Những người thầy lặng thầm “cõng chữ lên non”

Giáo viên phải đạp xe vượt 70 cây số đường đèo đến trường, phải đến từng bản làng để cùng ăn, cùng ở, cùng lên nương với bà con dân bản.

Giáo viên phải đạp xe vượt 70 cây số đường đèo, vượt qua những cơn mưa rừng như đang sắp đổ ụp xuống đầu để đến với học trò, đến từng thôn bản vận động học sinh tới trường, để lên nương trồng lúa với bà con dân tộc thiểu số…

Cô Chu Thị Nga (trường Vùng cao Việt Bắc) chia sẻ, sức mạnh duy nhất để những nhà giáo vùng khó như cô vượt qua những trở ngại chính là tình yêu học trò. “Với chúng tôi, các em như những đứa con mình,” cô Nga xúc động nói.

Ám ảnh những cơn mưa rừng

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Thái Nguyên nhưng tốt nghiệp trường đại học sư phạm, cô Nga được phân công lên dạy học ở trường Phổ thông cơ sở Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, cô vẫn chưa hết bồi hồi xúc động. Đặt ba lô xuống mảnh đất rừng núi hoàn toàn xa lạ, cô giáo trẻ mới 21 tuổi thấy hụt hẫng vô cùng khi nhìn cơ sở trường lớp trống hơ trống hoác với tranh tre nứa lá, xung quanh là rừng núi, những bản làng heo hút, những ánh mắt học trò dân tộc Mán nhìn cô ngơ ngác.

“Ở đó, chỉ một mình tôi là người từ dưới thành phố lên. Dãy nhà tập thể 11 gian chỉ có một mình. Những ngày đầu buồn đến mức không ăn nổi cơm,” cô Nga tâm sự.

Buồn, cô lại theo học trò về bản, lên nương lên rẫy cùng bà con. Và tình cảm chân thật, mộc mạc của bà con nơi đây, những ánh mắt học trò ngơ ngác ấy đã làm ấm lòng cô giáo trẻ.

Những người thầy lặng thầm “cõng chữ lên non” ảnh 1Cô Chu Thị Nga chia sẻ với báo chí. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Bốn năm gắn bó với trường, ấn tượng không thể quên với cô Nga là những cơn mưa rừng. Mưa như đổ ập xuống đầu. Một mình giữa dãy nhà tập thể làm từ tre nứa, mái gianh ọp ẹp, cô chỉ biết đóng cửa ngồi thu mình một góc. Rồi những ngày cô đạp xe vượt 70 km từ Thái Nguyên đến Bắc Sơn, vượt qua những cung đường ngoằn ngoèo và những đám mây đen sì, nặng trịch, tủa ra từ các khe núi như muốn đổ ụp xuống đầu. Xa gia đình, không bè bạn, cô Nga bảo niềm vui duy nhất của mình chính là học trò. Ở mãi rồi quen, vùng núi xa xôi heo hút ấy đã trở thành miền đất nhớ với cô tự lúc nào. “Sau bốn năm, tôi được chuyển về trường vùng cao Việt Bắc nhưng những tình cảm dành cho đồng bào Mán và các học trò nơi ấy vẫn rất đậm sâu,” cô Nga nói. Rớt nước mắt vì thương trò Cô Hồ Thị Tươi, Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu lại là giáo viên có thâm niên công tác khá lâu ở trường miền núi. Mường Tè là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước, đi lại cực kỳ khó khăn nhưng cô Tươi đã tình nguyện lên đây công tác. Đến nay, cô đã có 16 năm gắn bó với mảnh đất này, trong đó có 7 năm làm công tác quản lý. Kinh tế khó khăn, lo cái ăn còn chưa đủ nên người dân nơi đây cũng không có thời gian để quan tâm đến việc học của con. Để duy trì tỷ lệ chuyên cần, cô phải nỗ lực tiếp cận với gia đình các em. Bất đồng ngôn ngữ, cô cố học tiếng bản địa. Ngoài giờ lên lớp, cô thường xuyên đến các gia đình cùng trồng rau cấy lúa, cùng sống, cùng ăn, cùng ở, cùng trò chuyện để người dân tin tưởng. Trường thiếu phòng học, cô cùng với đồng nghiệp và chính quyền địa phương kết hợp với phụ huynh đi chặt cây dựng lớp. 16 năm, nhưng nỗi ám ảnh đối với cô vẫn là những ngày đông giá rét căm căm, nhìn các em học sinh vượt cả chục cây số đường rừng nhưng phong phanh trong bộ quần áo mỏng, cô không thể cầm lòng, nước mắt cứ lặng lẽ rơi. “Học trò nghèo lắm. Tôi đến từng nhà nên rất hiểu. Nhưng giáo viên thời đó cũng nghèo, thương nhưng chẳng hỗ trợ trò được bao nhiêu,” cô Tươi xúc động nói. Để bù đắp phần nào những thiếu thốn vật chất và để các em gắn bó với trường hơn, cô cùng các giáo viên tổ chức nhiều hoạt động như liên hoan văn nghệ, trồng rau ủng hộ học sinh bán trú, quyên góp quần áo vở viết và hỗ trợ tiền cho học sinh nghèo. Vượt qua định kiến Cũng công tác ở vùng sâu vùng xa, nhưng với thầy Hoàng Văn Thể, giáo viên trường Mầm non Tân Đức, huyện Phú Bình, tỉnh Thái nguyên, khó khăn lớn nhất để trụ vững với nghề lại là những lời dị nghị của hàng xóm, sự phản đối của gia đình.
Những người thầy lặng thầm “cõng chữ lên non” ảnh 2Thầy Hoàng Văn Thể trả lời phỏng vấn Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Mọi người đều cho rằng dạy mầm non là của phụ nữ chứ không dành cho nam giới. Rào cản dư luận đã khiến thầy giáo trẻ cảm thấy ngại ngần trong những ngày đầu làm việc. Cũng theo thầy Thể, một khó khăn khác là sự vụng về ban đầu của người đàn ông khi làm công tác chăm sóc trẻ, những khi cho trẻ ăn, cho trẻ chơi hay vệ sinh cho trẻ... “Nhưng tình yêu con trẻ đã giúp tôi vượt qua những khó khăn ấy và ngày càng thấy đam mê với nghề hơn. Bây giờ, tôi thấy hài lòng với sự lựa chọn của mình,” thầy Thể nói. Có lẽ, chính tình yêu nghề, yêu con trẻ ấy đã giúp cho thầy giáo Thể luôn có nhiều sáng kiến để giúp cho lớp học của mình sinh động hơn. Ghi nhận những đóng góp đó, ngày 17/11 vừa qua, thầy Thể đã trở thành giáo viên nam bậc mầm non duy nhất được vinh danh tại Lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008-2013. Và không chỉ riêng thầy Thể, cô Tươi, cô Nga, còn hàng ngàn vạn những người thầy, người cô trên khắp các nẻo đường của dải đất Việt Nam vẫn đang ngày ngày miệt mài bên trang giáo án, say sưa với những bài giảng, với sự nghiệp trồng người cao cả của mình để ươm xanh những mầm non tương lai đất nước. /.

Tin cùng chuyên mục