Những nguy cơ tài chính ám ảnh thị trường Trung Quốc

Làm thế nào để giảm bớt nợ công mà không làm chậm tăng trưởng kinh tế là bài toán nan giải đang đặt ra cho giới lãnh đạo Trung Quốc.
Những nguy cơ tài chính ám ảnh thị trường Trung Quốc ảnh 1 Lễ khai mạc Kỳ họp thường niên lần thứ 5 Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) khóa 12. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo đài RFI, làm thế nào để giảm bớt nợ công mà không làm chậm tăng trưởng kinh tế là bài toán nan giải đang đặt ra cho giới lãnh đạo Trung Quốc, trong bối cảnh nhiều nguy cơ tài chính đang ám ảnh các đại biểu Quốc hội Trung Quốc tại kỳ họp thường niên khai mạc vào ngày 5/3.

Tại Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số trong nhiều năm nhưng đã rơi xuống còn 6,7% vào năm 2016, mức thấp nhất trong một phần tư thế kỷ qua.

Trong những năm gần đây, Chính quyền Trung Quốc đã cố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách đầu tư ồ ạt vào các dự án cơ sở hạ tầng và duy trì lãi suất ở mức rất thấp, giúp cho các doanh nghiệp nhà nước sống sót, nhất là những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, chính sách này đã tạo ra tình trạng bong bóng đầu cơ trong các khu vực như nguyên liệu và nhất là địa ốc, với việc giá nhà đất ở một số thành phố tăng đến chóng mặt.

Tín dụng địa ốc ở Trung Quốc trong năm 2016 đã lên tới gần 700 tỷ USD, chiếm tới 45% tổng số khoản vay ngân hàng. Bong bóng địa ốc này nếu xì vỡ sẽ gây ra những hậu quả rất nặng nề cho nền kinh tế thứ hai thế giới.

Hãng tin AFP trích dẫn dự báo của các chuyên gia từ công ty Capital Economics cho rằng tại kỳ họp lần này của Quốc hội, Chính phủ Trung Quốc sẽ bày tỏ ý định từ bỏ chính sách thúc đẩy tăng trưởng mang tính ngắn hạn để tập trung vào việc kiềm chế các nguy cơ tài chính.

Trước đó, ngày 2/3, chỉ ba ngày sau khi được bổ nhiệm, ông Quách Thụ Thanh, tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Quản lý Ngân hàng Trung Quốc (CBRC), đã tuyên bố sẽ siết chặt quản lý ngành ngân hàng, "tấn công" nạn đầu cơ địa ốc và tín dụng đen.

Nhưng vấn đề là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ khiến các căng thẳng xã hội bùng phát, áp lực sẽ gia tăng lên đồng nhân dân tệ, vốn đã rơi xuống mức thấp nhất trong tám năm nay. Đó là chưa kể tình trạng dòng vốn chảy ra nước ngoài sẽ còn trầm trọng hơn.

Các nhà quan sát đang đón đợi chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế được đề ra cho năm 2017, từ đó xác định chính sách kinh tế của Trung Quốc sẽ đi theo hướng nào. Dẫu sao thì giới lãnh đạo Trung Quốc không có con đường nào khác là phải thể hiện quyết tâm củng cố nền kinh tế trong bối cảnh Đại hội Đảng sẽ diễn ra trong năm 2017 và trước nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại với nước Mỹ dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Tân Hoa Xã ngày 4/3 dẫn phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc, Chu Quang Diệu, nhận định nước này cần phải cẩn trọng với những nguy cơ kinh tế từ bên ngoài, trong đó có sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và sự bất ổn ở các nền kinh tế đang phát triển.

Theo ông Chu Quang Diệu, các nguy cơ cũng có thể đến từ những chính sách kinh tế mới của Mỹ và những điều chỉnh tỷ giá của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trung Quốc trong năm 2017 cần bám sát chủ trương “tiến lên trong ổn định” nhằm tạo thêm nhiều tiến triển trong cải cách cơ cấu nguồn cung.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc kêu gọi nước này cần phải nỗ lực rất nhiều để xử lý hài hoà các nhiệm vụ kinh tế trong năm nay, bao gồm ổn định tăng trưởng, thúc đẩy cải cách và tái cơ cấu, cải thiện cuộc sống của người dân và ngăn chặn các nguy cơ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để thúc đẩy triển khai chính sách tăng trưởng dựa trên sáng tạo.

Trong một thông tin có liên quan, chỉ vài ngày sau khi ông Donald Trump đề xuất tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ, Trung Quốc cho biết sẽ tăng chi tiêu quân sự khoảng 7% trong năm 2017. Thông báo theo lịch trình này được đưa ra trước Đại hội thường niên Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) tại Bắc Kinh. Trung Quốc đã và đang hiện đại hóa các lực lượng vũ trang thời gian gần đây, khi nền kinh tế được mở rộng. Ngân sách quốc phòng được công bố của Trung Quốc vẫn nhỏ hơn của Mỹ, song nhiều nhà quan sát cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Thông báo trên đánh dấu năm thứ hai liên tiếp mà mức tăng trong chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc dưới 10%, sau gần hai thập niên ở mức hai con số. Điều đó có nghĩa tổng chi tiêu sẽ chiếm khoảng 1,3% mức GDP được dự đoán của Trung Quốc trong năm 2017, tương tự những năm gần đây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục