy, được nghe, được chữa trị, được sẻ chia với bệnh nhân phong, ông trở thành người bạn thân thiết với họ từ lúc nào không hay.

Có lần, trong một chuyến đi khám cho bệnh nhân ở Gia Lai, ông tình cờ phát hiện ra những biểu hiện ở cô con gái 5 tuổi của một bệnh nhân.

Nhờ phát hiện sớm, điều trị kịp thời nên cô bé đã chữa được dứt điểm, không để lại di chứng. Vài năm sau, người bệnh đó đưa cô con gái, giờ đã học lớp 3, về Quy Hòa tìm gặp vị bác sỹ ngày nào, hai mẹ con nắm tay cảm ơn bác sỹ.

“Đó là lý do khiến cho chúng tôi vẫn luôn kiên định, đam mê công việc của mình, sau từng đấy năm trong nghề.” Ông vừa nói, vừa mang tấm ảnh ố vàng của tập thể các y bác sỹ thời đó, đưa cho tôi xem. “Được bệnh nhân tin tưởng và yêu thương, đó là phần thưởng giá trị nhất của chúng tôi!”

Sau hơn 80 năm hình thành và phát triển, cùng với những thành tựu to lớn trong công cuộc kiểm soát và đẩy lùi bệnh phong, Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa đang thay đổi mạnh mẽ từng ngày, từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, trình độ chuyên môn, tầm ảnh hưởng quốc tế... Nhưng có một bản sắc vẫn luôn âm thầm tồn tại, đó là tình bạn thân thiết, đầy tính nhân văn giữa các bác sỹ và bệnh nhân nơi đây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục